CHIẾN CÔNG CỦA SƯ ĐOÀN 10 TRONG CHIẾN DỊCH TÂY NGUYÊN, GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN TỈNH ĐẮK LĂK NĂM 1975
Được sự chuẩn y của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, ngày 20/9/1972, tại chân núi Chư Mon Ray, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định thành lập Sư đoàn 10.
Sư đoàn 10 gồm các Trung đoàn bộ binh: 66, 28, 95 và 8 tiểu đoàn binh chủng kỹ thuật: Tiểu đoàn Đặc công 37, Tiểu đoàn Pháo cao xạ 30, Tiểu đoàn Pháo cơ giới 41, Tiểu đoàn Quân y 24, Tiểu đoàn Vận tải 25, Tiểu đoàn Thông tin 26 và Tiểu đoàn Công binh 31. Đồng chí Nguyễn Mạnh Quân giữ chức Tư lệnh Sư đoàn; đồng chí Đặng Vũ Hiệp giữ chức Chính ủy; đồng chí Hồ Đệ giữ chức Tư lệnh phó Sư đoàn; đồng chí Lã Ngọc Châu giữ chức Phó chính ủy. Cơ quan Sư đoàn được tổ chức có các phòng: Tham mưu, Chính trị, Hậu cần.
Sự ra đời của Sư đoàn 10 đánh dấu bước trưởng thành mới của khối chủ lực Tây Nguyên, vừa đáp ứng yêu cầu cấp bách của chiến trường trong giai đoạn mới của cuộc chiến đấu, vừa thể hiện sâu sắc quy luật phát triển của lực lượng vũ trang cách mạng. Tuy Sư đoàn 10 mới được thành lập, nhưng các Trung đoàn thuộc Sư đoàn đều là những đơn vị có truyền thống chiến đấu vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đã trải qua nhiều năm gắn bó với địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Sư đoàn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu, đập tan các cuộc hành quân lấn chiếm của địch, đánh nhiều trận xuất sắc đạt hiệu quả chiến đấu cao. Sư đoàn 10 đã nêu cao truyền thống chiến đấu dũng cảm, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể, tiêu diệt nhiều đơn vị tinh nhuệ nhất của Mỹ - ngụy. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Sư đoàn là đơn vị lập nhiều chiến công xuất sắc đã được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975, tại mặt trận Đắk Lắk, Sư đoàn 10 đánh nhiều trận xuất sắc đạt hiệu quả chiến đấu cao.
Ngày 04 tháng 3 năm 1975, Chiến dịch Tây Nguyên chính thức bắt đầu. Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định nổ súng, đánh cắt giao thông, chia cắt chiến dịch theo kế hoạch. Trung đoàn 95A mở màn chiến dịch Tây Nguyên bằng một loạt trận đánh địch trên đường số 19, làm chủ từ ngã ba Plây Pôn đến ấp Phú Yên. Cũng trên đường 19, Sư đoàn 3 Quân khu 5 tiến công và tiêu diệt các vị trí địch như Cây Rui, Chóp Nón, Hòn Kiềng…làm chủ từ Thương Giang đến Bình Khê. Trên đường 21, sáng ngày 25/3/1975, Trung đoàn 25 diệt một đoàn xe dịch và làm chủ đoạn đường ở đông Chư Cúc. Như vậy, hai con đường chiến lược số 19 và số 21 - con đường huyết mạch tiếp tế cho Tây Nguyên của địch đã bị cắt đứt hoàn toàn. Tập đoàn phòng ngự địch ở Tây Nguyên bị cắt rời và cô lập khỏi đồng bằng Khu 5.
Trên đường số 14, ngày 05/3/1975, Trung đoàn 9 Sư đoàn 320 chặn đánh đoàn xe của địch từ Pleiku đi Buôn Ma Thuột. Ngày 08/3/1975, Sư đoàn 320 tổ chức đánh hiệp đồng bộ binh – pháo binh, sau hơn 1 giờ, đã làm chủ hoàn toàn căn cứ Cẩm Ga (Thuần Mẫn). Đường số 14 Buôn Ma Thuột đi Pleiku bị cắt đứt.
