THÁC DRAI Y BAR
Người Êđê nhóm Drao sinh sống ở khu vực buôn M’Um, xã Čư Prông gọi tên thác là Drai Y Bar, trong đó Drai có nghĩa là thác, Y Bar là tên riêng của một vị tù trưởng buôn M’Um xưa kia. Drai Y Bar có nghĩa là Thác của tù trưởng Y Bar bởi dòng thác này là nơi Y Bar – tù trưởng buôn M’Um đã bỏ mạng trong lúc đấu tranh bảo vệ buôn làng chống lại sự truy đuổi của buôn Sŭk. Ghi nhớ công ơn của ông, đồng bào buôn M’Um đã lấy tên ông để đặt cho dòng thác.
Chuyện kể rằng: Đã nhiều mùa rẫy trôi qua, không còn ai nhớ nữa, buôn M’Um giàu đẹp nằm bên cạnh một con suối, dưới sự dẫn dắt của tù trưởng, cuộc sống của người dân trong buôn rất sung túc, nhà cửa san sát, thóc lúa đầy chòi, trâu bò, heo gà đầy sân, chật bãi. Từ người già đến người trẻ đều sống hòa thuận trong tình yêu thương của cộng đồng, cùng nhau chăm chỉ lao động. Bỗng một hôm trên đỉnh núi cao trước buôn tự nhiên xuất hiện ngọn lửa phun ra dữ dội, cả một vùng trời đầy lửa và nóng khủng khiếp. Mọi vật xung quanh đều bị thiêu hủy, rẫy lúa, rẫy bắp, trâu bò, heo gà của dân làng cũng bị ngọn lửa như con rắn khổng lồ nuốt chửng vào bụng, chim thú trong rừng con thì chết cháy, con thì chạy tháo thân, nhốn nháo cả một vùng. Sông suối cạn khô, cá chết đen bờ bãi. Đất nứt nẻ, già trẻ gái trai hốt hoảng cùng già làng chạy đến vùng đất khác để lánh nạn. Nhưng ngọn lửa vẫn bốc cao, cái nóng làm cho vùng đất mới bị khô kiệt. Nguồn nước, dòng sông, con suối cũng không có nước, rẫy nương không có hạt mưa để trồng trỉa. Trong rừng cũng không có thú để săn bắt. Ngọn rau, cây cỏ khô cháy, nguồn thức ăn, nguồn nước của dân làng bị cạn kiệt.
Buồn phiền vì buôn làng xảy ra tai họa khủng khiếp và chưa làm tròn trách nhiệm của chủ đất với dân làng nên tù trưởng đã cho gọi chàng Y Zút, một thanh niên khôi ngô tuấn tú và có tài săn bắn giỏi nhất vùng đến để giao trách nhiệm cho chàng cùng ông chăm lo cho dân làng. Nhận nhiệm vụ nặng nề, Y Zút rất buồn bã và lo lắng vì không biết làm gì để đưa dân làng vượt qua cơn đói khát này. Chàng vào rừng lần theo dấu chân của những con thú, chàng đi mãi, đi mãi vượt qua nhiều cánh rừng, ngọn thác cao để tìm nguồn thức ăn cứu đói cho buôn làng. Đi mãi, chàng không biết rằng đã đi qua cánh rừng thuộc địa phận của buôn Sŭk, mệt quá Y Zút dừng nghỉ chân bên một con suối, ngay lúc đó chàng nhìn qua kẽ lá bên bụi cây thì thấy mấy mẹ con nhà chồn đi kiếm ăn trong rừng. Theo phản xạ của người thợ săn, Y Zút giơ nỏ lên và bắn một mũi tên lao vút trúng ngay vào con thú, chàng đến gần thì thấy đó là con chồn cái. Những chú chồn con còn lại mất mẹ chạy nháo nhác, gào thét làm náo loạn cả khu rừng.
Bước ra khỏi cánh rừng, trời đã ngả về chiều, trên đường về Y Zút gặp ngay người của buôn Sŭk, dân làng buôn Sŭk đã bắt Y Zút về tội săn bắt xâm phạm vùng đất của họ. Dân buôn Sŭk cho rằng Y Zút bắn chết chồn cái sẽ làm triệt đường sinh sản của chúng nên họ đòi lấy mạng của chàng trai trẻ, treo cổ lên cây chín ngày, chín đêm trong rừng để quạ rỉa xác, thú dữ ăn thịt chàng.
Biết được tin dữ, tù trưởng buôn M’Um tên là Y Bar đến gặp già làng buôn Sŭk để thương lượng giải cứu cho Y Zút. Dân làng buôn Sŭk bắt buôn M’Um phải khao làng tạ lỗi. Buôn M’Um đã làm cơm, mổ trâu, giết heo giết bò để thiết đãi dân buôn Sŭk, bữa tiệc kéo dài đến ba ngày ba đêm, dân buôn Sŭk ăn uống đến no say cả làng đều lăn ra ngủ. Nửa đêm thức dậy già làng buôn Sŭk nhìn thấy củ nghệ ở góc nhà, ông cầm lên xem và cho rằng dân làng mình đã bị buôn M’Um bỏ ngải, họ giận dữ, nổi cơn thịnh nộ.
