DI TÍCH DANH LAM THẮNG CẢNH THÁC SƠN LONG

Di tích danh lam thắng cảnh thác Sơn Long cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 87 km về hướng Đông Bắc, thuộc địa phận hành chính thôn Tam Điền, xã Ea Tam, huyện Krông Năng. Toàn bộ diện tích đất nằm trong tiểu khu 316 và 323 thuộc lâm phần Ban Quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng quản lý.


Thác Sơn Long là một trong những thắng cảnh đẹp bắt nguồn từ suối Ea Puk - dòng suối chảy từ huyện Krông Năng sang huyện Ea Kar. Trên dòng chảy của suối Ea Puk có rất nhiều dòng thác đẹp, Sơn Long là một trong những dòng thác ấy.


Nằm sâu trong rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng, với chiều dài từ thượng nguồn đến hạ nguồn khoảng 1300 m, chênh lệch độ cao từ chân thác so với đỉnh khoảng 180 m, thác Sơn Long gồm có 3 tầng, nước dội qua từng bậc đá, tung bọt trắng xoá tạo lên một vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ và hùng vĩ.


Như bao dòng sông, ngọn thác trên cao nguyên Đắk Lắk, thác Sơn Long gắn liền với những câu chuyện, truyền thuyết do người dân quanh vùng kể lại.


Chuyện kể rằng: Những cư dân miền núi phía Bắc khi đến Ea Tam đã phát hiện ra dòng thác đẹp tựa như một con Rồng nhỏ đang nằm ẩn thân giữa núi cao, họ tin rằng đây là Rồng nhỏ được Long Vương ở biển cả xa xôi cử đến tạo mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu, con người khỏe mạnh, nhà nhà ấm no và hạnh phúc.


Theo quan niệm của người Tày – Nùng: Con Rồng được gọi là Tua luồng và được tô điểm, nâng vẻ đẹp lên thành “Luồng hoa” hay “Cầu vồng”. “Luồng hoa” có thể hút nước uống, thậm chí có thể hút cả con người lên khỏi mặt đất. Người ta thường nhắc trẻ em phải để ý không thì “Cầu vồng” - “Luồng hoa” cuốn chúng lên mây. Đồng thời, các cụ già thường hay răn dạy con cháu: Rồng là biểu tượng cao đẹp, nhân văn nhưng “Lai luồng nhỉnh nặm”  có nghĩa là: Nhiều Rồng thì ỷ lại không nhả nước, Rồng sẽ không còn mây mà sống và sẽ trở thành “Luồng thất rí piến ngù pần thôi” tức là Rồng thất thế biến thành rắn. Điều này nhắc nhở mọi người phải sống cao đẹp như con Rồng, đặc biệt phải biết giữ mình để không biến chất thành rắn độc như Rồng khi bị thất thế.


Các cư dân miền núi phía Bắc tại xã Ea Tam đã gọi tên dòng thác nơi có Rồng nhỏ cư trú là thác Sơn Long. Đồng thời, luôn nhắc nhở con cháu phải phải sống tốt, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau giống như phẩm chất tốt đẹp của Rồng. Luôn tôn kính, bảo vệ thác Sơn Long để cho Rồng nhỏ muôn đời cư ngụ tại dòng thác, che chở, tạo mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống no đủ cho vùng đất và con người nơi đây.

Thác Sơn Long qua lời kể của các già làng ở buôn Wiâo, buôn Ur, huyện Krông Năng lại mang màu sắc huyền thoại:

Ngày xưa, khi các vị thần còn quản vùng trời, sông núi, các nữ thần cai quản bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông và các tù trưởng còn cai quản các vùng đất, buôn làng thì ngay tại dòng thác nọ (nay thuộc xã Ea Tam, huyện Krông Năng) lại được cai quản bởi một Nữ hoàng xinh đẹp, giỏi giang. Mọi người gọi tên Nữ hoàng là H’Juh, thân hình nàng đẹp như mặt trời, khuôn mặt đẹp như mặt trăng, da trắng như bông, mắt nàng sáng như sao hôm, răng trắng như ngà voi, mái tóc nàng đen mượt bồng bềnh như mây núi, tiếng nói ngân vang như tiếng chiêng. Tuy nhiên, rất ít người được gặp và chiêm ngưỡng dung nhan thật sự của Nữ hoàng.