Tiếp tục kế hoạch cô lập Buôn Ma Thuột, ngày 09/3/1975, Sư đoàn 10 nổ súng tấn công Đức Lập. Trận đánh của Sư đoàn 10 vào Đức Lập diễn ra rất ác liệt, các Trung đoàn 28 và Trung đoàn 66 đã làm chủ Căn cứ Núi lửa và Sở Chỉ huy hành quân của Sư đoàn 23 ngụy. Tại quận lỵ Đức Lập, địch ngoan cố chống trả, Sư đoàn 10 phải tổ chức nhiều đợt tiến công và làm chủ được Quận lỵ. Sau khi chiếm Đức Lập, Sư đoàn 10 tiếp tục tiến công căn cứ Đắc Sắc, giải phóng Đắc Song. Như vậy, sau 6 ngày đêm chiến đấu, giai đoạn tạo thế của Chiến dịch Tây Nguyên đã hoàn thành, Buôn Ma Thuột hoàn toàn bị chia cắt từ mọi phía, tạo ra thế có lợi cho trận then chốt mở màn trong chiến dịch Tây Nguyên.
Ngày 09/3/1975, toàn bộ 12 Trung đoàn bộ binh và binh chủng tham gia tiến công Buôn Ma Thuột, bắt đầu rời khu tập kết để triển khai tiến công trên các hướng: Sư đoàn 316 trên hướng Bắc, Nam và Đông; Sư đoàn 10 tổ chức một mũi binh chủng hợp thành, thọc sâu vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23; Trung đoàn 95B triển khai đánh vào Ngã 6.
02 giờ 3 phút ngày 10/3/1975, ta nổ súng tấn công Buôn Ma Thuột vào các mục tiêu như: Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy, Khu kho Mai Hắc Đế, sân bay Hòa Bình, tiểu khu Đắk Lắk, các khu pháo binh…
Trên hướng Tây, Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 24 cùng xe tăng, xe thiết giáp theo đường 429 thọc sâu vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy. Tiểu đoàn đánh chiếm được khu truyền tin, khu quân y và tổ chức đánh bại phản kích của địch, giữ vững khu vực đã chiếm.
Bị tiến công dồn dập từ nhiều hướng, địch co về phòng thủ tại căn cứ Sư đoàn 23, đồng thời sử dụng máy bay ném bom vào đội hình tiến công của ta. Sau khi phân tích tình hình, Bộ tư lệnh chiến dịch hạ quyết tâm nhanh chóng, đánh chiếm căn cứ Sư đoàn 23 và các mục tiêu còn lại trước khi địch đưa lực lượng dự bị đến ứng cứu.
5 giờ 30 phút ngày 11/3, các trận địa pháo của Sư đoàn 316, Sư đoàn 10 kết hợp với các cụm pháo binh chiến dịch, tiếp tục bắn phá Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy. Đạn pháo của ta phá hủy hầu hết các lô cốt, ụ súng, nhà ở còn lại của địch. Pháo binh của ta vừa ngừng bắn, mũi thọc sâu binh chủng hợp thành của Sư đoàn 10 lập tức mở đợt tiến công mới vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23, ta bắn cháy bồn xăng lớn, 02 xe M113 của địch. Xe tăng 978 do đồng chí Nguyễn Tự Chính chỉ huy húc vào cổng Sư bộ 23 ngụy, xông thẳng vào bên trong, mở đường cho bộ binh và xe tăng ta tiến vào. Cùng với xe tăng, Tiểu đoàn 4 chia thành 2 mũi, đánh thẳng vào khu nhà chính Sở chỉ huy Sư đoàn ngụy.
Đến 11 giờ ngày 11/3/1975, mũi thọc sâu binh chủng hợp thành của Sư đoàn 10 và các mũi tiến công của Trung đoàn 95B, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 đã hợp điểm tại căn cứ Sư đoàn 23 ngụy, ta làm chủ trận địa. 03 chiến sĩ của Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 24 là Phạm Văn Vy, Đàm Duy Tộ và Nguyễn Văn Thắng đã cắm lá cờ quyết thắng lên trung tâm chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy. Trận then chốt quyết định, mở đầu chiến dịch thắng lợi sau 32 giờ tiến công mãnh liệt, ta bắt sống toàn bộ Bộ chỉ huy của địch. Chiến thắng Buôn Ma Thuột là trận then chốt mở đầu, tạo bước ngoặt quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của nhân dân ta.
Sau khi bị ta chiếm Buôn Ma Thuột, từ chiều ngày 12 và sáng 13/3/1975, địch vội vã dùng 145 lần trực thăng đổ Trung đoàn 45 và một pháo đội xuống gần Điểm cao 581, về hướng Nam căn cứ 53. Sau khi tiếp đất, Trung đoàn 45 triển khai thành hai cụm quân: Tiểu đoàn 2 ở chân Điểm cao 581; lực lượng còn lại hình thành cụm quân lớn ở Nông trại – Phước An. Ngày 15 và ngày 16/3/1975, địch đổ tiếp Trung đoàn 44 và Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 xuống khu vực Phước An. Tại Phước An, quân địch triển khai thành một cụm quân lớn do Sư đoàn trưởng Lê Trung Tường cầm đầu. Như vậy, từ chiều ngày 12 đến ngày 16/3/1975, Sư đoàn 23 đã hoàn thành việc đổ bộ đường không xuống phía Đông Buôn Ma Thuột, nhằm thực hiện ý định mở trận phản đột kích chiến dịch, đánh chiếm lại Buôn Ma Thuột.
