SỬ DỤNG HÓA CHẤT PARALOID B72 TRONG CÔNG TÁC ĐÁNH SỐ KIỂM KÊ, BẢO QUẢN VÀ MỘT SỐ TRƯNG BÀY TẠI BẢO TÀNG ĐẮK LẮK

Kiểm kê hiện vật là quá trình nghiên cứu, xác lập thủ tục pháp lý, làm sáng tỏ nội dung, ý nghĩa, giá trị và tình trạng bảo quản hiện vật nhằm phục vụ công tác quản lý, bảo quản, khai thác và sử dụng hiện vật. Công tác kiểm kê, bảo quản tại Kho cơ sở gồm nhiều công đoạn, trong đó đánh số kiểm kê hiện vật có vai trò quan trọng, giúp phân loại, tra cứu, nhận diện hiện vật một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Trong quá trình thực hiện đánh số kiểm kê, bảo tồn và phục chế hiện vật, viên chức làm công tác bảo quản tại Bảo tàng Đắk Lắk luôn chú trọng đến việc sử dụng những chất liệu có độ bền cao, thân thiện với môi trường, không gây hại cho hiện vật, đảm bảo tính ứng dụng và thẩm mỹ, một trong số đó là hóa chất Paraloid B72.

Paraloid B72 là một loại nhựa nhiệt dẻo do công ty Rohm và Haas Company (Mỹ) sản xuất với mục đích sử dụng làm lớp phủ bề mặt và chất dẫn cho mực in flexo. Với những tính năng phù hợp, Paraloid B72 được sử dụng phổ biến trong ngành bảo tồn và phục chế, đặc biệt là các hiện vật thuộc chất liệu gốm, thủy tinh.

Dung môi thích hợp nhất cho Paraloid B72 là acetone với các nồng độ khác nhau cho từng mục đích sử dụng. Một số ưu điểm chính của Paraloid B72 là có độ bền hóa học cao, không bị oxy hóa, do không tan trong nước nên không hút ẩm, không bị rửa trôi, chống chịu được vi sinh vật và có thể được loại bỏ khỏi hiện vật sau quá trình xử lý.

Tại Bảo tàng Đắk Lắk, việc tiếp cận và sử dụng hóa chất Paraloid B72 được thực hiện từ năm 2008, với các hoạt động:  

* Sử dụng trong công tác đánh số và ghi ký hiệu kiểm kê lên hiện vật bằng hóa chất Paraloid B72 hòa tan trong dung môi aceton nồng độ 20% (20% Paraloid B72 pha với 80% dung dịch aceton), thực hiện theo quy trình:

Bước 1: Dùng cọ có kích thước phù hợp với từng hiện vật phủ một lớp mỏng có dạng hình chữ nhật lên bề mặt hiện vật ở vị trí đánh số và để khô một ngày.

Bước 2: Dùng ngòi bút và mực màu trắng hoặc đen ghi số ký hiệu kiểm kê và để mực khô một ngày.

Bước 3: Phủ lớp mỏng hóa chất Paraloid B72 lên bề mặt vị trí đã đánh số ký hiệu kê và để khô.

Sử dụng hóa chất Paraloid B72 giúp bảo vệ bề mặt hiện vật tại vị trí đánh số không bị trầy xước, mực đánh số không thấm vào hiện vật và là lớp bảo vệ số hiệu hiện vật được đánh không bị bong tróc.

* Sử dụng trong bảo quản hiện vật:

- Gắn chắp hiện vật gốm, sứ được thực hiện theo quy trình:

Bước 1: Vệ sinh sạch các mảnh vỡ bằng dung dịch cồn pha với nước cất (tỷ lệ 1:1).

Bước 2: Dùng cọ quét một lớp mỏng dung dịch Paraloid B72 5% lên 2 mảnh vỡ cần dán, nhằm tạo lớp lót. Sau đó, quét tiếp 1 lớp dung dịch Paraloid B72 nồng độ 40% lên và gắn chúng lại với nhau.

Bước 3: Sau khi gắn bằng dung dịch xong, ta cố định điểm nối bằng băng dính giấy (băng dính phải vuông góc với đường nối). Tuyệt đối không di chuyển hiện vật đang tu sửa trong khoảng thời gian này.

Bước 4: Sau 2 ngày, khi lớp keo đã khô, tháo lớp băng dính giấy và tiếp tục vệ sinh sơ bộ một lần nữa khi đã hoàn thiện xong việc gắn chắp bằng tăm bông thấm dung dịch cồn pha với nước cất (tỷ lệ 1:1).  

- Gia cố lớp men gốm bị bong tróc thực hiện theo quy trình

Bước 1: Pha hóa chất Paraloid vào dung môi Aceton (tỷ lệ 3:100) tạo thành dung dịch Paraloid 3% và (tỷ lệ 10:100) tạo thành dung dịch Paraloid 10%.