Phát hiện ra điều bất thường và sợ dân buôn Sŭk đuổi giết nên tù trưởng buôn M’Um là Y Bar đã lệnh cho buôn làng phải rời đi ngay trong đêm đó để tránh tai họa. Trên đường bỏ trốn, họ phải đi qua một ngọn thác cao, dòng nước chảy siết, cả buôn lặng lẽ đi trong đêm tối, người già, trẻ con dắt díu nhau đi, tù trưởng buôn M’Um là người đi sau cùng nhất. Lúc đó, buôn Sŭk phát hiện ra hướng chạy trốn của người dân buôn M’Um và chàng Y Zút nên đã đuổi theo ráo riết để bắt về xử phạt. Đuổi đến đoạn dòng thác, họ bắt gặp được dân làng buôn M’Um cùng Y Zút đang cố gắng vượt thác chạy trốn nên người buôn Sŭk vội vàng lao theo. Thấy vậy, tù trưởng Y Bar đã giằng co quyết liệt với thanh niên, trai tráng của buôn Sŭk để bảo vệ dân làng và chàng Y Zút lần lượt trốn thoát an toàn. Đêm càng về khuya, sức đã cạn kiệt nên trong lúc giằng co với dân buôn Sŭk, tù trưởng Y Bar đã ngã xuống dòng thác và bị nước chảy siết cuốn trôi. Cảm động trước sự che chở, bảo vệ của tù trưởng buôn M’Um nên người dân buôn Sŭk không đuổi theo dân buôn M’Um và chàng Y Zút nữa. Dân làng Buôn M’Um vội vã đốt đuốc đi tìm khắp dòng suối, họ gào khóc thảm thiết trong vô vọng, tiếng khóc của họ dội vào núi rừng hòa cùng dòng nước siết. Họ biết rằng vị tù trưởng đã chết và mãi mãi không trở về cùng dân làng nữa.
Sau đó, dân làng dời đến nơi ở mới, họ lập buôn ngay dưới chân thác – nơi tù trưởng Y Bar bỏ mình, để ghi nhớ hình ảnh của người trưởng buôn, người con của núi rừng Ê đê tình nghĩa, trách nhiệm với buôn làng. Về sau, người Ê đê gọi dòng thác ấy là Drai Y Bar, nghĩa là thác của tù trưởng Y Bar đã hi sinh thân mình để bảo vệ buôn, bảo vệ cộng đồng.
Ngoài ra còn một dị bản nữa liên quan đến thác Drai Y Bar do ông Y Gút Byă (Ama Tiêm), sinh năm 1942 từng là già làng Buôn M’Um và một số người già khác trong buôn kể lại: Đã lâu lắm rồi không còn ai nhớ nữa, tại núi rừng Đắk Lắk có một tù trưởng giàu mạnh tên là M’Tao Pui. Nhà M’Tao dài đến nỗi con voi đi một ngày mới hết. Của cải của M’Tao nhiều vô số kể, chiêng ché, ngà voi, sừng tê giác, da cọp, vàng bạc để đầy nhà trong, chật nhà ngoài. Nô lệ kẻ ra người vào rộn ràng tấp nập như bầy mối, bầy kiến. M’Tao có một người con gái tên là H’Nê đẹp nhất vùng, da trắng như ngà voi, mặt tròn như cô trăng trên trời. Nhiều chàng trai con của các tù trưởng giàu mạnh gần xa đã từng đến trao vòng gửi nhẫn cho nàng, nhưng không một chàng trai nào làm nàng ưng thuận. Nàng H’Nê thương thầm nhớ trộm chàng Y Bar nghèo khổ nhưng tài giỏi, gan dạ, dũng cảm hơn người và có tấm lòng nhân hậu luôn giúp đỡ những người gặp khó khăn trong buôn.
Cuộc sống của dân làng đang yên ổn thì bỗng nhiên xuất hiện cọp bảy đầu vào quấy phá, ban ngày nó rình bắt người đi làm nương rẫy, ban đêm cọp vào buôn bắt trâu bò, heo gà của mọi nhà. Sự xuất hiện của cọp bảy đầu làm cho cuộc sống của dân làng ngày càng ảm đạm, trong buôn không còn tiếng cười, tiếng hát, trâu bò đói không ai dám dẫn đi ăn, lúa bắp chín ngoài đồng không ai dám đi hái, nhà nhà đều đóng cửa im ỉm. Sự việc trên đã làm cho tù trưởng M’Tao Pui ăn không ngon, ngủ không yên. Ông đành triệu tập dân làng đến và nói nếu ai đánh đuổi được cọp bảy đầu sẽ được ông chia nửa gia tài và được cưới con gái ông làm vợ.