Nữ hoàng cư ngụ tại tầng cao nhất của ngọn thác nằm giữa rừng sâu nên người dân quanh vùng đều gọi dòng thác đó là Drai H’Juh (Thác Nữ hoàng). Nữ hoàng thường biến thành người để trò chuyện với các già làng, mỗi khi hạn hán dân làng ở các buôn làng đều đến Drai H’Juh cầu xin Nữ hoàng ban mưa xuống. Nàng sẽ điều khiển nước ở các tầng thác chảy vào các dòng suối, ruộng nương của đồng bào, giúp mọi người có nguồn nước dồi dào để tưới tiêu ruộng vườn, cây trái tươi tốt, mùa màng bội thu đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc. Đồng thời, ban cho buôn làng có được nguồn nước trong lành, không ô nhiễm, dịch bệnh để dùng trong sinh hoạt thường ngày. Mỗi khi có người trong buôn làng đi tìm hái măng, đi săn bắt bị lạc trong rừng sâu, không tìm được đường về thì chỉ cần thành tâm khấn cầu:

- Ơi ơi thần sông, thần núi! Ơi Nữ hoàng H’Juh! Nhà con nghèo, bụng không đủ no, áo không đủ mặc nên phải đi tìm cái ăn, phải đi săn con Nai, con Thỏ. Nay con không biết đường về nhà với mẹ già, con thơ, nếu có thương xin hãy giúp cho chân chúng con đi đúng hướng, mắt chúng con nhìn thấy đường để đi về. Cái bụng chúng con mang ơn người nhiều lắm.

Cứ thế, người đi lạc gọi mãi, Nữ hoàng H’Juh nghe lời kêu than, động lòng sẽ hoá phép vạch cỏ cây, mở đường dẫn người về tới buôn làng. Thỉnh thoảng, Nữ hoàng lại cứu người chết đuối ở sông, suối, dòng thác nơi nàng cai quản.

Ở buôn làng có những cặp vợ chồng lấy nhau đã lâu nhưng không sinh được mụn con nào cả, họ ao ước có được một người con để trông cậy lúc về già. Họ đã rủ nhau mặc đồ thổ cẩm, mang vật tế lễ gồm có: Gà, rượu cần, đầu heo và đi qua ba ngọn đồi, lội qua các con suối, leo lên các tầng thác để đến nơi Nữ hoàng cư ngụ mà dâng lễ, khẩn cầu, xin con. Nữ hoàng sẽ biến ra những bầu nước để cho những người vợ mang về uống. Những bầu nước này uống xong thấy khoan khoái, tỉnh táo lạ thường và người vợ có thai, đến mùa rẫy sau thì sinh con trai hoặc con gái.

Tất cả những việc Nữ hoàng làm hay giúp đỡ mọi người đều được dân làng vô cùng biết ơn, tin yêu và kính trọng. Vì thế, tên Nữ hoàng được dùng để đặt cho dòng thác nơi nàng cư ngụ là Drai H’Juh. Tuy nhiên, tên gọi này hiện nay ít người biết đến bởi người  Êđê khi xưa sinh sống gần dòng thác hầu như đã di tản nhiều nơi trên địa bàn huyện Krông Năng, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk.

Thác Sơn Long là một dòng thác đẹp, cảnh thác còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, chưa có tác động của con người. Ngoài cảnh quan thiên nhiên nên thơ và hùng vĩ, thác Sơn Long còn thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng với diện tích quy hoạch 20 ha nên hệ thực vật ở hai bên dòng thác rất phong phú, đa dạng. Nơi đây, rất thuận tiện cho việc thu hút khách du lịch đến tham quan, thưởng ngoạn.

Di tích danh lam thắng cảnh Thác Sơn Long, xã Ea Tam, huyện Krông Năng được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk xếp hạng Di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 2674/QĐ-UBND ngày 05/11/2020.

Một số hình ảnh của Di tích:




GD&TT