Bước 2: Dùng cọ nhỏ chấm dung dịch Paraloid 3% thấm đều từ thành miệng hiện vật dần xuống thân. Lưu ý phải làm gọn từng vị trí một và chỉ chấm, không được quét cọ. Để hiện vật 01 ngày cho khô.

Bước 3: Lật hiện vật để tiếp tục xử lý phần đáy. Do gốm ở đáy hũ đã bị mủn, cần gia cố lại phần đáy bằng dung dịch Paraloid 10%. Và để khô hiện vật sau 01 ngày.

* Sử dụng trong bảo quản trị liệu hiện vật chất liệu mộc thực hiện theo quy trình:

Bước 1: Dùng hóa chất Paraloid B72 tỷ lệ 40% trộn với bột gỗ tạo thành hỗn hợp kết dính dùng nối, bồi, trám các khe hở, nứt, thủng,…. trên bề mặt hiện vật và miết cho vết bồi, trám, nối bằng phẳng so với bề mặt hiện vật và để khô.

Bước 2: Dùng giấy nhám kết hợp với máy mài mini công xuất nhỏ để mài tạo độ nhẵn ở các vị trí trám, đắp,…

Bước 3: Sử dụng hóa chất Paraloid B72 với tỷ lệ 3 - 5%, tạo lớp lót kết dính trên vị trí đã được bồi, trám và để khô và tạo màu cho sản phẩm (nếu có).

* Sử dụng tạo lớp màng bảo vệ bề mặt chất liệu kim loại:

Bước 1: Vệ sinh loại bỏ cặn bẩn, các tạp chất bám dính trên hiện vật. Lưu ý trước khi làm sạch hiện vật, cần xác định những phần ăn mòn cần phải loại bỏ: đất từ điều kiện môi trường bao phủ bởi lớp trầm tích, lớp mỏng oxy hóa chất ăn mòn trên bề mặt và một số cặn khoáng xốp. Hiện vật phải được làm ẩm trước khi tiến hành. Có 2 phương pháp vệ sinh:


 - Dùng phương pháp cơ học để loại bỏ bụi bẩn và tạp chất bằng các dụng cụ chuyên dụng như pay, dao trổ, dao nhọn, chổi và gạc bông, giấy nhám nước...


- Dùng phương pháp hóa học tẩy cặn, cáu bẩn ăn sâu bằng các dung môi hữu cơ (ethanol, aceton, toluen, xylen, DTA….) đối với hiện vật bị dính keo, nhựa bám bề mặt hay phần đất cặn bám chắc hiện vật.


Tùy thuộc hiện trạng của hiện vật, chọn dụng cụ làm sạch phù hợp để không ảnh hưởng đến bề mặt gốc kim loại của hiện vật.


Bước 2: Sử dụng chất ức chế benzotriazole 3% trong ethanol quét hoặc nhúng trực tiếp hiện vật vào dung dịch (hiện vật có kích thước nhỏ), mục đích ngăn hoặc làm chậm quá trình ăn mòn. Để khô, sau đó dùng tăm bông kết hợp với aceton loại bỏ lượng hóa chất dư thừa trên bề mặt hiện vật.


Bước 3: Dùng hóa chất paraloid B72 nồng độ 3% đến 5% quét lên toàn bộ bề mặt hiện vật tạo lớp màng bảo vệ.


* Sử dụng để cố định một số hiện vật trong trưng bày:


Bước 1: Sử dụng Paraloid nồng độ 5% tạo thành lớp kết dính mỏng quét lên mặt dưới hiện vật như tiền xu, mũi khoan.


ớc 2: Đặt hiện vật lên bề mặt tủ, bục trưng bày, dùng tay, nhíp giữ cố định hiện vật từ 1 đến 2 phút để hiện vật dính vào bề mặt bục, tủ.


Bước 3: Dùng tăm bông kết hợp với dung dịch cồn và nước cất tỷ lệ (1:1) loại bỏ hóa chất dư thừa trên hiện vật và để khô. 




Có thể nói, hiện vật và những câu chuyện đi kèm chính là linh hồn của mỗi bảo tàng. Sưu tầm được hiện vật đã là khó, tuy nhiên, việc bảo quản, gìn giữ hiện vật còn khó hơn rất nhiều. Vì vậy, công tác bảo quản phòng ngừa và trị liệu hiện vật phải được thực hiện một cách khoa học và thận trọng. Đối với mỗi hiện vật, tùy theo chất liệu và hiện trạng sẽ sử dụng các phương pháp, quy trình bảo quản khác nhau và phải đáp ứng nguyên tắc là giữ được trạng thái gốc về phom dáng, tính đặc thù của hiện vật.

Phạm Hoài