DI TÍCH LỊCH SỬ TRỤ SỞ UỶ BAN KHỞI NGHĨA TỈNH ĐẮK LẮK 1945

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những trang sử hào hùng của dân tộc vẫn mãi là niềm tự hào của các thế hệ người dân Việt Nam. Trong những trang sử đó, Ngôi nhà số 71, đường Lý Thường Kiệt, thành phố Buôn Ma Thuột đã trở thành địa chỉ đỏ ghi nhận lại những sự kiện lịch sử trọng đại ngay tại thành phố Buôn Ma Thuột.

NGHE TẠI ĐÂY


Ngôi nhà không chỉ là nơi nuôi dấu, che chở cán bộ cách mạng; nơi diễn ra những hội nghị quan trọng góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại Đắk Lắk mà còn là nơi diễn ra sự kiện thành lập Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Đắk Lắk năm 1945.





Năm 1940, Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk đã ra đời tại Nhà đày Buôn Ma Thuột, gieo mầm những hạt giống cách mạng cho Buôn Ma Thuột, cho Đắk Lắk. Nhiều cơ sở cách mạng được xây dựng ở thị xã, trong các đồn điền và một trong các cơ sở kết nối, liên lạc chặt chẽ với cách mạng tại thị xã Buôn Ma Thuột lúc bấy giờ là Ngôi nhà số 57 Lý Thường Kiệt.


Đây vốn là nhà của ông Đầu Viết Chúc, thời Pháp thuộc, ông làm việc tại Sở Lục lộ Vinh, vì chống lại bọn Tây nên ông bị kỷ luật, phải huyền chức ba năm. Năm 1939, ông được phục chức và đưa đi làm việc tại Buôn Ma Thuột. Năm 1943, ông xây dựng ngôi nhà ba gian tại số 57 đường Lý Thường Kiệt (nay là số 71, đường Lý Thường Kiệt). Từ năm 1944, thông qua đồng chí Nguyễn Hòa - người đầu tiên của Lục lộ được các đồng chí trong Nhà đày Buôn Ma Thuột giao trách nhiệm bắt liên lạc với gia đình ông Đầu Viết Chúc để xây dựng cơ sở cách mạng. Từ đó, Nhà số 57 Lý Thường Kiệt trở thành cơ sở liên lạc bí mật của Việt Minh lúc bấy giờ ở Đắk Lắk nói riêng và toàn khu vực miền Trung nói chung.

Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, tù chính trị nhà đày được giải vây, nhưng một số đồng chí đã bí mật ở lại để tiếp tục hoạt động cách mạng, Nhà số 57 Lý Thường Kiệt trở thành nơi tiếp nhận và nuôi dưỡng các đồng chí chính trị phạm như: Đồng chí Nguyễn Trọng Ba, đồng chí Nguyễn Lợi, đồng chí Ngô Hàm và một số đồng chí khác. Ngôi nhà trở thành cơ sở để chuẩn bị tổng khởi nghĩa của tỉnh Đắk Lắk.

Cũng tại đây, vào tối ngày 19/8/1945 Ban Lãnh đạo lâm thời của tỉnh đã triệu tập Hội nghị khẩn cấp để nghe thông báo tình hình ở các tỉnh và quyết định thời điểm giành chính quyền ở cấp tỉnh. Dự Hội nghị, có đông đủ đại diện Việt Minh của các khu vực thị xã, đồn điền và một số buôn làng. Hội nghị đã bầu ra Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Đắk Lắk gồm các đồng chí Phan Kiệm (Trưởng ban), Phạm Sỹ Vinh (Phó ban) và các ủy viên Nguyễn Trọng Ba, Huỳnh Bá Vân, Y Bih Alêô, Thái Xuân Đồng, Y Ngông Niê Kdăm.

         

Sáng ngày 22/8/1945, Ban lãnh đạo lâm thời của tỉnh họp Hội nghị mở rộng, đi đến quyết định khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã vào ngày 24/8/1945 và thành lập Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời.

Chiều ngày 24/8/1945, cuộc mít tinh giành chính quyền được tổ chức trọng thể tại sân vận động, chính quyền cách mạng ra mắt trước toàn thể nhân dân với sự chứng kiến của hơn 4.000 người thuộc mọi giai cấp, dân tộc cùng tham dự.

Cuối tháng 11/1945, thực dân Pháp gây hấn trở lại xâm chiếm Đắk Lắk, Nhà số 57 Lý Thường Kiệt tiếp tục được Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời chọn làm Trụ sở chỉ huy tác chiến phản kích lại địch. Sau khi thực dân Pháp chiếm lại Buôn Ma Thuột, chúng truy lùng bắt bớ những chiến sĩ hoạt động cách mạng, nhờ có căn hầm của Nhà số 57 Lý Thường Kiệt đã cứu thoát nhiều đồng chí lãnh đạo như: Bùi San, Nguyễn Trọng Ba, Phan Kiệm, Tống Đình Phương, Phạm Sỹ Vinh, Huỳnh Bá Vân, Y Ngông, Nguyễn Lợi… lúc đó đang làm việc tại đây.

Từ một ngôi nhà ở bình thường đã trở thành một trong những cơ sở cách mạng bí mật nằm ở ngay trung tâm thị xã Buôn Ma Thuột. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Nhà số 57 Lý Thường Kiệt trở thành nơi che dấu, nuôi dưỡng các cán bộ Đảng - những hạt giống cách mạng, góp phần làm sáng ngời Chủ nghĩa Anh hùng cách mạng, thể hiện đường lối chiến tranh Nhân dân của Đảng ta được vận dụng sáng tạo trong mọi điều kiện, hoàn cảnh hợp thành “ý Đảng lòng dân” sự thống nhất đó là nhân tố cơ bản làm nên những thắng lợi vĩ đại, huy hoàng của dân tộc Việt Nam trong cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.




Gắn liền với sự kiện lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân tỉnh Đắk Lắk nên ngày 25/02/2021, Nhà số 57 Lý Thường kiệt được Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành quyết định xếp hạng “Di tích lịch sử Trụ sở Uỷ ban khởi nghĩa tỉnh Đắk Lắk 1945”.

.


Thu Hương