DI TÍCH LỊCH SỬ QUẦN THỂ HANG ĐÁ KHUÊ NGỌC ĐIỀN, ĐỊA CHỈ ĐỎ GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG

Trong kháng chiến chống Mỹ, huyện Krông Bông được chọn làm Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk, đóng vai trò là trung tâm đầu não của tỉnh. Chính vì vậy, nơi đây cũng là mục tiêu đánh phá ác liệt của địch, trong đó có địa điểm xã Khuê Ngọc Điền.

Xã Khuê Ngọc Điền là khu vực sinh sống chủ yếu của người Quảng Nam và Quảng Ngãi, bị chính quyền Diệm cưỡng ép theo chế độ di dân nhằm kìm hãm các cuộc đấu tranh ở vùng đồng bằng và đày lên vùng rừng thiêng nước độc để dễ bề kiểm soát.  

Với âm mưu tiêu diệt lực lượng của ta và thực hiện chính sách đốt sạch, giết sạch, tháng 6 năm 1965, địch liên tiếp mở những trận càn tại xã Khuê Ngọc Điền. Hàng trăm đồng bào bị bom đạn địch giết hại, nhà cửa, nương rẫy bị đốt phá, nhiều trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Để bảo vệ dân, Chi bộ Đảng xã Khuê Ngọc Điền đã ra quyết định sơ tán dân vào vùng Hang đá Đen, sau này gọi là Hang đá Khuê Ngọc Điền dưới chân núi Chư Yang Sin để lập làng chiến đấu. Với tinh thần khẩn trương, đồng bào vừa sơ tán, vừa bám dinh điền để sản xuất. Ban ngày địch bắn phá, rải bom liên tục suốt dọc triền núi, nhân dân chuyển sang sản xuất ban đêm. Ngoài việc động viên nhân tài, vật lực, ta còn phát động toàn dân xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, người già và trẻ em ở làng tản cư, còn tuyệt đại đa số thanh niên trụ lại các dinh điền để xây dựng tuyến bố phòng, đào hào, công sự, hầm cá nhân, đặt hàng trăm bẫy chông, xây dựng phòng tuyến để bảo vệ vùng giải phóng. Lực lượng du kích trong các dinh điền Lễ Giáo, Quảng Cư, Khuê Ngọc Điền…. có sáng kiến đào đắp ụ chống máy bay, xây dựng hệ thống báo động nối liền nhiều khu vực.

 

Khu vực hang đá Khuê Ngọc Điền được bao phủ bởi núi non trùng điệp, cùng với việc cấu tạo từ các khối đá, tạo thành một quần thể các hang đá được bao phủ bởi rừng cây thân gỗ và thảm dây leo chằng chịt. Hang đá trở thành nơi trú ngụ an toàn và chống được bom đạn của địch.





Tất cả các hoạt động sinh hoạt của người dân trong hang đá đều diễn ra hết sức bí mật, với phương châm: “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng, người đi sau phải xóa dấu vết để địch không thể phát hiện” và trở thành nơi ẩn nấp, hoạt động cách mạng của toàn thể dân, quân du kích xã Khuê Ngọc Điền.

Để cứu vãn tình thế, địch mở rộng các trận càn quét với quy mô lớn, liên tục bắn phá vào vùng giải phóng. Khu vực hang đá Khuê Ngọc Điền là một trong những nơi địch bắn phá và càn quét ác liệt: Chúng rải chất độc vào vùng giải phóng, phong tỏa mọi nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm. Đặc biệt, chúng dùng bom B52 hủy diệt từ địa bàn Khuê Ngọc Điền vào buôn Năng Dơng.  

Với phương châm “bám thắt lưng địch mà đánh”, trận chống càn tại Khuê Ngọc Điền ngày 26/6/1965, chỉ với 40 tay súng nhưng dân, quân du kích xã Khuê Ngọc Điền đã đánh bại một tiểu đoàn địch và bắn cháy một xe bọc thép. Tiếp đó, đoàn bảo an và biệt động của địch bí mật càn vào hang đá Khuê Ngọc Điền nhưng cũng bị du kích xã và bộ đội đánh bại, thiệt hại gần 1 đại đội.


Du kích Khuê Ngọc Điền còn có sáng kiến phát động phong trào thi đua chống máy bay địch và lập ra các tổ bắn máy bay bằng súng trường và đã tiêu diệt được 300 tên Mỹ - Ngụy; bắn rơi 6 máy bay và làm hỏng 4 chiếc; thu và phá hủy 9 xe quân sự; đánh sập 2 cầu và bẻ gãy nhiều cuộc tấn công, tập kích của địch. Mỹ đã thất bại và thiệt hại nặng nề khi càn quét vào Khuê Ngọc Điền.


Chiến thắng đó là kết quả của sự kết hợp giữa ý Đảng và lòng dân. Ý Đảng đã soi sáng đường lối, phương châm nghệ thuật chỉ đạo khởi nghĩa và chiến tranh cách mạng, sáng tạo, chớp thời cơ, động viên ý chí quyết thắng và sức mạnh tổng hợp của cả nước, của địa phương.


Với chiến công đạt được, ngày 20 tháng 02 năm 1973, Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng xã Khuê Ngọc Điền đã lập được thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. Ngày 27/01/2015, UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định xếp hạng Quần thể hang đá Khuê Ngọc Điền là di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây là niềm vinh hạnh của quân và dân Khuê Ngọc Điền trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần giải phóng Buôn Ma Thuột và giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Phòng Quản lý và Phát huy Di tích