1
5

BỒI ĐẮP TÌNH YÊU LỊCH SỬ CHO HỌC SINH BẰNG TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ

Lịch sử là môn học có vai trò và ý nghĩa quan trọng, giúp bồi dưỡng những kiến thức quý báu, khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong thế hệ trẻ. Một nền tảng kiến thức lịch sử vững chắc là điều vô cùng cần thiết, nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay, giúp các em luôn ý thức được việc gìn giữ và trân trọng lịch sử, từ đó trở thành những nhân tố xây đắp tương lai dân tộc bền vững.

Lịch sử không chỉ là quá khứ, mà còn chứa đựng những giá trị quý báu cha ông đã để lại, cần được phát huy, trao truyền qua nhiều thế hệ. Nhận thức rõ điều này, trong thời gian qua, những hoạt động nhằm bồi đắp niềm yêu thích lịch sử cho học sinh đã được Bảo tàng Đắk Lắk quan tâm phối hợp với các trường học trên địa bàn tỉnh thực hiện bằng nhiều phương thức đổi mới và sáng tạo như: Tổ chức cho học sinh đến tham quan tại các điểm di tích lịch sử hoặc giới thiệu các tư liệu, hình ảnh về các sự kiện lịch sử tại các trường học; dưới sự hướng dẫn của giáo viên, cán bộ Bảo tàng Đắk Lắk, học sinh có thể làm bài thu hoạch và trình bày trước lớp, qua đó khuyến khích sự sáng tạo, tích cực chủ động học tập cũng như rèn luyện kỹ năng thuyết trình; hay tổ chức các buổi ngoại khóa, triển lãm lưu động tại các vùng sâu, vùng xa nhằm quảng bá, giới thiệu hệ thống các hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Đắk Lắk cho học sinh tham quan, tìm hiểu thông qua thuyết minh trực tiếp, xem phim tư liệu, nói chuyện chuyên đề...  



Học sinh tham quan tìm hiểu tại không gian trưng bày Lịch sử


Bảo tàng Đắk Lắk đã chủ động phối hợp với một số trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức chương trình Giờ học lịch sử với chủ đề “Chiến thắng Buôn Ma Thuột 10/3/1975”, giúp học sinh hiểu sâu sắc về trận đánh Buôn Ma Thuột, một trận đánh thể hiện nghệ thuật quân sự tài tình của Quân đội Nhân dân Việt Nam; trận đánh mở màn của chiến dịch Tây Nguyên, tạo bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tại đây, học sinh được xem sa bàn Chiến thắng Buôn Ma Thuột; trải nghiệm hoạt động “Em làm chiến sĩ”, gấp chăn, màn quân đội, điều lệnh đội ngũ và tham gia trò chơi “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, do các chiến sĩ của Lữ đoàn Đặc công 198 hỗ trợ.



Trải nghiệm hoạt động “Em làm chiến sĩ” với gấp chăn nội vụ


Với chương trình Rung Chuông Vàng, chủ đề “Những tháng năm lịch sử”, các em học sinh được tham quan tìm hiểu tại không gian trưng bày Lịch sử và xem sa bàn Chiến thắng Buôn Ma Thuột. Sau khi tìm hiểu và nắm những kiến thức cốt lõi, các em sẽ được tham gia trò chơi “Rung Chuông Vàng” nhằm củng cố nội dung các em đã tham quan. Chương trình này đã mang đến những trải nghiệm mới lạ, giúp các em vừa học vừa chơi, tiếp nhận kiến thức lịch sử một cách dễ dàng, giảm nhẹ áp lực học tập. 



Các em tham gia chương trình Rung Chuông Vàng với chủ đề “Những tháng năm lịch sử”


