VẬT DỤNG ĐỰNG HẠT GIỐNG ĐỂ TRA HẠT

Sau khi nương rẫy đã được phát quang, làm sạch cỏ, đất được xới tơi thì những hạt giống được tuyển chọn kỹ từ vụ mùa trước được bà con cho vào những chiếc giỏ xinh xắn, đeo bên hông, đung đưa theo bước chân người phụ nữ đi lên nương rẫy bắt đầu một vụ mùa mới.



Từ xa xưa, các dân tộc Êđê, Gia rai, Mnông là những cư dân nông nghiệp, canh tác theo hình thức “luân canh, luân khoảnh”. Vào đầu mùa mưa, sau khi chuẩn bị xong đất để gieo hạt người dân tiến hành gieo hạt giống. Hạt giống được bỏ vào những chiếc giỏ đan bằng tre xinh xắn hoặc những ống tre lồ ô lớn và dài. Phương thức “chọc lỗ, tra hạt” - nam giới đi trước, cầm gậy chọc lỗ tạo ra những hốc đất trên bề mặt, khi gieo hạt người phụ nữ gắn sợi dây đeo giỏ hay ống lồ ô bên hông hoặc để rời cầm trên tay, vừa đi vừa lắc ống để hạt giống rơi xuống hố, rồi dùng chân lấp lại.


Giỏ đựng hạt giống của người Êđê



Giỏ đựng hạt giống được làm từ các nguyên liệu gần gũi như: mây, tre, nứa, bởi những bàn tay khéo léo của những người đàn ông trong buôn, giỏ có độ bền chắc, gọn nhẹ, mang tính ứng dụng cao. Giỏ được đan từ nan tre chẻ nhỏ, vót mỏng, tạo dáng hình trụ tròn, vành miệng hơi loe, đan mép bằng dây mây, dưới miệng giỏ có dây cột để đeo ngang hông khi sử dụng; phần thân được đan theo nhiều kiểu khác nhau để tạo hoa văn; người thợ dùng một đoạn nan tre cuộn thành hình tròn sau đó uốn vòng tròn thành bốn góc rồi gắn vào đáy tạo thành đế giỏ. Ngoài ra, các dân tộc tại chỗ ở đây  còn dùng một loại vật dụng khác để đựng hạt giống khi tra hạt đó là dùng những ống lồ ô lớn và dài một đầu giữ lại phần đốt để làm đáy, một đầu cắt bằng hoặc vát nhẹ để làm miệng ống.


Ống tre đựng hạt giống



Giỏ đựng hạt giống của người Mnông

         

Giỏ đựng hạt giống là một trong số nhiều vật dụng được dùng trong quá trình canh tác nông nghiệp, gắn liền với những công đoạn đầu tiên của mùa vụ, gửi gắm niềm tin của con người về một mùa rẫy mới bội thu, thóc lúa đầy bồ, dân làng ấm no hạnh phúc. Ngày nay, phương thức canh tác đã thay đổi theo xu thế hiện đại, tuy nhiên ở nhiều buôn làng, nơi còn bảo tồn nghề đan lát truyền thống, người dân vẫn sử dụng đồ dùng đan lát mang đặc trưng của địa phương.




GDTT