ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK BAN HÀNH QUYẾT ĐỊNH XẾP HẠNG DI TÍCH CẤP TỈNH ĐỐI VỚI DI TÍCH LỊCH SỬ “TRỤ SỞ ỦY BAN KHỞI NGHĨA TỈNH ĐẮK LẮK 1945 ”
Tọa lạc tại số 71 Lý Thường Kiệt, phường Thắng Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột. Trụ sở Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Đắk Lắk 1945 vốn là nhà của ông Đầu Viết Chúc, một cơ sở cách mạng của Việt Minh. Thời Pháp thuộc, ông làm việc tại Sở Lục lộ Vinh vì chống lại bọn Tây nên ông bị kỷ luật, phải huyền chức ba năm. Năm 1939, ông được phục chức và đưa đi làm việc tại Buôn Ma Thuột. Năm 1943, ông xây dựng ngôi nhà ba gian tại số 57 đường Lý Thường Kiệt, thị xã Buôn Ma Thuột (hiện nay là số 71 Lý Thường Kiệt). Từ năm 1944, thông qua đồng chí Nguyễn Hòa - người đầu tiên của Lục lộ được các đồng chí trong Nhà đày Buôn Ma Thuột giao trách nhiệm bắt liên lạc với gia đình ông Đầu Viết Chúc để xây dựng cơ sở cách mạng. Từ đó Nhà số 57 Lý Thường Kiệt trở thành cơ sở liên lạc bí mật của Việt Minh lúc bấy giờ ở Đắk Lắk nói riêng và toàn khu vực miền Trung nói chung, giữa các đồng chí tù chính trị bị đày từ các tỉnh miền Trung lên và các cơ sở ở bên ngoài. Nhà số 57 Lý Thường Kiệt trở thành nơi tiếp nhận và nuôi dưỡng các đồng chí chính trị phạm như: Đồng chí Nguyễn Trọng Ba, nguyên Tỉnh ủy viên; đồng chí Nguyễn Lợi, nguyên Xứ ủy; đồng chí Ngô Hàm, thẩm phán Toà án nhân dân tối cao và một số đồng chí khác. Ngôi nhà trở thành cơ sở để chuẩn bị tổng khởi nghĩa của tỉnh Đắk Lắk.
Đặc biệt, vào tối hôm 19/8/1945, tại Nhà số 57 Lý Thường Kiệt, thị xã Buôn Ma Thuột Ban lãnh đạo lâm thời của tỉnh triệu tập Hội nghị khẩn cấp để nghe thông báo tình hình ở các tỉnh bạn và quyết định thời điểm giành chính quyền ở cấp tỉnh. Đây là một quyết định sáng tạo và táo bạo, lợi dụng yếu tố bất ngờ tạo tiền đề cho thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Đắk Lắk nói riêng và góp một mắt xích thành công trong cách mạng tháng Tám năm 1945 của cả nước nói chung. Tham dự Hội nghị có đông đủ các đại diện Việt Minh của các khu vực thị xã, đồn điền và một số buôn làng. Hội nghị cũng đã bầu ra Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Đắk Lắk gồm các đồng chí Phan Kiệm (Trưởng ban), Phạm Sỹ Vinh (Phó ban) và các ủy viên Nguyễn Trọng Ba, Huỳnh Bá Vân, Y Bih Alê ô, Thái Xuân Đồng, Y Ngông Niê Kdăm. Các cán bộ Việt Minh ở các cơ sở đồn điền, buôn làng được kịp thời huy động và trực tiếp điều khiển các tổ chức tự vệ hoạt động trong cuộc mít tinh. Các đơn vị tự vệ ở đồn điền CADA, xã Lạc Giao, Lạc Sa được điều động mỗi nơi một tổ có trang bị vũ khí để tăng cường bảo vệ đoàn đại biểu Ủy ban khởi nghĩa.
Sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược, nơi đây được Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời của tỉnh chọn làm Trụ sở chỉ huy tác chiến phản kích lại địch, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã sinh hoạt và làm việc tại đây như đồng chí: Bùi San, Nguyễn Trọng Ba, Phan Kiệm, Phạm Sỹ Vinh, Y Ngông Niê Kdăm... hầm bí mật dưới căn nhà là nơi che dấu các đồng chí trên thoát khỏi sự truy lùng của thực dân Pháp.
Từ năm 1943, Di tích có tên gọi là Nhà 57 Lý Thường Kiệt - đây là cách gọi theo số nhà và đường phố vào thời điểm từ khi ngôi nhà mới được xây dựng. Tuy nhiên, năm 1999, trong quá trình chỉnh trang đô thị, tuyến đường thị xã Buôn Ma Thuột, địa chỉ số 57 Lý Thường Kiệt đã được điều chỉnh thành số 71 Lý Thường Kiệt nên tên gọi này hiện nay không còn phù hợp.
Ngày 30/12/2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị về việc thống nhất tên gọi di tích, tham dự Hội nghị có các đại biểu lão thành cách mạng: Đồng chí Nguyễn An Vinh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Lê Chí Quyết, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Tô Tấn Tài (Ama H’Oanh), nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Châu Khắc Chương, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và đại biểu đại diện các đơn vị liên quan. Hội nghị đã thảo luận và đi đến thống nhất lấy tên gọi di tích lịch sử: Trụ sở Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Đắk Lắk 1945.
Với những sự kiện, nhân vật và giá trị văn hóa lịch sử như trên, ngày 25/02/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định số 443/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với Di tích lịch sử “Trụ sở Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Đắk Lắk 1945”. Di tích sẽ trở thành một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau nhằm gìn giữ, bảo tồn phát huy giá trị lịch sử của địa phương. Ngoài ra, có thể kết hợp tham quan Trụ sở Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Đắk Lắk 1945 với các di tích trên địa bàn thành phố như: Di tích quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột, Di tích lịch sử quốc gia 04 Nguyễn Du (Biệt Điện Bảo Đại), Di tích lịch sử Đình Lạc Giao thành tuyến điểm du lịch lịch sử, văn hóa nhằm thu hút du khách đến với Buôn Ma Thuột nói riêng và Đắk Lắk nói chung.
Nguồn:
Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk 1930 – 1945, NXB Chính Trị Quốc Gia – Hà Nội 2002.
Lịch Sử Đảng bộ thị xã Buôn Ma Thuột 1930 – 1975, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, năm 2014.
Trích thư của ông Đầu Viết Chúc gửi Thường vụ Tỉnh Ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk.
GD&TT