HƯỞNG ỨNG TUẦN LỄ HỌC TẬP SUỐT ĐỜI THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH NĂM 2024
Trong không khí sôi nổi hưởng ứng Tuần lễ Học tập suốt đời năm 2024, chủ đề "Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời", cùng nhìn lại tầm quan trọng của việc đọc sách và khơi dậy niềm đam mê đọc sách trong cộng đồng.
Sách là một kho tàng tri thức khổng lồ, là nơi lưu giữ những tinh hoa của nhân loại. Đọc sách không đơn thuần là việc tiếp nhận thông tin mà còn là một hành trình khám phá thế giới, mở rộng tầm hiểu biết và bồi dưỡng tâm hồn. Đọc sách giúp chúng ta hiểu biết sâu hơn về lịch sử, văn hóa, xã hội và con người; giúp con người nâng cao kiến thức, kỹ năng để hoàn thiện bản thân, đóng góp cho xã hội. Việc đọc sách nói riêng và thực hiện văn hóa đọc nói chung đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa của xã hội phát triển - văn minh - hiện đại. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ số phát triển như hiện nay, việc đọc sách vẫn giữ nguyên giá trị.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi sách, báo là người bạn tri kỷ. Từ khi còn nhỏ, Bác đã ham đọc sách, chỉ cần có thời gian là Người tìm đến sách để mở mang kiến thức, tìm hiểu thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: “Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc sách. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn. Làm nhà báo, nhà văn lại càng phải đọc”.
Nhằm đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Thư viện chuyên ngành Bảo tàng Đắk Lắk triển khai nhiều hoạt động thiết thực:
Giới thiệu những đầu sách hay và bổ ích trên website của Bảo tàng Đắk Lắk (https://daklakmuseum.vn), khuyến khích độc giả tìm đọc và khám phá; chọn lọc các loại sách, báo và xếp sách theo mô hình Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thư viện để giới thiệu đến công chúng.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Thư viện, triển khai giới thiệu, lan tỏa đến bạn đọc các tài liệu điện tử, tài liệu trực tuyến; tuyên truyền hướng dẫn truy cập miễn phí Thư viện chuyên ngành Bảo tàng Đắk Lắk trên website của đơn vị cho tất cả độc giả. Hoạt động này đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều bạn đọc, nhà nghiên cứu, đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh.
Các hoạt động của Thư viện chuyên ngành Bảo tàng Đắk Lắk góp phần định hướng văn hoá đọc; nâng cao ý thức tự học, học thường xuyên, học suốt đời của mỗi cá nhân, từ đó nâng tầm trí tuệ, trình độ, kỹ năng toàn diện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Trần Nguyệt