HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SỸ (27/7/1947 – 27/7/2023)
Ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7 là ngày tri ân, tưởng nhớ công lao của các anh hùng, liệt sỹ, cũng là ngày để người dân Việt Nam thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”.
Đối với người Việt, ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7 đóng một vai trò và ý nghĩa quan trọng. Hàng năm cứ đến ngày 27/7, cả nước lại hướng về các nghĩa trang liệt sỹ để thành kính dâng hương, tri ân công lao to lớn của những anh hùng đã ngã xuống vì nền độc lập nước nhà. Đây cũng là dịp quan trọng để chính quyền các cấp, các tổ chức, cá nhân đến thăm hỏi các gia đình liệt sỹ, những người mẹ Việt Nam anh hùng.
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Khi chính quyền cách mạng đang còn non trẻ thì thực dân Pháp âm mưu trở lại xâm lược nước ta. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn độc lập tự do, quân và dân ta ở những nơi thực dân Pháp gây hấn đã chiến đấu anh dũng, chặn lại bàn tay đẫm máu của thực dân xâm lược. Trong cuộc chiến đấu ấy, nhiều chiến sĩ, đồng bào ta đã bị thương, có người đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường, nhiều gia đình cùng một lúc phải mất đi cả chồng và các con ngoài mặt trận, nhiều người vợ trẻ chỉ được hưởng hạnh phúc vợ chồng chưa trọn một ngày, rồi góa bụa cả đời. Nhưng cũng chính bằng lòng tiếc thương vô hạn ấy, người sống tự nói với lòng mình rằng: “Hãy sống sao cho xứng với người đã khuất”. Và rồi đã như thành truyền thống, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã dành tình thương yêu của mình chăm sóc các gia đình liệt sỹ, anh chị em thương binh - bệnh binh một cách tận tình chu đáo.
Ngày 19/12/1946, Hà Nội chính thức phát động chiến tranh với Pháp, chiến tranh lan rộng ra nhiều vùng. Số người bị thương và chết tăng lên nhanh do sự chênh lệch về trang bị vũ khí cũng như những chiến thuật chiến đấu. Đời sống của binh lính lúc đó, nhất là những binh sĩ bị thương gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trước thực trạng đó, năm 1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL, ngày 16/8/1947 Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh liệt sĩ đối với cuộc chiến tranh của Việt Nam.
Đầu tháng 7/1947, Ban Vận động tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc được thành lập. Từ tháng 7/1955, Ngày thương binh được đổi thành Ngày thương binh liệt sĩ để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thẳng vẻ vang của toàn dân tộc. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo chỉ thị 223/CT-TW, ngày 08/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 27/7 hàng năm chính thức trở thành “Ngày thương binh liệt sĩ” của cả nước.
Đây là ngày toàn dân cùng thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, là dịp để người dân tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh.
Nằm trong các hoạt động tri ân và tôn vinh các anh hùng liệt sỹ diễn ra trên khắp cả nước, Bảo tàng Đắk Lắk tổ chức dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại 03 địa điểm: Di tích lịch sử quốc gia đình Lạc Giao (số 67 đường Phan Bội Châu, phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột); Di tích lịch sử Địa điểm lưu niệm các chiến sỹ Nam tiến tại Buôn Ma Thuột (số 05 đường Lê Duẩn, phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột) và tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột (số 27 đường Phạm Hồng Thái, phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột).
Hoạt động này nhằm tôn vinh người có công với cách mạng, khẳng định sự cống hiến, hy sinh của các chiến sỹ là vô giá, thể hiện sự tri ân và lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao to lớn của các chiến sỹ đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Qua đó, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhất là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Trần Nguyệt