CÔNG TÁC CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG LĨNH VỰC DI SẢN VĂN HÓA TẠI BẢO TÀNG ĐẮK LẮK
Chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa của Bảo tàng Đắk Lắk hướng tới mục tiêu giúp cho việc gìn giữ, bảo tồn và khai thác các di sản văn hóa được hiệu quả hơn trên nền tảng ứng dụng các công nghệ phù hợp.
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa, Bảo tàng Đắk Lắk đã quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa cơ sở dữ liệu, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực.
Trong thời gian qua, Bảo tàng Đắk Lắk đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận như: Sử dụng hệ thống thuyết minh tự động (Audio guide) tại các không gian trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Đắk Lắk, trải nghiệm hiện vật 3D trên nền tảng web (http://hienvatdaklak.baotangso.com/) và quét mã QR trên nền tảng app (App DakLak Museum), đồng thời giới thiệu hoạt động trải nghiệm thực tế ảo VR, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ thuyết minh cũng như hình ảnh và giá trị của Bảo tàng Đắk Lắk với khách tham quan trong thời đại công nghệ số;
Xây dựng cơ sở dữ liệu số cho nội dung thuyết minh tự động (Audio guide) tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột, Di tích lịch sử quốc gia Biệt điện Bảo Đại và Di tích lịch sử quốc gia đình Lạc Giao; Triển khai quét 3D toàn bộ không gian trưng bày chuyên đề “Trang phục truyền thống các dân tộc ở Đắk Lắk”, xây dựng cơ sở dữ liệu (hiện vật, hình ảnh, câu chuyện…) để phục vụ việc số hóa nội dung trưng bày 3D;
Bảo tàng 3D trên website http://daklakmuseum.vn/
Quét và chụp hình hiện vật cho công tác dựng 3D
Thực hiện có hiệu quả ứng dụng Vbee-Text to speech - Nền tảng chuyển văn bản thành giọng nói vào mục đích tuyên truyền, giới thiệu văn hóa, lịch sử, con người Đắk Lắk qua các video clip: “Ẩm thực truyền thống của người Êđê”, “Không gian trưng bày lịch sử tại Bảo tàng Đắk Lắk”, “Trưng bày chuyên đề Trang phục truyền thống các dân tộc tại Đắk Lắk”, “Hiện vật của đội thanh niên tiền trạm Thái Bình xây dựng vùng kinh tế mới Easup”, “Quá trình canh tác nông nghiệp của các dân tộc tại chỗ Đắk Lắk”, “Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2, năm 2023”, “Di tích lịch sử quốc gia khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk 1965 -1975 tại huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk”, “Sưu tập vòng đồng phát hiện trong trống đồng ở Bảo tàng Đắk Lắk”,… đăng trên trang facebook, kênh youtube của đơn vị;
Kênh youtube của Bảo tàng Đắk Lắk
Ứng dụng nền tảng ghi âm Spotify để xây dựng và thực hiện tuyên truyền các giá trị di sản văn hóa, lịch sử của tỉnh Đắk Lắk trên kênh DakLak Museum Radio với nội dung “Di tích danh lam thắng cảnh thác Drai Nur”, “Sở chỉ huy - nơi công bố Quyết định thành lập Quân đoàn 3”, “CADA- địa chỉ đỏ của phong trào công nhân đồn điền Đắk Lắk”, “Di tích lịch sử quốc gia Biệt điện Bảo Đại";
Trên nền tảng trực tuyến Zoom Meeting thực hiện các buổi dạy trực tuyến với chủ đề “Nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng của người M’nông ở Buôn Đôn”, “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, “Di tích quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột” cho các em học sinh trên cả nước trong khuôn khổ chương trình giáo dục Di sản ba miền do Bảo tàng Lịch sử quốc gia chủ trì, phối hợp với một số bảo tàng trên toàn quốc.
Bên cạnh những kết quả đã nêu trên, vẫn còn khá nhiều bất cập, hạn chế trong công tác chuyển đổi số lĩnh vực di sản văn hóa của Bảo tàng Đắk Lắk như: Việc đầu tư trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số chưa được quan tâm đúng mức, đồng bộ nên quá trình xây dựng kho dữ liệu chưa được thường xuyên; chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển trong tương lai; chất lượng hình ảnh của bảo tàng 3D chưa thật sự hấp dẫn người xem, tính tương tác chưa cao; nhân sự phụ trách về xử lý dữ liệu số chưa được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp.
Việc xác định và phân tích những hạn chế là căn cứ để Bảo tàng Đắk Lắk xây dựng, đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả chuyển đổi số trong lĩnh vực này. Từ đó triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số trong 6 tháng cuối năm 2023 như: Xây dựng bổ sung cơ sở dữ liệu số cho nội dung thuyết minh tự động (Audio guide) và hiện vật 3D tại khu vực trưng bày thường xuyên; Tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu số cho nội dung thuyết minh tự động (Audio guide) tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột, Di tích lịch sử quốc gia Biệt điện Bảo Đại và Di tích lịch sử quốc gia đình Lạc Giao; Tiếp tục hoàn thiện số hóa 3D không gian trưng bày chuyên đề “Trang phục truyền thống các dân tộc ở Đắk Lắk”, xây dựng cơ sở dữ liệu (hiện vật, hình ảnh, câu chuyện…) để phục vụ việc số hóa nội dung trưng bày ảo 3D; Nâng cấp Website Bảo tàng Đắk Lắk để đảm bảo cho việc tích hợp trưng bày ảo 3D.
Quá trình chuyển đổi số là một quá trình đòi hỏi việc đầu tư về nhân lực, phương tiện và kỹ thuật đồng bộ, hiện đại. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ là rất cần thiết và cần được thực hiện theo lộ trình bài bản, khoa học, có sự phối hợp linh hoạt giữa các phòng nghiệp vụ của đơn vị và sự hỗ trợ chuyên môn từ các đơn vị chuyên nghiệp.
Thúy Hằng