Bảo tàng Đắk Lắk không chỉ là cơ sở nghiên cứu khoa học mà còn là trung tâm văn hóa mang tính xã hội rộng lớn. Bảo tàng có các chức năng: Nghiên cứu khoa học, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, phục chế, trưng bày, trình diễn… để giới thiệu và giáo dục về những giá trị lịch sử - văn hóa dân tộc đến công chúng trong và ngoài nước.
Quá trình hình thành
Với chủ trương lưu giữ, giới thiệu và giáo dục những giá trị lịch sử, văn hoá của các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đến với công chúng trong và ngoài nước, Nghị quyết Tỉnh ủy Đắk Lắk lần thứ VII năm 1977 đã đề ra “Cần có những kế hoạch xúc tiến công tác bảo tồn, bảo tàng”.
Được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk và sự nỗ lực hết mình của những cán bộ có tâm huyết, ngày 02/9/1977, Nhà Truyền thống tỉnh Đắk Lắk được thành lập do đồng chí Y Yung Adrơng cán bộ tập kết vào làm Trưởng phòng Bảo tồn bảo tàng kiêm Chủ nhiệm Nhà Truyền thống, trụ sở chính tại số 01 đường Lê Duẩn, với khoảng 500 hiện vật.
Đến năm 1984, được sự giúp đỡ của giáo viên và các sinh viên Khoa Bảo tàng trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Nhà Truyền thống được tổ chức trưng bày lại với quy mô và chất lượng hơn.
Năm 1990 Nhà Truyền thống được đổi tên thành Bảo tàng tổng hợp tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt là Bảo tàng Đắk Lắk). Năm 1995, Bảo tàng Đắk Lắk được công nhận là Bảo tàng hạng II.
Tháng 10/2004, Bảo tàng Đắk Lắk là một trong 5 Bảo tàng Việt Nam được xây dựng với sự hợp tác của các chuyên gia về bảo tàng học của Cộng hòa Pháp và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trong khuôn khổ Dự án phát huy di sản bảo tàng Việt Nam (gọi tắt là Dự án FSP) với dạng viện trợ không hoàn lại. Mục đích của dự án nhằm nâng cao phần trưng bày hiện vật và cải thiện công tác đón tiếp khách tham quan theo chuẩn mực chất lượng quốc tế. Đồng thời, góp phần nâng cao trình độ, năng lực và khả năng làm việc độc lập cho cán bộ Bảo tàng. Ngày 27/02/2008 Bảo tàng được khởi công xây dựng do UBND tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư, công ty Kiến trúc HAAI thiết kế, đơn vị thi công là Công ty TNHH xây dựng Phú Xuân. Đây là công trình có kiến trúc độc đáo mang phong cách hiện đại kết hợp với truyền thống của các tộc người Tây Nguyên. Công trình có tổng diện tích xây dựng hơn 9.000m2 với chiều dài 130m, chiều rộng 65m, gồm các khu trưng bày, khu kho bảo quản và khu làm việc.
Với nỗ lực không ngừng của toàn thể cán bộ, viên chức Bảo tàng, ngày 21/11/2011, nhân dịp kỷ niệm 105 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk, Lễ khánh thành Bảo tàng Đắk Lắk đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức long trọng. Sự kiện này đã đánh dấu một bước phát triển mới của Bảo tàng Đắk Lắk và cũng là mốc son quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển của Đắk Lắk nói riêng và ngành Bảo tàng khu vực Tây Nguyên nói chung.
Năm 2012, nhân kỉ niệm 36 năm thành lập, Bảo tàng được vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng III.
Tháng 01/2014 Bảo tàng chính thức gia nhập tổ chức ICOM, là cơ sở quan trọng để Bảo tàng có những hướng phát triển chiến lược, tạo những bước đột phá trong hoạt động của mình.
Ngày 19/8/2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định số 2641/QĐ-BVHTTDL về việc xếp hạng I cho Bảo tàng. Hiện nay Bảo tàng Đắk Lắk đang từng bước khẳng định vị thế của mình để vươn lên một tầm cao mới.
Những điểm mới
Có thể nói, Bảo tàng Đắk Lắk là một trung tâm bảo tồn và trưng bày về lịch sử và văn hoá các dân tộc tỉnh Đắk Lắk. Du khách đến đây không chỉ để tham quan, giải trí, mà còn để tìm hiểu, nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa dân tộc và các lĩnh vực chuyên ngành khác ở Đắk Lắk. Vì vậy, từ khách trong nước, khách nước ngoài, học sinh, sinh viên đến các nhà khoa học đều có thể tìm thấy sự hấp dẫn ở đây.
Ba không gian trưng bày: Văn hoá dân tộc, Lịch sử và Đa dạng sinh học; tại đây có nhiều hiện vật thể hiện giá trị văn hoá của hơn 44 dân tộc đang quần cư sinh sống tại Đắk Lắk, trong đó không gian văn hóa cồng chiêng và các vấn đề liên quan đến bản sắc văn hóa của các dân tộc tại chỗ được thể hiện rõ nét. Những hiện vật lịch sử giúp cho du khách có một cái nhìn về quá khứ hào hùng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của quân và dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Và những hiện vật khảo cổ đã phần nào tái hiện, cung cấp cho người xem toàn cảnh lịch sử phát triển, những giá trị văn hóa độc đáo của con người, thiên nhiên của vùng cao nguyên hoang dã từ thời kỳ đồ đá cho đến ngày nay. Bên cạnh đó Bảo tàng còn trưng bày những hiện vật về đa dạng sinh học, về nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, màu mỡ của mảnh đất Tây Nguyên, ngoài ra cũng đưa lên những hình ảnh về tình trạng tàn phá rừng làm suy thoái môi trường qua đó nhằm giáo dục ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường trong điều kiện thế giới đang nóng lên vì sự biến đổi khí hậu của trái đất như hiện nay.
Bảo tàng Đắk Lắk là một trong những bảo tàng tiên phong thực hiện phương pháp trưng bày tiên tiến theo quan niệm Bảo tàng học hiện đại; là bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam đã sử dụng 4 ngôn ngữ trong trưng bày: cùng với tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh còn có tiếng Êđê – ngôn ngữ của cư dân tại chỗ đông nhất trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra Bảo tàng Đắk Lắk đã biết sử dụng phim trong trưng bày, các êtikét, sách cứng là những dụng cụ trực quan giúp du khách có thể nắm bắt phần nào nội dung không cần phải thuyết minh. Bảo tàng đã tổ chức những chương trình trải nghiệm như đan lát, dệt vải, chế tác nhạc cụ… để giúp du khách có thể hòa mình vào không gian văn hóa đó và có những trải nghiệm lý thú từ các hoạt động này.
Bằng việc tôn trọng hiện vật gốc, tôn trọng chủ thể văn hóa, những thước phim phản ánh chân thực đời sống cộng đồng. Bảo tàng Đắk Lắk đã xây dựng hình ảnh của mình mang phong cách một Bảo tàng hiện đại nhưng vẫn đậm chất truyền thống dân tộc, đó chính là nỗ lực đáng ghi nhận để vươn tới một Bảo tàng đẳng cấp trong khu vực