Thời cơ tiêu diệt lớn quân địch đã tới, Bộ Tư lệnh yêu cầu Sư đoàn 10 tập trung lực lượng quyết tâm tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Nông Trại – Phước An. Kế hoạch đánh địch của Sư đoàn 10 nhanh chóng được vạch ra: Trung đoàn 24 được tăng cường Tiểu đoàn 8 của Trung đoàn 66 tiến công vào Phước An từ hai hướng Tây và Nam; Trung đoàn 28 tiến công vào Phước An từ hai hướng Bắc và Đông Bắc; Tiểu đoàn 6 thuộc Trung đoàn 24 cùng xe tăng, xe thiết giáp tiến công vào Nông Trại.
Sáng ngày 16/3/1975, Tiểu đoàn 6 cùng xe tăng tiến công tiêu diệt cụm quân địch ở Nông Trại, tàn binh địch còn lại chạy về Phước An. Ngày 17, Trung đoàn 24 và Trung đoàn 28 tiến công làm chủ Phước An, loại Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 44 ngụy khỏi vòng chiến đấu. Địch thu nhặt tàn binh, tổ chức co cụm ở Chư Cúc, đồng thời dùng phi pháo bắn chặn, ném bom phá cầu trên Đường 21, ngăn chặn ta truy kích.
Bộ đội ta nhanh chóng khắc phục cầu đường, kiên quyết truy kích đập tan cụm quân địch ở Chư Cúc. 12 giờ ngày 18/3/1975, được sự chi viện của pháo binh, Trung đoàn 28 cùng xe tăng của Trung đoàn 273 tiến đánh thẳng vào căn cứ Chư Cúc. Trước sức tiến công áp đảo của ta, 1.500 tên địch buộc phải đầu hàng, số còn lại chạy về hướng Đông bị Trung đoàn 25 đón đánh, tiêu diệt và bắt sống 500 tên.
Cũng trong đêm ngày 16 và rạng sáng ngày 17/3/1975, được sự chi viện đắc lực của cụm pháo binh chiến dịch, Trung đoàn 66 - Sư đoàn 10 và Trung đoàn 149 từ hai hướng đột phá tiêu diệt phần lớn quân địch tại căn cứ Trung đoàn 53 ngụy, sau đó phát triển, tiêu diệt địch ở cứ điểm B50. Như vậy, toàn bộ lực lượng của Sư đoàn 23 và Liên đoàn 21 biệt động quân bị tiêu diệt và tan rã, kế hoạch phản kích chiếm lại Buôn Ma Thuột của địch bị thất bại hoàn toàn.
Với trận thắng oanh liệt Chư Cúc, Sư đoàn 10 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên giao: Đập tan cuộc phản kích tái chiếm Buôn Ma Thuột, xóa sổ Sư đoàn 23 ngụy, thực hiện thắng lợi trận then chốt thứ hai của chiến dịch, góp phần quan trọng thúc đẩy chiến dịch phát triển.
Sau khi Phước An, Chư Cúc thất thủ, địch đã quyết định lập tuyến phòng thủ mới ở Khánh Dương, với mục đích phối hợp với lực lượng Lữ dù 3 ở đèo M'Dắk, chặn cuộc tiến công của ta xuống đồng bằng ven biển miền Trung và Nha Trang.
Để đập tan âm mưu của Mỹ - ngụy, ngày 22/3/1975, Sư đoàn 10 tham gia đánh chiếm quận lỵ Khánh Dương, quét sạch địch co cụm tại đây, tiêu diệt hoàn toàn 02 Tiểu đoàn Bảo an và Trung đoàn 40 Ngụy.
Sau khi nỗ lực tái chiếm Buôn Ma Thuột của Sư đoàn 23 ngụy thất bại, các lực lượng của ta đã nhanh chóng phát triển tiến công về đồng bằng ven biển miền Trung, thấy nguy cơ miền Trung sẽ bị chia cắt từ khu vực Khánh Hoà, Nha Trang, buộc Nguyễn Văn Thiệu - Tổng thống Việt Nam Cộng hòa và Bộ Tổng Tham mưu Nguỵ quyết định đưa Lữ đoàn dù 3, lực lượng tinh nhuệ nhất của Ngụy lên khu vực đèo Phượng Hoàng - M’Drắk lập tuyến phòng thủ, nhằm chặn đà tiến công của ta xuống đồng bằng ven biển miền Trung, và tái chiếm lại Thị xã Buôn Ma Thuột.
