ĐOÀN CÁN BỘ QUẢN LÝ – GIÁO VIÊN TỈNH ĐẮK LẮK ĐẾN THAM QUAN NHÀ ĐÀY BUÔN MA THUỘT

Vừa qua, Đoàn Cán bộ quản lý – Giáo viên tỉnh Đắk Lắk đã đến tham quan, học tập tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Trong khuôn khổ của chương trình tập huấn giáo viên dạy môn Giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường Trung học phổ thông; lồng ghép nội dung Giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường tiểu học, trung học cơ sở, chuyến tham quan và học tập tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đã để lại cho đoàn nhiều ấn tượng sâu sắc.


Với các hoạt động “về nguồn” đầy ý nghĩa: dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, tham quan, ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng của các chiến sĩ kiên trung, Đoàn đã tổ chức Lễ bế giảng cho 200 học viên tham gia chương trình tập huấn.



Dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ




Tham quan, tìm hiểu về Di tích, cùng những câu chuyện xúc động về những người tù chính trị bị giam giữ tại Nhà đày Buôn Ma Thuột

 

Cô Lê Thị Ngọc Hoa, Chuyên viên chính phòng Giáo dục Tiểu học, Giáo dục mầm non - Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk cho biết: “Nhà đày Buôn Ma Thuột là trường học cách mạng trên cao nguyên Đắk Lắk. Tôi rất vinh dự và tự hào khi mình là cháu nội của cựu tù Lê Ngân, tên hoạt động là Kim Cửu, quê ở Hà Tĩnh bị giam cầm tại Nhà đày Buôn Ma Thuột trong những năm tháng thời kỳ Pháp thuộc”. Cô Lưu Thị Thu Hiền, giáo viên Trường Tiều học Nguyễn Thị Minh Khai, huyện Lắk chia sẻ: “Chuyến tham quan trải nghiệm thực tế sau khóa học thực sự rất bổ ích. Có đi, có biết, có hiểu, mới thấy được sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh, để chúng ta được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, độc lập, tự do, ấm no và hạnh phúc như bây giờ. Với vai trò của những người lái đò, dạy dỗ và dìu dắt biết bao thế hệ măng non của tỉnh nhà. Chúng tôi sẽ truyền tải thêm những hiểu biết của mình đến các em, góp phần cho các em thêm yêu lịch sử, quê hương mình đang sinh sống. Bên cạnh đó, xây dựng những kế hoạch để kết nối chương trình của Bảo tàng Đắk Lắk đến với các em học sinh trên địa bàn tỉnh, để các tiết học môn Lịch sử và Văn học trở nên hấp dẫn, dễ nhớ, dễ hiểu, trực quan sinh động hơn đối với các em học sinh thân yêu”.




Chia sẻ cảm xúc về buổi tham quan học tập

 

Trong những năm gần đây, việc lồng ghép hoạt động tham quan, học tập tại các di tích lịch sử trong các chương trình tập huấn giáo dục đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đưa di tích lịch sử đến gần với các đơn vị trường học, lan tỏa truyền thống anh hùng cách mạng, tình yêu và lòng tự hào về quê hương đất nước, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm, cùng chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.




Hạnh Trinh