Tham dự buổi hội nghị có bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Văn Thăng, Chánh Văn phòng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Y Chen Niê, Phó Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Đinh Một – Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk; ông Trần Văn Hùng – Giám đốc Ban quản lý di tích; ông Phạm Đình Tấn, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Krông Bông; ông Võ Thanh Hà, cán bộ Văn hóa xã Hòa sơn, huyện Krông Bông; ông Nguyễn Vĩnh Linh đại diện gia đình quản lý mảnh đất có chứa di chỉ; Đại diện lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng toàn thể viên chức, người lao động Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk.
Toàn cảnh hội nghị
Phế tích kiến trúc Chăm nằm trên địa phận Thôn 2, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, nằm gọn trong khuôn viên đất của nhà ông Nguyễn Vĩnh Thành, tiếp giáp với mặt đường liên thôn. Bên kia đường, phía đông là hồ nước tự nhiên rộng khoảng 4-5ha (cách phế tích khoảng 50m). Xung quanh di tích là nhà dân đã được xây dựng kiên cố. Từ ngày 20/3/2019 - 29/4/2019 Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Krông Bông và UBND xã Hòa Sơn tiến hành Khai quật di chỉ Khảo cổ học tại Điểm Thôn 2, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk.
Đặc trưng di tích:
Sau khi khai quật làm rõ mặt bằng kiến trúc cho thấy đây là móng của một kiến trúc gạch được xây dựng vững chắc. Mặt bằng kiến trúc chính có hình chữ nhật theo hướng Bắc - Nam. Các góc bắt vuông vức. Kích thước của kiến trúc dài 5,3m, rộng 2,5m. Từ thân kiến trúc là hệ thống mặt bằng, hệ thống móng xây liền khối với móng kiến trúc chính. Hệ thống móng cửa được xây thu đều cân đối bắt góc vuông với thân kiến trúc chia thành hai phần đăng đối tạo nên mặt bằng hình chữ nhật nối tiếp nhau. Hệ thống tường xây gạch nhiều lớp chiều cao còn lại từ 0,9m đến 1,04m gồm 7 lớp gạch xây xếp tạo nên. Gạch xây dựng có nhiều kích thước, được nung già, có màu đỏ nhạt hay vàng nhạt, độ cứng cao. Kỹ thuật xây các viên câu móc nhau tạo sự ổn định bền vững.
Di chỉ Khảo cổ học tại Thôn 2, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk
Đặc trưng di vật:
Hiện vật thu được qua khai quật được 615 hiện vật gốc chủ yếu là gạch và gốm (321 mảnh gốm; 39 viên gạch lành; 261 viên gạch vỡ). Sau khi sơ bộ phân loại được chia làm hai nhóm: - Vật liệu kiến trúc: chỉ duy nhất phát hiện được là các viên gạch. Gạch được làm bằng đất sét mịn, màu vàng gạch lẫn xám trắng, độ nung cao nên đanh chắc. Kích thước gạch dài khoảng 25 - 38cm, rộng 13,5 - 18,5cm, dày 5 - 7cm, được bố trí bằng cách xếp lớp, có chỗ theo chiều ngang của gạch, có chỗ theo chiều dọc của gạch tạo nên mối liên kết vững chắc ổn định. - Đồ gốm: thu được hơn 321 mảnh gốm vỡ, bao gồm nhiều loại hình miệng, thân, chân đế. Đồ gốm ở đây chủ yếu gồm gốm màu nâu đỏ, xương gốm tương đối mịn, có pha cát, hạt mịn hay sạn sỏi kích thước nhỏ. Xương gốm dày dày 0.3 – 0,6cm. Gốm không có hoa văn. Độ nung gốm không cao. Đáng chú ý có hai hiện vật thu được mảnh tương đối đầy đủ có thể gắn chắp thành hiện vật hoàn chỉnh. + Hiện vật gốm (đèn chân cao): kích thước cao 28cm; đường kính thân 3,4cm; đường kính chân 13,8cm; đường kính miệng 14,3cm; chiều cao chân đế 5cm; chiều cao miệng 5,5cm. Chất liệu hơi thô và mịn, xương gốm cứng, màu đỏ nhạt, phần thân của chân đế có hình trụ tròn, rỗng giữa, phía dưới choãi hình loa, được chế tạo riêng rồi gắn chắp với phần trên của hiện vật. + Hiện vật gốm (cốc chân cao): có dáng cao mà tròn, nhỏ, miệng rộng, sâu lòng, có chân đế. Chiều cao 12,7cm; đường kính miệng 13,5cm; đường kính thân 9,7cm; đường kính chân đế 7,5cm. - Gốm vỡ: Thu được hơn 321 mảnh gốm vỡ, bao gồm nhiều loại hình miệng, thân, chân đế. Đồ gốm ở đây chủ yếu gồm gốm màu nâu đỏ, tương đối mịn, xương gốm thường pha cát, sạn sỏi, dày 0.3 - 0.6cm, không có hoa văn.
Một số hiện vật sau khi khai quật
Qua báo cáo sơ bộ kết quả khai quật Khảo cổ học, bước đầu nhận định có thể đây là một phế tích kiến trúc được xây dựng trong lịch sử vùng đất. Dựa vào bình đồ kiến trúc hình chữ nhật, quy mô kiến trúc không lớn, không gian lòng hẹp, có hệ thống cửa mở ra bên ngoài, bước đầu xác định đây có thể là một loại hình kiến trúc tín ngưỡng, tôn giáo - kiến trúc đền, miếu thờ. Nhận định ban đầu có thể xác định kiến trúc này được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIV-XV là phù hợp. Giai đoạn lịch sử này, trước và sau khi vùng đất ViJaya (Bình Định) sát nhập vào lãnh thổ Đại Việt thì một bộ phận người Chăm dần di cư về phía Nam và lên Tây Nguyên, có thể họ đã để lại dấu vết một cơ sở tín ngưỡng khi định cư trên vùng đất này.
Ông Trần Quang Năm trình bày báo cáo sơ bộ kết quả khai quật
Phát biểu tại Hội nghị bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: những phát hiện từ di chỉ Khảo cổ học tại Điểm thôn 2, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk là vô cùng quý giá, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk nên nghiên cứu, xem xét việc tổ chức trưng bày, giới thiệu, giáo dục và tuyên truyền cho nhân dân, khách tham quan trong tỉnh cũng như cả nước và bạn bè quốc tế có thêm những hiểu biết về lịch sử xa xưa của vùng đất Đắk Lắk giàu bản sắc.
Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại Hội nghị
Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho gia đình ông Nguyễn Vĩnh Thành đã có công gìn giữ di chỉ Khảo cổ