LỄ MỪNG LÚA MỚI CỦA NGƯỜI XƠ ĐĂNG

Người Xơ đăng cư trú chủ yếu ở tỉnh Kon Tum và một số vùng lân cận thuộc miền núi của Quảng Nam, Quảng Ngãi. Từ sau năm 1972, có rất nhiều người Xơ đăng đến Đắk Lắk sinh sống. Theo số liệu thống kê năm 2019, người Xơ đăng có dân số khoảng 9.818 người, tập trung tại các huyện: Krông Pắc, Cư Mgar, Ea Kar và thị xã Buôn Hồ.

Là những cư dân nông nghiệp, tại các buôn làng của người Xơ đăng, bên cạnh trồng lúa, họ còn canh tác các loại cây công nghiệp như: cà phê, hồ tiêu, cao su, phát triển chăn nuôi,… do đó kinh tế ngày càng ổn định và phát triển. Trong đời sống tinh thần, ở nhiều nơi, bà con vẫn lưu giữ văn hóa và lễ hội truyền thống mang đặc trưng của người Xơ đăng, như: Lễ mừng lúa mới, Lễ bắc máng nước,… 



Cô gái Xơ đăng - Ảnh của Jean Marie Duchange, Trưng bày Tây Nguyên những năm 50 của thế kỷ XX tại Bảo tàng Đắk Lắk

 

Một trong những nghi lễ đặc sắc của người Xơ đăng ở Đắk Lắk là Lễ mừng lúa mới, thường được tổ chức vào ngày 01/1 (Dương lịch) hàng năm tại buôn Kon H’ring, xã Ea H’đing, huyện Cư Mgar. Đây là một lễ lớn, được tổ chức sau vụ thu hoạch, với sự tham gia của tất cả bà con trong buôn làng.

Trước một tuần diễn ra buổi lễ, dân làng sẽ bàn bạc thời gian, cách thức tổ chức và phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong làng. Một nhóm sẽ đi dọn vệ sinh, phát quang đường lên bến nước, sửa sang lại các máng nước, nơi tổ chức buổi lễ của buôn. Những người phụ nữ chuẩn bị nguyên liệu để chế biến các món ăn, trong khi đàn ông vào rừng săn bắt các loại thú rừng. Đối với người Xơ đăng, mâm lễ vật dâng cúng thần linh trong Lễ mừng lúa mới không thể thiếu thịt chuột đồng. Xuất phát từ quan niệm, chuột thường xuyên phá hoại mùa màng nên phải bị bắt và làm thịt tế lên Yang, để Yang bảo vệ, cho dân làng vụ mùa bội thu, không bị thất thoát từ những loài vật phá hoại. Do đó bẫy chuột được đặt tại các ruộng lúa sát bìa rừng để đảm bảo đây là những con chuột béo nhất, sạch nhất, làm lễ vật dâng cúng và chế biến thành các món ăn cho mọi người tham dự lễ.


Bẫy chuột, hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Đắk Lắk



Mâm lễ vật dâng cúng thần linh (Ảnh tư liệu: Bảo tàng Đắk Lắk)



Không khí buổi lễ (Ảnh tư liệu: Bảo tàng Đắk Lắk)

Trong tiếng cồng chiêng rộn rã, bên ché rượu cần, mọi người cùng ăn uống, nhảy múa, ca hát trong niềm vui mừng lúa mới, tạo nên tình đoàn kết, vui vẻ gắn kết các thành viên trong buôn làng. Đồng thời, gửi gắm mong muốn thần linh phù hộ cho dân làng vụ mùa sau được mưa thuận gió hoà, cây trồng không bị dịch bệnh hay thú rừng phá hoại, dân làng có cuộc sống ấm no đủ đầy.



Tấu chiêng trong Lễ cúng mừng cơm mới tại Buôn Kon H’ring, xã Ea H’đing, huyện Cư Mgar (Ảnh tư liệu: Bảo tàng Đắk Lắk)


Để giúp du khách tìm hiểu về Người Xơ đăng nói riêng và các cư dân Trường Sơn – Tây Nguyên nói chung, trong những năm qua, công tác sưu tầm tư liệu, hình ảnh, hiện vật tại Bảo tàng Đắk Lắk luôn được chú trọng, để bổ sung cho trưng bày thường xuyên cũng như các trưng bày chuyên đề.



Không gian trưng bày Người Xơ đăng, phòng Văn hóa dân tộc

Đến với Bảo tàng Đắk Lắk, du khách sẽ thấy được những hiện vật độc đáo, mang dấu ấn văn hóa của người Xơ đăng. Các hiện vật chứa đựng câu chuyện văn hóa, lịch sử, thể hiện đặc trưng của các dân tộc trong bức tranh văn hóa đa sắc màu của tỉnh Đắk Lắk.





Y Dhiư Niê