CHÉ ĐỰNG RƯỢU CẦN CỦA NGƯỜI ÊĐÊ

Đối với người Êđê, ché là một trong những vật dụng không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt và tín ngưỡng, là biểu tượng của sự giàu có và sức mạnh của gia đình, dòng họ, được dùng làm sính lễ trong đám cưới, đền bù khi xử phạt theo luật tục và cũng là tài sản chia cho người chết.

Đặc biệt, người Êđê không tự tay làm ra ché mà chủ yếu trao đổi với các dân tộc khác như người Kinh, Chăm, Lào, Campuchia... Vật dùng để trao đổi lấy ché thường là lợn, bò, trâu, thậm chí là voi. Ché càng quý thì số lượng vật quy đổi càng nhiều.

Người Êđê thường sử dụng nhiều loại ché với sự khác biệt về kích thước, hoa văn và cách trang trí. Mỗi ché đều có tên gọi riêng như: ché Tuk, ché Tang, ché Ba, ché Bô, ché Jăn, ché Đuê,…; trong đó, ché Tuk được coi là ché thiêng và quý nhất nên có giá trị quy đổi bằng nhiều con trâu hoặc ngang một con voi. Ché thường được sử dụng trong lễ cúng quan trọng, được cất giữ nơi kín đáo, cấm trẻ em lại gần và không cho người khác mượn. Với quan điểm “vạn vật hữu linh”, khi không sử dụng, người Êđê thường bỏ gạo vào lòng ché Tuk để cho ché “ăn”.


Ché Tuk, một trong những ché quý tại Bảo tàng Đắk Lắk

Theo quan niệm của người Êđê, thần linh (Yang) trú ngụ khắp mọi nơi, trong mỗi chiếc ché “thiêng” đều có vị thần, linh hồn trú ngụ. Khi một chiếc ché quý được đưa về nhà, gia đình phải tổ chức lễ cúng vào nhà cho ché với mục đích: thông báo cho tổ tiên, bà con, họ hàng và chào đón ché như một thành viên mới, cầu mong ché sẽ chung sống lâu dài, mạnh khỏe, vui vẻ, hòa thuận với gia đình. Trong lễ cúng này, máu con vật hiến tế được bôi lên miệng ché, chứng tỏ chiếc ché đã có sự hiện diện của thần linh. Sau đó, ché được mang vào nhà và cẩn thận đặt nơi trang trọng nhất và chỉ những dịp lễ quan trọng mới đưa ra dùng. Ngược lại, khi gia chủ muốn bán hay cho tặng thì phải làm lễ cúng chia tay, tiễn biệt chiếc ché trước khi về với chủ mới. 



Ché trong đám cưới của người Êđê


Ché dùng để ủ rượu cần dâng cúng thần linh, hay thiết đãi khách quý. Tùy theo mức độ của buổi lễ, người ta quy định số lượng ché và số con vật hiến sinh. Với ý nghĩa đó, ché rượu gắn liền với các nghi lễ vòng đời người và cộng đồng người Êđê: từ lễ thổi tai, lễ trưởng thành, lễ cưới cho đến lễ ăn cơm mới, lễ cúng bến nước, đặc biệt là lễ bỏ mả - nghi lễ quan trọng nhất trong vòng đời người. Ché trở thành một di sản văn hóa sống động, là sợi dây kết nối với thần linh, là phương tiện giao lưu, gắn kết cộng đồng.



Những ché rượu cần được xếp dài trong lễ bỏ mả



Lễ cúng cầu mùa của người Êđê


Ngày nay, trong bối cảnh cuộc sống hiện đại, sự giao thoa, tiếp biến văn hóa đã và đang tác động không nhỏ đến đời sống văn hóa, tinh thần của người Êđê. Việc mua bán, trao đổi và sử dụng ché không còn phổ biến. Tuy nhiên, trong các lễ hội và sinh hoạt cộng đồng của người Êđê không thể thiếu vắng những ché rượu. Tại các khu ẩm thực hay nhà hàng của địa phương, những ché rượu cần xinh xắn là món quà ý nghĩa cho khách phương xa mua về làm quà tặng cho người thân, bạn bè; ché xuất hiện trong những hoạt động du lịch cộng đồng, gắn kết du khách với văn hóa địa phương, với cồng chiêng hay những điệu múa dân gian đặc sắc, góp phần gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Êđê nói riêng và người Tây Nguyên nói chung.

Y Dhiư Niê