Từng nhóm, từng nhóm đều nhận lời đi đánh cọp bảy đầu nhưng có nhóm trở về trong tan tác, còn có nhóm thì bị cọp ăn thịt, ai nấy đều run sợ và không dám nhận lời đi đánh cọp nữa. Để cứu dân làng thoát khỏi hiểm họa cọp bảy đầu, chàng Y Bar đã đến trước mặt tù trưởng và xin nhận nhiệm vụ đánh đuổi cọp để giải cứu dân làng, vừa bước xuống cầu thang thì gặp nàng H’Nê. H’Nê nói: “Chàng đi đánh đuổi cọp bảy đầu để cứu dân làng, em lo cho chàng lắm. Hãy cố lên, em sẽ đợi chàng”. Nói rồi nàng đưa tặng Y Bar chiếc còng đeo tay và lau nước mắt đi lên cầu thang.
Y Bar trở về chuẩn bị vũ khí đi vào rừng để giết cọp, vừa vượt qua con suối nhỏ, chàng đã nghe tiếng gầm rú của cọp những vẫn bình tĩnh bước từng bước đến gần. Bất ngờ cọp từ trong bụi cây lao ra, chàng nghiêng người và vung đao ra chém, thế là cọp bị rơi mất một đầu. Nó nổi điên, gào rú và liên tục tấn công Y Bar, cọp vồ bên trái chàng tránh bên phải, cọp vồ bên phải chàng tránh bên trái, cọp vồ chính diện chàng nhảy lên cao, cọp nhảy lên cao chàng tránh phía dưới, cứ thế hai bên quần nhau từ ngày này sang ngày khác, cây cối đổ gục, bụi đất nổi lên mù mịt. Cuối cùng chàng đã lần lượt chém đứt bảy cái đầu của cọp, nhưng do chiến đấu với cọp kéo dài chàng đã kiệt sức, cố lê tấm thân mệt mỏi ra dòng suối để uống nước nhưng vì quá mệt nên chàng đã ngất đi. Đêm ấy trời đổ mưa to, nước suối dâng cao đã cuốn chàng trôi theo dòng nước.
Mấy ngày sau, dân làng không thấy cọp về quấy phá nữa, mọi người đều tin rằng cọp đã bị chàng Y Bar giết chết. Nhưng đợi mãi một ngày, ba ngày, rồi năm ngày, đến bảy ngày vẫn không thấy chàng Y Bar trở về. M’Tao và dân làng rất nóng ruột liền cử một đoàn người đi tìm Y Bar. Đoàn người đi mãi, đi mãi, vượt qua rừng rậm đến con suối cạn thì thấy cọp bảy đầu nằm phơi xác, còn bảy cái đầu thì nằm lăn lóc mỗi nơi một cái, ai nấy đều sợ hãi. Mọi người đứng nhìn xác cọp một lúc rồi chia nhau đi tìm chàng Y Bar, họ tìm mãi, tìm mãi nhưng chẳng thấy chàng đâu, chỉ thấy dấu chân chàng còn in đậm trên bãi cỏ bên dòng suối. Trời tối, đoàn người đành kéo về buôn.
Tin chàng Y Bar mất tích lan khắp buôn làng, làm cho già trẻ, gái trai ai nấy đều đau lòng, nhiều người thương khóc chàng. Riêng nàng H’Nê thì suốt ngày chẳng thèm ăn uống gì, lúc nào nước mắt cũng giàn dụa. Tối hôm ấy, H’Nê đi ra con suối cạn nơi chàng Y Bar mất tích ngồi khóc thương chàng thảm thiết, nàng khóc đến nỗi nước mắt tuôn ra như mưa rào, như thác đổ. Nàng khóc mãi, khóc mãi, nước mắt của nàng tích tụ trên dòng suối rồi bỗng nhiên chỗ nàng ngồi biến thành một con suối lớn và thân xác nàng tan vào dòng nước lúc nào không hay.
Sáng hôm sau, mọi người đi tìm nàng H’Nê, khi ra đến dòng suối cạn họ chẳng thấy nàng H’Nê đâu mà chỉ thấy dòng suối nước chảy dữ dội. Cảm phục trước tấm lòng thủy chung của nàng dành cho chàng Y Bar, dân làng gọi dòng suối là Ea H’Nê và tên gọi này vẫn được lưu truyền cho đến tận ngày nay.
Với vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ, ngày 19/11/2019, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định số 3478 /QĐ-UBND xếp hạng thác Drai Y Bar là Di tích Danh lam thắng cảnh cấp tỉnh.
Một số hình ảnh của Di tích:
GD&TT