DI TÍCH LỊCH SỬ ĐỊA ĐIỂM LƯU NIỆM TRẬN CHIẾN ĐẤU PHÒNG NGỰ CHỐT BUÔN TRING NĂM 1973
Di tích lịch sử Địa điểm lưu niệm Trận chiến đấu phòng ngự chốt buôn Tring năm 1973 tọa lạc tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. Đây là nơi diễn ra trận chiến đấu phòng ngự suốt 29 ngày đêm (từ 27/1/1973 – 25/2/1973) của Tiểu đoàn 301 nhằm bảo vệ tuyến phòng thủ, ngăn chặn không cho địch tiến sâu vào vùng giải phóng của ta, phá tan âm mưu “tràn ngập lãnh thổ” của địch. Tại vị trí này những chiến sĩ của Tiểu đoàn 301 đã kiên cường bám trụ, chiến đấu và hy sinh anh dũng.
Qua lời kể của các nhân chứng lịch sử: Năm 1973, Buôn Tring có diện tích khoảng 5 ha, gồm hai buôn: Tring lớn và Tring nhỏ, được ngăn cách bởi một trường tiểu học. Phía Bắc giáp suối Ea Ngó, có Khu chiêu hồi dân tộc, Khu hành chính quận Buôn Hồ. Phía Nam địa hình bằng phẳng, có rẫy cà phê, gần buôn Tring có nhiều cây bằng lăng, đây là điều kiện thuận lợi để tổ chức trận địa phòng ngự và tấn công. Phía Đông địa hình trống trải từ buôn ra khoảng 500m. Phía Tây cách Quốc lộ 14 khoảng 300m, cách quận Buôn Hồ 800m.
Địa điểm lưu niệm Trận chiến đấu phòng ngự chốt buôn Tring năm 1973 nằm trong khu vực dân cư của buôn Tring lớn, xung quanh có các lô cốt do địch bỏ lại. Khi Tiểu đoàn 301 vào chiếm lĩnh buôn Tring đã sử dụng lại những lô cốt đó và làm thêm một số hầm kèo để tránh mảnh đạn pháo của địch.
Ngay phía trước cổng chính dẫn vào buôn Tring lớn có 01 lô cốt hình lục giác, được làm theo kiếu bán âm sâu xuống lòng đất khoảng 1.5 m và rộng khoảng 3.0 m, xung quanh chất bao cát và đắp đất để có thể chịu được sức công phá của đạn, pháo. Nắp lô cốt được làm bằng gỗ chèn bao cát và đất.
Tại trung tâm của buôn Tring, ta bố trí 01 hầm chỉ huy của Đại đội với diện tích 4 m2, sâu xuống lòng đất 1.5 m, xung quanh chèn gỗ và đắp đất cao khoảng 1 m. Cửa hầm nằm ở hai đầu, bố trí theo hình chữ Z.
Góc phía Đông Nam của buôn Tring có 01 hầm chỉ huy của Tiểu đoàn 301 (được sử dụng trong thời gian đầu chiếm lĩnh buôn Tring), hầm có chiều dài 2 m, rộng 1.5 m, âm xuống lòng đất 1.2 m. Cửa hầm được đặt ở hai đầu và bố trí theo hình chữ Z để tránh bom đạn địch và dễ dàng quan sát trận địa.
Xung quanh các hầm chỉ huy và lô cốt ta đào thêm hầm chữ A, để kết nối giữa các hầm có hệ thống giao thông hào. Hầm chữ A có tác dụng chống các loại bom, pháo, đạn và trở thành hầm ẩn nấp an toàn khi địch đánh phá, càn quét. Hệ thống giao thông hào được làm theo từng đoạn để kết giữa các hầm với nhau. Riêng ở hướng Đông Bắc, hệ thống giao thông hào được đào theo suốt chiều dài của buôn, mục đích là để ngăn cản địch xâm nhập, lấn chiếm bằng bộ binh và hạn chế những bất lợi như gần đường giao thông lớn, có nhiều gốc cây to,…
Cuối tháng 01/1973, theo lệnh của Mặt trận Tây Nguyên, Tỉnh đội điều Tiểu đoàn 301 từ H2 về đứng chân Nam đường 21 (H9), sau đó chuyển trọng điểm về vùng Buôn Hồ (H4), để phối hợp với Trung đoàn 25 chiếm lĩnh vùng Hà Lan trên trục đường 14, gần Buôn Hồ.
Đúng 15 giờ ngày 25/01/1973, Trung đoàn 25 mở màn hoạt động chiếm lĩnh bằng trận tấn công chiếm lĩnh Ea Đê, đồng thời một đại đội của Trung đoàn 25 tiến vào hướng Hà Lan. Đêm ngày 27 rạng ngày 28/01/1973, toàn đơn vị tấn công làm chủ Hà Lan 1, Hà Lan 2; Đại đội 2 của Tiểu đoàn 3 làm chủ Cung Kiệm, tổ công binh của Trung đoàn 25 đánh cầu Hà Lan. Ta vừa giữ các vùng trên, vừa bám vào dân tuyên truyền Hiệp định Paris, tuyên truyền chính sách hòa hợp dân tộc, kêu gọi đồng bào vận động con em đi lính trở lại.
Tại địa bàn Buôn Hồ, đêm 26 rạng 27/01/1973 ta đã đồng loạt chiếm lĩnh những địa bàn quan trọng: Tiểu đoàn 301 chiếm lĩnh buôn Tring, Tiểu đoàn 401 chiếm lĩnh Đồn điền Rossi và vùng Buôn Hồ cũ,...
