XẾP HẠNG DI TÍCH QUỐC GIA: DI TÍCH LỊCH SỬ KHU CĂN CỨ KHÁNG CHIẾN CƯ JŬ - DLIÊ YA
Ngày 29/12/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 4242/QĐ-BVHTTDL về việc xếp hạng di tích quốc gia: Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya, xã Chư Đrăng và xã Uar, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Điều này đã đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, cán bộ lão thành cách mạng và Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Gia Lai trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử cách mạng của Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya.
Cư Jŭ - Dliê Ya, theo tiếng Ê đê: Cư Jŭ có nghĩa là núi đen, Dliê Ya là vùng rừng núi rộng lớn. Dliê Ya là dãy núi lớn nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Đắk Lắk, án ngữ giữa huyện Cheo Reo và huyện Buôn Hồ, có nhiều đỉnh cao mà đỉnh cao nhất là Cư Jŭ (độ cao 1.729m). Với địa thế là vùng núi non hiểm trở và có tầm chiến lược, nên dãy núi Dliê Ya được Ủy ban Kháng chiến tỉnh Đắk Lắk chọn để xây dựng căn cứ địa kháng chiến của tỉnh. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya là căn cứ đầu não, gắn liền với sự phát triển của cách mạng tỉnh Đắk Lắk nói riêng và cả vùng Tây Nguyên nói chung, nơi Đảng bộ tỉnh đã họp bàn và đề ra những chính sách và sự chỉ đạo kịp thời để lãnh đạo cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Từ đầu năm 1948, Ban cán sự Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk chủ trương xây dựng căn cứ tại vùng quanh dãy núi Dliê Ya. Đồng chí Phạm Thuần, Ủy viên thường vụ Ban cán sự, Trưởng Ty công an và đồng chí Minh Sơn, Trung đoàn phó Trung đoàn 84 – N’Trang Lơng được giao nhiệm vụ cùng với một số cán bộ chính trị và quân sự khảo sát, nghiên cứu và vạch kế hoạch xây dựng căn cứ đứng chân cho tỉnh ở Dliê Ya thành Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya. Kế hoạch xây dựng Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya gồm nhiều bước. Bước đầu tiên có tính chất quyết định là xây dựng củng cố và phát triển cơ sở chính trị và cơ sở du kích ở các buôn thuộc xã Dliê Ya và các buôn ngoại vi làm hành lang bảo vệ cho chiến khu.
Đầu năm 1949, các cơ quan, Đảng, Chính quyền của tỉnh đã cử cán bộ thay chân nhau đứng chân tại chiến khu Cư Jŭ - Dliê Ya, tạo thành một trạm trung chuyển giữa các vùng giải phóng Tây Phú Yên, Cheo Reo, M’Đrắk, Buôn Hồ, Tây đường 14 và Nam đường 21. Tại chiến khu Cư Jŭ - Dliê Ya, tỉnh đã lập các kho muối, gạo, vũ khí và tổ chức các lớp huấn luyện cho cán bộ vùng sâu. Từ vùng đất rộng và tốt của Cư Jŭ - Dliê Ya, tỉnh và huyện đã khai thác trồng lúa và hoa màu, chăn nuôi để tăng thêm lương thực, thực phẩm cho các đội vũ trang vùng sâu và nhân dân vùng Căn cứ.
Tại Khu căn cứ Cư Jŭ - Dliê Ya trong những năm 1953-1954 dưới sự chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng tỉnh Đắk Lắk, lực lượng vũ trang của tỉnh, phối hợp với quân và dân các tỉnh Gia Lai, Phú Yên mở nhiều đợt tiến công địch, làm cho chúng gặp thất bại khắp các hướng, buộc chúng phải rút chạy khỏi Buôn Ma Thuột, cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Pháp của quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk chính thức giành thắng lợi hoàn toàn.
Sau Hiệp định Genéve, âm mưu của Mỹ - Diệm cố tình không thi hành những điều khoản được ký kết, chúng lập ra một chế độ tay sai nhằm chia cắt đất nước ta, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, làm bàn đạp quân sự của Mỹ ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Ở Đắk Lắk, sau khi tiếp quản được toàn tỉnh, Mỹ - Diệm ra sức thiết lập chế độ thống trị tay sai.