Đèo Phượng Hoàng
Biển đèo Phượng Hoàng, hiện vật trưng bày tại phòng Lịch sử, Bảo tàng Đắk Lắk
Với lòng dũng cảm, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để giành thắng lợi, từ ngày 29 tháng 3 năm 1975 đến ngày 01 tháng 4 năm 1975, Sư đoàn 10 cùng các đơn vị phối hợp là Trung đoàn 25 bộ binh, Trung đoàn 273 xe tăng, Trung đoàn 234 pháo cao xạ, Trung đoàn 40 pháo binh đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng của Lữ đoàn dù 3. Diệt hàng ngàn tên địch, bắt hơn 400 tên, thu 24 khẩu pháo các loại cùng rất nhiều vũ khí, súng đạn khác.
Chiến thắng tại đèo M’Drắk - Phượng Hoàng đã đập tan âm mưu của địch khi đưa Lữ đoàn dù 3 lên Tây Nguyên để chiếm lại thị xã Buôn Ma Thuột và chặn không cho lực lượng của ta phát triển xuống đồng bằng ven biển miền Trung và Nha Trang. Ta đã chiếm lĩnh đèo Phượng Hoàng, lá chắn phía Tây Ninh Hòa bị đập tan, mở toang cánh cửa phía Đông, tiến công xuống đồng bằng giải phóng thành phố Nha Trang và Quân cảng Cam Ranh, kết thúc thắng lợi Chiến dịch Tây Nguyên.
Bia tưởng niệm và toàn cảnh khu nhà bia, Di tích lịch sử Chiến thắng Đèo M’Drắk – Phượng Hoàng năm 1975
Trong Chiến dịch Tây Nguyên, Sư đoàn 10 giữ một vai trò quan trọng trong đội hình tác chiến. Được sự chỉ đạo về chiến lược và chiến dịch tài tình của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, sự phối hợp của quân, dân trên toàn chiến trường. Sư đoàn 10 đã phối hợp với các đơn vị bạn vận dụng linh hoạt các biện pháp tác chiến, tiến công liên tục, truy kích táo bạo, đánh cắt giao thông, đánh căn cứ, đánh quân địch phản đột kích, đánh địch rút chạy để tiêu diệt quân địch. Trong từng trận và trên từng địa bàn chiến dịch, tuân thủ cách đánh, tiến hành nghi binh tạo thế, thu hút và giam chân quân chủ lực địch trên các hướng; thực hiện bao vây chia cắt, cô lập từng cụm quân địch; kết hợp đột phá với luồn sâu, thọc sâu; thực hiện trong ngoài cùng đánh…các cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu kiên cường, quả cảm, nghiêm túc chấp hành mệnh lệnh hiệp đồng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã giao. Sư đoàn đã loại khỏi vòng chiến đấu Sư đoàn 23 ngụy, Trung đoàn 40, Lữ đoàn dù 3, Liên đoàn 21 Biệt đội động quân, 7 liên đoàn bảo an, 7 tiểu đoàn pháo binh, 2 chi đoàn thiết giáp, thu 10.000 súng các loại và hàng chục nghìn quả đạn pháo; thu 307 xe ô tô và toàn bộ cơ sở vật chất, kỹ thuật, phương tiện chiến tranh ở thành phố Nha Trang, Quân cảng Cam Ranh và ở các căn cứ của địch.
Chiến công của Sư đoàn 10 đã góp phần rất xứng đáng vào chiến thắng Tây Nguyên, góp phần làm thay đổi cục diện chiến tranh trong một thời gian ngắn, mở ra thế trận mới trên chiến trường, tạo ra sự thay đổi cơ bản về so sánh lực lượng về thế chiến lược giữa ta và địch, đồng thời tạo đà phát triển, tiến lên chiến dịch Hồ Chí Minh 1975.
Tài liệu tham khảo:
- Ts. Phạm Huy Dương, Ths. Phạm Bá Toàn (chủ biên), Chiến dịch Hồ Chí Minh trang sử vàng qua các trận đánh, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005. Tr.60;
- Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk, Thiếu tướng – Giáo sư – Tiến sĩ – Nhà giáo nhân dân Huỳnh Nghĩ, Buôn Ma Thuột trận đánh lịch sử, Nhà xuất bản Trẻ, 2000. Tr.96;
- Quân đoàn 3 - Sư đoàn 10, Lịch sử Sư đoàn 10 (1972-2022), Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2022. Tr.120.
Anh Đào