Trận chiến đấu phòng ngự chốt buôn Tring diễn ra suốt 29 ngày đêm (bắt đầu từ ngày 27/01 đến 25/2/1973) với lực lượng trên dưới 15 tay súng, có đồng chí một mình sử dụng 3 đến 4 vũ khí đánh địch, đã đánh lui hết đợt phản kích này đến đợt phản kích khác của địch với số lượng quân đông, có hỏa lực mạnh và có xe tăng đột kích, có ngày ta đánh lui 5 đợt phản kích cỡ từ 5 đến 7 tiểu đoàn địch. “Nhìn trận địa chỉ toàn một màu đất đỏ quạch tả tơi, nham nhở do đạn pháo cày xới, chà đi xát lại tưởng chừng như không còn sự sống. Nếu so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch thì có sự chênh lệch rất lớn về số lượng và vũ khí chiến đấu, tính ra mỗi chiến sĩ của ta phải chiến đấu với 10 – 15 tên địch được trang bị vũ khí đến tận răng cộng thêm sự hỗ trợ về hỏa lực ở trên không cũng như dưới mặt đất. Bằng lòng kiên trung và quả cảm, bộ đội ta đã vượt qua mọi hiểm nguy, khốc liệt nơi chiến trận, ở dưới mỗi căn hầm là sức sống mãnh liệt, lòng yêu nước nồng nàn, tình đồng chí đồng đội thắm thiết đã cùng nhau vượt qua mọi hiểm nguy, gian khổ để chiến đấu và chiến thắng trước sức mạnh bom đạn của kẻ thù. Đây là bí quyết để tồn tại trước bất kỳ hoàn cảnh và thử thách nào ngoài trận mạc” (Trích hồi ký “Những ngày chiến đấu ở trận địa Buôn Tring mùa xuân năm 1973” của đồng chí Phạm Tuấn Chiêm – chiến sĩ quân y Đại đội 1, Tiểu đoàn 301). Toàn trận ta đã diệt hơn 300 tên địch, bắn cháy 2 xe bọc thép.
Địa điểm lưu niệm Trận chiến đấu phòng ngự chốt buôn Tring năm 1973 là nơi ghi lại chiến công to lớn của những chiến sỹ Tiểu đoàn 301 thuộc Tỉnh đội Đắk Lắk và các đơn vị phối hợp. Ngược lại là sự thất bại thảm hại của Mỹ - Ngụy mà cụ thể là sự tổn thất nặng nề của Trung đoàn 45 Ngụy và các lực lượng Bảo An hòng chiếm lại các vùng ta đã chiếm giữ từ dốc Hà Lan đến Buôn Hồ mà tập trung là Hà Lan và buôn Tring, nhằm lập lá chắn ngăn chặn quân ta tại đây.
Di tích Địa điểm lưu niệm Trận chiến đấu phòng ngự chốt buôn Tring năm 1973 là nơi ghi dấu trận chiến đấu phòng ngự chốt buôn Tring trong giai đoạn thi hành Hiệp định Paris 1973 về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam của Tiểu đoàn 301 – lực lượng vũ trang tỉnh Đắk Lắk nói riêng và quân đội nhân dân Việt Nam nói chung trong những năm kháng chiến chống Mỹ nhằm giữ đất, giành dân, chống địch lấn chiếm, cùng các chiến trường góp phần tạo ra thế và lực cho ta trên bàn đàm phán, buộc đế quốc Mỹ và tay sai phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiệp định Paris, mở ra thế trận mới trên chiến trường, tạo điều kiện cho quần chúng nổi dậy. Đây là một trận đánh quan trọng, góp phần tạo một bước chuyển biến căn bản trên chiến trường Tây Nguyên nói riêng và chiến trường Miền Nam nói chung.
Năm 1999 – 2000, Uỷ ban nhân dân Thị xã Buôn Hồ đầu tư xây dựng Đài Tổ quốc ghi công để tỏ lòng tri ân đối với những người chiến sĩ Tiểu đoàn 301, đã hy sinh anh dũng vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, họ đã chiến đấu kiên cường, bất khuất, suốt 29 ngày đêm bám trụ với khẩu hiệu “bám dân, bám đất, một tổ cũng đánh, một người cũng đánh, còn người còn trận địa”. Các chiến sỹ đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh trong thời điểm cực kỳ quan trọng ấy, để lại cho lực lượng vũ trang tỉnh ta những tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức cách mạng, sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì Tổ quốc, viết nên truyền thống vẻ vang cho lực lượng vũ trang tỉnh Đắk Lắk.
Di tích Địa điểm lưu niệm Trận chiến đấu phòng ngự chốt buôn Tring năm 1973 còn là nguồn sử liệu quý giá để chúng ta tìm hiểu, nghiên cứu và rút ra những bài học kinh nghiệm trong lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc. Ngoài ra, di tích còn là một trong những địa chỉ đỏ của thị xã Buôn Hồ để giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng cho các thế hệ trẻ tương lai của đất nước.
Với ý nghĩa đó, ngày 20 tháng 12 năm 2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định số 3453/QĐ-UBND xếp hạng Địa điểm lưu niệm Trận chiến đấu phòng ngự chốt buôn Tring năm 1973 là Di tích Lịch sử cấp tỉnh.
Một số hình ảnh của Di tích:
GDTT