Những mốc son lịch sử như trên đã chứng minh tầm quan trọng của Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya trong kháng chiến chống Pháp 1946 - 1954. Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, vùng Căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya tiếp tục được Tỉnh ủy Đắk Lắk phát triển thành căn cứ kháng chiến vững chắc. Chính nơi đây, Tỉnh ủy đã lãnh đạo quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk giành những thắng lợi quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ 1954 - 1975, góp phần cùng với cả nước đánh bại kẻ thù xâm lược, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Đầu năm 1955, bộ phận đầu não của tỉnh Đắk Lắk gồm Thường vụ Ban Cán sự Đảng, các đoàn thể cán bộ được bố trí ở lại, lần lượt chuyển lên chiến trường. Lúc đầu, các cơ quan của tỉnh tập trung và đóng tại căn cứ Thồ Lồ (Phú Yên), từ đó tiến dần lên nội địa tỉnh Đắk Lắk, bám vào các buôn là cơ sở cách mạng trước đây như buôn Ur, buôn Mùng, xã Cư Drăng (Đông Cheo Reo) và buôn Bung, buôn Kra (Tây Cheo Reo). Khi gây dựng được cơ sở, ta chủ động dựa vào dân và tiến lên vùng rừng núi Cư Jŭ - Dliê Ya để xây dựng căn kháng chiến lâu dài.
Năm 1956, Thường vụ Ban Cán sự Đảng tỉnh Đắk Lắk tiến lên vùng rừng núi Cư Jŭ - Dliê Ya và đóng trại đầu nguồn suối Ea Trăl, thuộc căn cứ Cư Jŭ - Dliê Ya (với mật danh K91). Tháng 3/1959, Ban Chấp hành Trung ương lại ra Chỉ thị riêng “về nhiệm vụ xây dựng căn cứ cách mạng ở Tây Nguyên”. Chỉ thị xác định: “Xây dựng Tây Nguyên thành căn cứ chính ở miền Nam, phá vỡ kế hoạch xây dựng trung tâm căn cứ quân sự của Mỹ - Diệm, tạo thế mạnh cho cách mạng miền Nam chuyển sang tích cực và góp phần bảo vệ miền Bắc”, “Xây dựng Tây Nguyên mà trọng tâm là xây dựng Nam Tây Nguyên thành một căn cứ địa vững chắc, xây dựng hành lang chiến lược Bắc - Nam, Đông - Tây là yêu cầu trước mắt và lâu dài. Đảng bộ Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đông Nam bộ phải đảm trách nhiệm vụ chiến lược quan trọng này…, nó có tầm quan trọng đặc biệt đến sự phát triển của cách mạng Việt Nam”.
Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya đã được lựa chọn làm nơi tổ chức 03 kỳ Đại hội Đảng: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ I (tháng 8/1960), Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ II (tháng 8/1963), Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ VI (tháng 9/1973); Đảng bộ và chính quyền Đắk Lắk đã đề ra những chính sách và chỉ đạo kịp thời để lãnh đạo cách mạng tỉnh Đắk Lắk đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đặc biệt là chiến thắng Buôn Ma Thuột (10/3/1975), góp phần cùng cả nước đánh thắng kẻ thù xâm lược thống nhất đất nước.
Tại Căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya, tỉnh đã lập các kho muối, gạo, vũ khí và tạo thành một trạm trung chuyển phân phát gạo, muối, vũ khí giữa các vùng giải phóng của các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, gồm: Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa lên Tây Nguyên và các tỉnh Nam bộ; đào tạo cán bộ, tổ chức huấn luyện cho lực lượng vũ trang, sau đó bố trí cho các tỉnh Tây Nguyên nhất là các tỉnh ở Nam Tây Nguyên.
Căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya tỉnh Đắk Lắk trở thành nơi bảo vệ, lưu thông tuyến hành lang chiến lược từ đồng bằng lên miền núi, từ Bắc vào Nam, vận chuyển sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến miền Nam; là nơi tổ chức chốt chặn các đợt hành quân của địch từ miền núi xuống bồng bằng, từ đồng bằng lên Tây Nguyên. Điển hình là đợt chốt chặn cuộc tháo chạy của Quân đoàn 2 Ngụy quyền từ Tây Nguyên xuống đồng bằng theo Quốc lộ 7 (nay là Quốc lộ 25) từ Gia Lai xuống Phú Yên cuối tháng 3/1975, ta đã tiêu diệt toàn bộ Quân đoàn 3 của Ngụy ở Tây Nguyên.
