ỨNG DỤNG NỀN TẢNG CÔNG NGHỆ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO (AI) VÀO CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC DI SẢN VĂN HÓA

Trong xu hướng phát triển của công nghệ số, việc ứng dụng các nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang mở ra cơ hội mới cho hoạt động tuyên truyền, giáo dục tại các bảo tàng.

Với mục tiêu không ngừng đổi mới, đa dạng hóa phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục di sản văn hóa, Bảo tàng Đắk Lắk đã và đang tích cực tiếp cận, khai thác và ứng dụng các nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) như: ChatGPT, Leiapix AI, Vbee AI, Muff AI, Wondershare Virbo,… cùng nhiều công cụ AI khác để thiết kế các video clip phục hoạt động giáo dục, mang tính sáng tạo, góp phần lan tỏa giá trị di sản văn hóa đến với học sinh, cũng như các đối tượng du khách trong và ngoài nước.



Giới thiệu các loài động vật rừng tại không gian trưng bày Đa dạng sinh học của Bảo tàng Đắk Lắk thông qua nhân vật thuyết trình là một chú Sóc Bông hoạt hình dễ thương


Thiết kế video clip theo chủ đề giáo dục

Việc ứng dụng các tính năng nổi bật của công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) trong thiết kế các video clip theo chủ đề gắn với hiện vật và trưng bày tại bảo tàng không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, kinh phí, mà còn mang đến những giải pháp sáng tạo, trực quan và sinh động, với: ChatGPT - hỗ trợ xây dựng nội dung kịch bản cho video; Leiapix AI - chuyển đổi hình ảnh từ 2D sang 3D, tạo chiều sâu và sinh động cho các cảnh quay; Vbee AI, Muff AI - ứng dụng chuyển văn bản thành giọng nói và lồng ghép nhân vật thuyết trình bằng công cụ AI (Wondershare Virbo), tạo ra các sản phẩm hấp dẫn, phù hợp với đối tượng học sinh và công chúng.

Các sản phẩm này được chia sẻ trên các nền tảng truyền thông của đơn vị, hay lồng ghép vào các bài giảng điện tử trong các chương trình giáo dục trải nghiệm tại bảo tàng và trường học.



Một chủ đề giáo dục di sản văn hóa thực hiện tại trường học

 

Mở rộng kết nối giá trị di sản văn hóa thông qua ngôn ngữ

Năm 2024, Bảo tàng Đắk Lắk thử nghiệm chương trình “Học tiếng Anh cùng Bảo tàng Đắk Lắk” với các video clip đăng tải trên trang facebook của đơn vị, “Thuyết minh viên AI” đã kích thích sự tò mò, hứng thú và nhận được sự phản hồi tích cực của công chúng. Việc tiếp cận di sản văn hóa trở nên gần gũi, thông qua ngôn ngữ - những từ vựng, câu giao tiếp Tiếng Anh, vừa giải mã hiện vật, câu chuyện văn hóa, vừa bổ trợ phát triển kỹ năng ngoại ngữ; mở rộng đối tượng tiếp cận, lan tỏa giá trị di sản văn hóa địa phương đến công chúng trong và ngoài nước.



Học tiếng anh cùng Bảo tàng Đắk Lắk với chủ đề:“Nhà dài - kiến trúc độc đáo của người Êđê tại tỉnh Đắk Lắk”

 

Mục tiêu tuyên truyền, giáo dục sâu rộng

Thông qua các sản phẩm giáo dục sáng tạo, Bảo tàng Đắk Lắk hướng đến mục tiêu giáo dục toàn diện và bền vững, giúp học sinh và công chúng nhận thức sâu sắc hơn về giá trị di sản văn hóa. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa cho thế hệ trẻ trong bối cảnh hội nhập và phát triển.



Học tiếng Anh cùng Bảo tàng Đắk Lắk với chủ đề “Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên”

 

Với việc ứng dụng các nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), Bảo tàng Đắk Lắk hy vọng sẽ bổ trợ thiết thực cho việc thiết kế, xây dựng chủ đề giáo dục, từ đó nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục giá trị di sản văn hóa; truyền cảm hứng, khơi dậy và lan tỏa rộng rãi niềm yêu thích học tập đến các đối tượng công chúng.

Trần Nguyệt