ỨNG DỤNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ, ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ TẠI BẢO TÀNG ĐẮK LẮK
Nhằm triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09/01/2025 của Chính phủ về Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Bảo tàng Đắk Lắk đã tập trung vào việc triển khai các giải pháp cụ thể, thiết thực, đồng thời phát huy vai trò chủ động của toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động.
Là một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, công tác chuyển đổi số tại Bảo tàng Đắk Lắk thể hiện qua nhiều hoạt động:
Số hóa hiện vật: Tạo ra các phiên bản số của hiện vật, cho phép truy xuất thông tin hiện vật một cách nhanh chóng, dễ dàng, bổ trợ và nâng cao hiệu quả công tác kiểm kê tại Kho bảo quản và công tác trưng bày. Đối với di sản văn hóa phi vật thể, việc số hóa nội dung các lễ hội truyền thống, phong tục tập quán, góp phần đưa di sản đến gần với công chúng một cách thiết thực, gần gũi thông qua các kênh truyền thông của đơn vị, phục vụ công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.
Số hóa các nội dung các lễ hội truyền thống, phong tục tập quán để lưu giữ và chia sẻ với công chúng.
Trải nghiệm tương tác: Tổ chức một số trưng bày sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) để tạo ra các trải nghiệm tương tác hấp dẫn, giúp khách tham quan khám phá trưng bày và tìm hiểu câu chuyện hiện vật.
Quản lý bảo tàng thông minh: Sử dụng các phần mềm quản lý để theo dõi, bảo quản hiện vật, quản lý khách tham quan và các hoạt động khác của Bảo tàng Đắk Lắk.
Nhập dữ liệu vào phần mềm quản lý di tích
Tiếp cận di sản: Sử dụng các nền tảng trực tuyến để chia sẻ thông tin về bảo tàng, hiện vật và các hoạt động của bảo tàng với công chúng, đặc biệt là những người không có điều kiện đến tham quan trực tiếp.
Đẩy mạnh truyền thông số
An toàn, an ninh mạng: Trong quá trình chuyển đổi số, việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng và chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là rất quan trọng, Bảo tàng Đắk Lắk thường xuyên kiểm tra, rà soát các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của đơn vị.
Đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực: Tập huấn cho viên chức về kỹ năng truyền thông số: Viết tin, dựng video ngắn, sáng tạo nội dung số, sử dụng công cụ AI hỗ trợ truyền thông; Xây dựng mạng lưới cộng tác viên truyền thông của đơn vị để thu thập tin, bài, hình ảnh phục vụ công tác truyền thông.
Chương trình Tập huấn Canva trực tuyến dành cho viên chức Bảo tàng Đắk Lắk
Phương án “Số hóa tư liệu, hiện vật và xây dựng hệ thống ứng dụng công nghệ đối với Bảo tàng Đắk Lắk trên nền tảng kỹ thuật công nghệ số 4.0” giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030 (giai đoạn 1) đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh đưa vào Danh mục các bài toán lớn về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của tỉnh theo Công văn số 5741/UBND-KGVX ngày 03/6/2025 của Ủy ban Nhân dân tỉnh. Đây chính là động lực mạnh mẽ để Bảo tàng Đắk Lắk đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu hiện đại hóa, nâng cao trải nghiệm khách tham quan, và bảo tồn di sản văn hóa một cách hiệu quả hơn.
Trần Hằng