LỢI ÍCH CỦA VIỆC THAM QUAN BẢO TÀNG ĐỐI VỚI TRẺ EM
Tham quan bảo tàng là một trải nghiệm tuyệt vời và đầy bổ ích đối với trẻ em, giúp các em không chỉ học hỏi mà còn phát triển nhiều kỹ năng quan trọng. Khi tham gia vào các hoạt động tại bảo tàng, các em sẽ được tiếp cận với kiến thức lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và khoa học, đồng thời có cơ hội tham gia vào các hoạt động tương tác để phát triển khả năng quan sát và sự sáng tạo.
Các em học sinh trường Tiểu học, THCS và THPT Victory, thành phố Buôn Ma Thuột chụp ảnh lưu niệm trước khi tham quan Bảo tàng Đắk Lắk
Mở rộng kiến thức về thế giới xung quanh
Tham quan bảo tàng mang đến cho trẻ em cơ hội khám phá những nền văn hóa đặc sắc, tìm hiểu về lịch sử, thế giới động vật, thiên nhiên và các phát minh khoa học. Qua các hiện vật, tranh vẽ, mô hình sống động và những câu chuyện thú vị trong bảo tàng, trẻ em dễ dàng tiếp cận kiến thức, hình dung rõ hơn về quá khứ, thêm hiểu biết về sự phát triển của xã hội.
Học sinh tham quan và tìm hiểu mũi khoan trong “Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” - Bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk.
Kích thích sự sáng tạo và tư duy phản biện
Các hoạt động trải nghiệm trong bảo tàng như vẽ tranh, làm đồ thủ công, hoặc tham gia vào các trò chơi học thuật hay thuyết trình, … giúp trẻ phát triển khả năng sáng tạo và tư duy phản biện. Khi được khuyến khích tạo ra các sản phẩm của riêng mình, trẻ rèn luyện sự khéo léo, học cách tư duy logic, giải quyết vấn đề và thể hiện ý tưởng một cách rõ ràng, góp phần nuôi dưỡng trí tưởng tượng phong phú, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho việc học tập.
Học sinh thuyết trình về Quy trình dệt vải tại Bảo tàng Đắk Lắk
Khám phá sở thích mới
Tham quan bảo tàng cũng là dịp để trẻ em khám phá các sở thích và đam mê của bản thân trong các lĩnh vực khác nhau như văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, động vật hay khoa học. Thông qua các chương trình giáo dục di sản sinh động, trẻ có thể nhận ra điều mình yêu thích, từ đó phát triển kiến thức và kỹ năng phù hợp.
Phát triển kỹ năng giao tiếp xã hội
Khi tham gia các hoạt động nhóm tại bảo tàng, trẻ em sẽ có cơ hội giao tiếp và làm việc cùng bạn bè. Trong hoạt động này, trẻ học được cách làm việc hợp tác, lắng nghe, chia sẻ ý tưởng và trao đổi quan điểm của mình với người khác, giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp xã hội.
Nhóm học sinh Trường Tiểu học, THCS, THPT Hoàng Việt, thành phố Buôn Ma Thuột thảo luận về dụng cụ săn bắn và thuần dưỡng voi rừng tại Bảo tàng Đắk Lắk
Tăng cường trí nhớ và rèn luyện khả năng tập trung
Bảo tàng là môi trường lý tưởng giúp trẻ em cải thiện trí nhớ và rèn luyện khả năng tập trung. Khi tham gia vào các hoạt động yêu cầu ghi nhớ thông tin về hiện vật hoặc các trò chơi trí tuệ, bộ não của các em sẽ hoạt động tích cực hơn, giúp tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên, từ đó chủ động tìm kiếm thông tin, nâng cao hiệu quả học tập.
Học sinh sử dụng học liệu giáo dục di sản tại Bảo tàng Đắk Lắk
Tham quan và tham gia các hoạt động giáo dục, trải nghiệm tại bảo tàng không chỉ mang đến cơ hội học tập thực tế đầy bổ ích, giúp trẻ em mở rộng nhận thức và phát triển tư duy về nhiều mặt mà còn mang lại những giây phút giải trí, thư giãn mang tính giáo dục cao, góp phần nuôi dưỡng trí tuệ lẫn cảm xúc cho các em.
Trần Nguyệt