Nhằm mục đích tạo không gian đổi mới, giúp học sinh có những trải nghiệm, tìm hiểu kiến thức lịch sử hấp dẫn, thu hút hơn, Bảo tàng Đắk Lắk đã cho ra mắt chương trình giáo dục trải nghiệm “Những năm tháng lịch sử hào hùng” tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột. Mở đầu chương trình, học sinh tham gia Lễ dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, các thế hệ cha anh đã hi sinh anh dũng cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; Sau đó, các em tham quan Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột để tìm hiểu về cấu trúc, chế độ khắc nghiệt của nhà tù thực dân đối với tù chính trị, và lắng nghe những câu chuyện ý nghĩa về quá trình tu dưỡng, rèn luyện “biến nhà đày thành trường học” của các chiến sĩ cách mạng kiên trung. Đặc biệt, hoạt động trải nghiệm hóa thân thành các chiến sĩ cách mạng, tham gia vào Cuộc duyệt binh lịch sử diễn ra tại Nhà đày Buôn Ma Thuột dịp Tết Giáp Thân năm 1944. Cuộc duyệt binh ngày 25/01/1944 (Mùng 1 Tết Giáp Thân), một sự kiện “có một không hai” trong hệ thống nhà tù, nhà đày của thực dân Pháp ở Đông Dương nói riêng và các nước thuộc địa trên toàn thế giới nói chung. Lần đầu tiên trong lịch sử, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong không gian Nhà đày. Tiếp nối chương trình, học sinh tham gia các hoạt động hấp dẫn như: thi làm báo tường với chủ đề “Chiến sĩ cách mạng”; thi kiến thức chung đố vui có thưởng....



Trải nghiệm hóa thân thành các chiến sĩ cách mạng tham gia vào Cuộc duyệt binh lịch sử diễn ra tại Nhà đày Buôn Ma Thuột dịp Tết Giáp Thân năm 1944



Thuyết trình báo tường với chủ đề “Chiến sĩ cách mạng”

Đây là hoạt động ý nghĩa và độc đáo, kích thích học sinh phát triển tư duy độc lập, sáng tạo, khả năng làm việc nhóm, rèn luyện ý thức tự giác, chủ động trong việc tiếp thu kiến thức.


Thông qua những hoạt động này, học sinh không chỉ được tìm hiểu về lịch sử địa phương từ thực tế, thấu hiểu giá trị “uống nước nhớ nguồn”, khắc ghi sâu hơn bài học, bồi đắp niềm tự hào, tình yêu quê hương đất nước. Các buổi tham quan tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột nhận được nhiều phản hồi tích cực từ giáo viên, học sinh và phụ huynh. Các em thêm yêu thích lịch sử, truyền thống dân tộc; có nguyện vọng được đi tham quan tìm hiểu những “địa chỉ đỏ”, những di tích lịch sử để trau dồi kiến thức cho bản thân, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước.


Mình đưa con tới tham quan tìm hiểu Di tích với mong muốn con phải biết những kiến thức lịch sử cơ bản vì đó là cội nguồn dân tộc, kiến thức lịch sử sẽ giúp con mình tự tin hơn khi tiếp xúc với bạn bè trên thế giới. Lịch sử giúp thế hệ trẻ hiểu được nguồn gốc của mình, giá trị của mình và có thể tự tin giới thiệu về đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế”, phụ huynh học sinh trường THCS Phạm Hồng Thái chia sẻ.



Em Khải Phong, học sinh lớp 5 trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Krông Ana) chia sẻ: “Được các thầy cô đưa đi thăm Nhà đày Buôn Ma Thuột, nghe cô thuyết minh kể về sự hi sinh anh dũng của các chiến sĩ cách mạng nơi đây, em rất biết ơn. Em hứa sẽ luôn chăm ngoan, cố gắng học tập tốt để có thể đóng góp công sức xây dựng quê hương”.


Tôi nhận thấy các em đều rất hứng khởi, say xưa với buổi học đặc biệt này. Không chỉ được trải nghiệm thực tế, qua phương pháp học này, các em còn chủ động tìm hiểu về những giá trị văn hóa, lịch sử của quê hương. Đợt tham quan trải nghiệm lần này giúp các học sinh có tinh thần tập thể cao hơn và tạo sự hứng thú trong học tập cho các em”, cô Nguyễn Thị Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Krông Ana) cho biết.

         

Thông qua những ý kiến đóng góp từ các hoạt động giáo dục trải nghiệm, đồng thời trên cơ sở tài liệu giáo dục địa phương đối với từng cấp học, Bảo tàng Đắk Lắk tiếp tục xây dựng và hoàn thiện bộ giáo án điện tử có nội dung đa dạng, phong phú, kết hợp với các trưng bày lưu động, các chương trình giáo dục trải nghiệm giúp học sinh tìm hiểu lịch sử tỉnh Đắk Lắk nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung ngày càng hiệu quả hơn. Để mỗi học sinh nhận thức rõ việc học lịch sử không phải chỉ để hiểu những gì đã qua ở quá khứ, mà còn để vận dụng những bài học đó vào trong hiện tại và tương lai, để kế thừa truyền thống lịch sử tốt đẹp mà cha ông để lại. Như lời Bác Hồ đã dạy:

Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”

.

Trần Hằng