Với 04 chiến lược chiến tranh, thực hiện trong 20 năm xâm lược Miền Nam đế quốc Mỹ đã thực hiện tại Đắk Lắk vô cùng tàn bạo, dã man; riêng tại vùng căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya, chúng đã tổ chức liên tục ngày đêm biết bao cuộc hành quân càn quét lớn nhỏ, bằng cả các lực lượng thám báo, biệt kích quân đội cộng hòa, bảo an và bằng cả bộ binh, pháo binh cùng các loại máy bay hiện đại B57, B52, V010, trực thăng vũ trang… rải xuống biết bao bom đạn, gồm bom tạ, bom tấn, bom nổ chậm, nào bom chùm, bom vướng, bom bi, mìn định hướng … hòng đập tan dãy núi Dliê Ya, cố đánh bật cho được cơ quan đầu não và mọi cơ quan, lực lượng của Đắk Lắk ra khỏi dãy núi này để tiêu diệt, rồi lùa dân tất cả các buôn làng xung quanh Cư Jŭ - Dliê Ya.
Nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, thế trận lòng dân và thế núi hùng vĩ của Khu căn cứ Cư Jŭ - Dliê Ya đã hợp thành sức mạnh vô địch, đã cùng mọi cơ quan - lực lượng đóng tại đây đánh bại hoàn toàn tất cả mọi mưu đồ đen tối, thâm độc dã man của địch. Cơ quan đầu não và mọi cơ quan, lực lượng của tỉnh cùng toàn bộ mọi kho tàng, vũ khí đạn dược, quân trang quân dụng, lương thực thực phẩm, thuốc men y tế… đều được bảo vệ an toàn, vững chắc; không một buôn làng nào, không một người dân nào bị lùa xác dồn ra các khu ấp chiến lược dọc Đường 7, sông Ba, Quân lỵ, Chi Khu, Phú Túc…
Khu Căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya tỉnh Đắk Lắk còn hoàn thành sứ mệnh mà Chỉ thị của Trung ương năm 1958 về việc “Xây dựng Tây Nguyên mà trọng tâm là xây dựng Nam Tây Nguyên thành một căn cứ địa vững chắc, xây dựng hành lang chiến lược Bắc - Nam, Đông - Tây là yêu cầu trước mắt và lâu dài. Đảng bộ Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đông Nam bộ phải đảm trách nhiệm vụ chiến lược quan trọng này…, nó có tầm quan trọng đặc biệt đến sự phát triển của cách mạng Việt Nam. Đường hành lang từ Cư Jŭ - Dliê Ya đi các tỉnh Phú Yên, Gia Lai và ra Khu, cùng với đường hành lang tới các huyện đã thông suốt và thường xuyên bảo đảm an toàn”, góp phần cùng cả nước đánh thắng kẻ thù xâm lược, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Đoàn khảo sát khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya tháng 02/2022
Trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya thuộc địa phận tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, theo Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 9 (ngày 12/8/1991) về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nên hiện nay tất cả các điểm di tích của Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya đều thuộc địa phận hành chính các xã Uar và xã Chư Drăng (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai), nằm sâu trong dãy núi Dliê Ya, với cảnh quan thiên nhiên đẹp, môi trường trong lành, có hệ động thực vật phong phú, đa dạng. Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya thuộc đất rừng được Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam sông Ba, tỉnh Gia Lai quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt nên chưa bị tác động, ảnh hưởng xấu. Nơi đây có điều kiện thuận lợi để xây dựng thành địa chỉ đỏ về giáo dục lịch sử, kết hợp với du lịch sinh thái.
Mặc dù chiến tranh đã qua đi nhưng Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya vẫn mang trong mình dấu ấn của thời kỳ lịch sử vẻ vang, khắc sâu những giá trị lịch sử cao quý, tinh thần chiến đấu anh dũng và những hy sinh gian khổ của ông cha ta. Ngoài ra, Di tích còn chứng minh tình đoàn kết giữa ý Đảng lòng dân, sự gắn bó giữa các dân tộc trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng đối với Nhân dân các dân tộc Tây nói riêng và cả nước nói chung.
Ngoài giá trị về lịch sử cách mạng, hiện nay môi trường thiên nhiên quanh khu Di tích là hệ sinh thái phong phú, đa dạng, khí hậu trong lành với nhiều thắng cảnh đẹp. Khu vực rừng núi Cư Jŭ - Dliê Ya là vùng rừng già nguyên sinh rộng lớn, trong đó có hệ động thực vật phong phú, đa dạng gồm nhiều nguồn gen quý hiếm như: Gõ, Trắc, Hương… Đây được xem là nơi lý tưởng cho các nhà khoa học nghiên cứu, tìm hiểu, từ đó đưa khu vực này trở thành địa chỉ tham quan du lịch về nguồn kết hợp du lịch sinh thái, khám phá vùng rừng núi Cư Jŭ- Dliê Ya.
Hà Phương