VĂN HÓA UỐNG RƯỢU CẦN CỦA NGƯỜI ÊĐÊ

Rượu cần giữ vai trò là lễ vật để kính dâng lên thần linh, là vật trung gian giúp con người giao tiếp với các đấng siêu linh; là phương tiện chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với bạn bè, giao kết tình duyên đôi lứa, hẹn hò và nhắn nhủ công việc … Dù sử dụng trong thời gian, không gian nào, tục uống rượu cần cũng là một nét văn hóa đẹp trong đời sống của đồng bào dân tộc Êđê nói riêng và các dân tộc Tây Nguyên nói chung.

Theo lời kể của ông Ama Dít – Trưởng buôn Akŏ Dhông, thì trong các nghi thức cúng ở gia đình như: cúng lúa mới, cúng sức khỏe hay cúng chữa bệnh… người ta đều uống rượu cần. Trong cộng đồng có quy định số ché rượu thích hợp đi kèm với lễ vật cúng. Chẳng hạn như nếu cúng gà thì sẽ đi kèm 2 hoặc 3 ché rượu, cúng heo nhỏ 15-20 ký cùng với 3 ché rượu, heo lớn 50-60 ký thì 5 ché rượu và lễ vật cao nhất là cúng bò tương ứng với 7 ché rượu. Về phần rượu, 7 ché cũng là nhiều nhất.


Vào những dịp lễ hội, các gia đình trong buôn sẽ cùng nhau góp rượu để uống chung. Có hai hình thức góp: có thể tất cả các nhà cùng góp, mỗi nhà 1 hay 2 ché tùy theo quy định của già làng hoặc lần lượt từ nhà này đến nhà khác.


Trong lễ mừng năm mới, rượu cần được xếp thành hàng dài ở một khoảng đất trống hay bên đường - nơi tổ chức lễ hội để mọi người trong buôn cùng uống và hát hò, nhảy múa.


Trước đây, khi việc tổ chức tang lễ diễn ra ngay tại nghĩa địa thì người ta uống rượu cần ở đó. Ngày nay, tang lễ được tổ chức tại nhà thì uống rượu cần ở nhà suốt mấy ngày đêm. Trong đám cưới, tất cả rượu cần đều do nhà gái chuẩn bị và dân làng tới nhà cô dâu để thưởng thức rượu chúc mừng.


Rượu cần uống ngay trong ché, không qua chưng cất hay chắt lọc. Muốn uống rượu cần phải có sự chuẩn bị: Người ta dựng những cây cột tre cao khoảng chừng 2-3m, được trang trí thêm những tua chỉ ngũ sắc, hoa, hay những thanh gỗ nhỏ đẽo gọt các hình con thú cho đẹp và rực rỡ thêm, dùng để buộc rượu thành vòng tròn hay hàng ngang tùy theo tính chất của buổi uống rượu. Các ché rượu được buộc chặt vào từng cột để rượu không đổ ngã và còn mang ý nghĩa là đường để các Yàng xuống uống rượu chung vui.


Người Êđê hái những lá rừng không có nhựa và không độc nén chặt vào trong ché, dùng những thanh nứa hoặc tre nhỏ găm chặt lớp lá phía dưới cổ ché rượu, có nơi dùng cách xoắn lá thành một vòng tròn. Việc lót lá nhằm mục đích để khi đổ nước vào, bã rượu không bị trào ra ngoài, đồng thời tạo nên một khoảng trống từ cổ đến miệng ché. Khoảng trống này là cữ cho người uống. Mỗi cữ khoảng 1/4 lít nước. Uống hết một cữ là phải tiếp thêm nước.


Sau đó đến việc chuẩn bị cần để uống rượu. Cần rượu được làm bằng cây trúc hoặc cành tre nhỏ, dài từ 1,2 - 1,5m, được xoi thông ruột. Đầu cần là mấu đã được khoét thành khe và đục 3-4 lỗ nhỏ, đủ để rượu thấm mà không mang theo bã hoặc trấu, mỗi ché rượu chỉ dùng một cần, khi nào đám cưới mới sử dụng hai cần. Cần cắm vào ché sao cho vừa tầm của người ngồi uống và không bị tắc, đó cũng là cái khéo của người cắm cần.


Sau khi gài lá, đổ nước vào cho đầy đến miệng ché. Nước uống rượu phải là nước suối tinh khiết lấy vào buổi sáng sớm, đổ trước khi uống từ 5-7 tiếng để rượu đủ ngấm. Nước đã đổ, cần rượu đã cắm, nhưng vẫn còn một nghi thức cuối cùng: Bất cứ một cuộc rượu cần nào cũng cử ra một người điều hành (Pô gai kpiê), đây không phải là thầy cúng, chủ lễ, mà là một người có hiểu biết, lịch thiệp. Pô gai kpiê có nhiệm vụ mời ai uống trước, uống sau theo thứ tự từ già đến trẻ, nữ trước nam sau. Sau nữ chủ nhân là người khách quan trọng nhất có mặt ở buổi lễ. Người điều hành cầm cần rượu uống một ngụm rồi nhổ đi, sau đó đưa mời. Trong suốt buổi uống rượu, chiếc cần được truyền từ tay này sang tay khác, mà không được để rời ra. Nếu không uống thì dùng ngón tay cái bịt đầu cần. Người lịch sự là người được mời sẽ uống một vài hơi rồi hút ra các ống nứa hoặc ly đưa mời những người cao tuổi hoặc phụ nữ có mặt ở đó.


Ngày nay, dù có đa dạng các loại đồ uống, song rượu cần vẫn hiện hữu là một thức uống không thể thiếu trong các dịp lễ tế thần linh, những ngày hội của buôn làng và dành đãi khách. Điều quan trọng hơn cả, nét văn hóa rượu cần chứa đựng tính cố kết cộng đồng, tình yêu, sự chia sẻ, là một nét văn hóa đẹp trong đời sống của dân tộc Êđê nói riêng và các dân tộc Tây nguyên nói chung. 



Rượu cần trong lễ cưới ở Buôn Ma Thuột



Du khách thưởng thức rượu cần ở buôn Akǒ Dhǒng



Ông bà chủ nhà uống rượu cần trao nhau trong lễ cúng Ché ở Buôn Tai, xã Krông Jing, huyện M’đrắk










Hoài My