THƯ VIỆN BẢO TÀNG ĐẮK LẮK RA MẮT QUÝ BẠN ĐỌC NHỮNG QUYỂN SÁCH HAY THÁNG 4 NHÂN NGÀY SÁCH VÀ VĂN HÓA ĐỌC VIỆT NAM 21/4/2022
Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4/2022, Thư viện chuyên ngành Bảo tàng Đắk Lắk trân trọng giới thiệu đến Quý độc giả những quyển sách hay viết về văn hóa Tây Nguyên nói chung và văn hóa con người Đắk Lắk nói riêng.
1. Bơ Thi - cái chết được hồi sinh
Cuốn sách được Nhà xuất bản Thế giới xuất bản năm 2007, do tác giả Ngô Văn Doanh nghiên cứu trong nhiều năm về lễ bỏ mả và tượng nhà mồ của dân tộc Giarai và Bana, nội dung được chia làm 2 phần:
Phần thứ nhất: Bơ thi - đặc sắc lễ hội
Phần thứ hai: Bơ thi - đặc sắc những truyền thống nghệ thuật.
Lễ bỏ mả của người Giarai và Bana cũng như của một số tộc người khác ở Tây Nguyên là một trong những sắc thái văn hóa độc đáo nhất của cả vùng cao nguyên hùng vĩ của đất nước. Tiếng nhạc cồng chiêng trầm hùng, những điệu múa trang trọng lưu luyến, những ngôi nhà mồ hoành tráng uy nghi, những pho tượng mồ trầm tư, những bữa ăn cộng cảm với những món ăn truyền thống, những bài cúng lâm ly tràn đầy chất văn nghệ dân gian… như những mảng màu trong bảng màu đa sắc sống động của lễ hội bỏ mả, đang và sẽ còn tô điểm cho bức tranh văn hóa dân gian đậm đà chất trữ tình và chất sử thi của văn hóa Tây Nguyên.
Một trong những giá trị quan trọng nhất của cuốn sách, đó là tác giả đã cung cấp cho người đọc những nguồn tư liệu vô cùng quý giá được sưu tầm từ chính quá trình điền dã nghiên cứu trên thực địa trong một thời gian dài và liên tục của tác giả. Điều ấy càng có ý nghĩa hơn nữa khi mà lễ hội bỏ mả, cũng như nhiều lễ hội khác của các dân tộc Tây Nguyên hiện nay không còn lưu giữ được một cách toàn vẹn những dấu ấn cổ sơ của nó.
2. Rừng người Thượng - Vùng rừng núi cao nguyên Miền Trung Việt Nam
Cuốn sách của tác giả người Pháp Henri Maitre (1905-1911), dịch giả Lưu Đình Tuân, do Nhà xuất bản Tri thức xuất bản năm 2009
Cuốn sách “Rừng người Thượng - Vùng rừng núi cao nguyên Miền Trung Việt Nam” xuất bản lần đầu tiên bằng tiếng Việt, được viết dựa trên những ghi chép của tác giả Henri Maitre, trình bày một cách khách quan về rừng núi, và trên hết “nó là tác phẩm đầu tiên muốn thực hiện một công trình vô giá, quan trọng nhưng rất khó khăn là phân loại các tộc người ở vùng đất cao nguyên này”.
Henri Maitre đến với mảnh đất này vừa để phục vụ cho công việc là bình định người Thượng nhưng cũng bởi ông có đam mê khám phá vùng cao nguyên, nghiên cứu người Thượng. Trong con người Henri Maitre có sự giằng xé cao độ. Từ đây, hình thành bên trong từng trang viết của ông hơn cả sự bình định là một tình yêu, niềm say mê chân thành tới đối tuợng nghiên cứu của tác giả.
Trong những chuyến “du hành” của mình, ông đã thu thập được một khối lượng tài liệu lớn về thiên nhiên, hệ thống núi non trùng điệp, sông ngòi chằng chịt, hệ thống thực vật, động vật phong phú…của khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên, tất cả đều được quan sát bằng một con mắt chăm chú và tinh tế, được mô tả vừa bao quát vừa tỉ mỉ, chi tiết đến kinh ngạc, hết sức khách quan mà vẫn không giấu được một cảm xúc say mê nhiều khi đến lãng mạn, chặt chẽ khoa học mà lôi cuốn như một bút ký dân tộc học và văn học đặc sắc.
3. Rừng, Đàn Bà, Điên Loạn đi qua miền mơ tưởng Giara
“Rừng, Đàn Bà, Điên loạn đi qua miền mơ tưởng Giarai” được Nhà xuất bản Tri Thức xuất bản năm 2018.
Cuốn sách do Nhà nhân học người Pháp Jacques Dournes (1922-1993) - bút danh Dam Bo viết, dịch giả Nguyên Ngọc dịch.
Tác giả dẫn người đọc vào một hành trình thật tập trung: Cuộc du ngoạn vào “miền mơ tưởng Giarai”, đi qua hàng trăm huyền thoại của họ; và ông nói rõ với người đọc rằng, ở đây “không phải là những huyền thoại tầm nguyên”, tức những huyền thoại về nguồn gốc của con người, giống loài người, hay của dân tộc, mà là những huyền thoại về cái hiện tại, là những mộng mị của những con người đang sống hôm nay, đang hằng ngày sống một cuộc sống kép, vừa “trải nghiệm” lại vừa mộng mị “đồng thời”, đang hàng ngày “tiếp tục sáng tạo ra huyền thoại”. Con người bị vây bọc bởi rừng, từ khi chưa là con người... cho đến khi không còn là con người nữa.
Bản Việt ngữ in lần đầu năm 2001. Lần tái bản này có chỉnh sửa và bổ sung: thư mục tham khảo, bảng đối chiếu…
Cuốn sách dành cho độc giả quan tâm đến Tây Nguyên, văn hóa Tây Nguyên, các nhà nghiên cứu nhân học, dân tộc học, xã hội học và dân sưu tầm.
4. Các dân tộc Tây Nguyên
"Các dân tộc Tây Nguyên" được Nhà xuất bản Thế giới xuất bản năm 2018. Cuốn sách do nhóm tác giả Nguyễn Văn Kự, Lưu Hùng, Lê Văn Thao, Lương Thanh Sơn xây dựng công phu, cẩn trọng. Đây là cuốn sách ảnh, phản ánh trung thực cuộc sống ở các buôn làng, các cộng đồng tộc người, cả trước kia và hiện đại, cuốn sách phản ánh nhiều khía cạnh hiện trạng cuộc sống và văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên, đồng thời qua đó giúp độc giả tìm hiểu về vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cổ truyền...
Cuốn sách được thực hiện rất công phu, dày hơn 260 trang với 475 bức ảnh giới thiệu về 11 dân tộc ở Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Đó là các dân tộc Bana, Brâu, Churu, Cơho, Êđê, Giarai, Gié - Triêng, Mạ, Mnông, Rơmăm và Xơđăng.
5. Đặc trưng văn hóa vùng Tây Nguyên
Bằng lối tiếp cận đơn giản, dễ hiểu, bộ sách đặc trưng văn hóa vùng sẽ giúp bạn đọc có một cảm nhận xuyên suốt về văn hóa các vùng miền Việt Nam. Bộ sách gồm 7 tập:
Tập 1: Đặc trưng văn hóa vùng Tây Bắc;
Tập 2: Đặc trưng văn hóa vùng Đông Bắc;
Tập 3: Đặc trưng văn hóa vùng Đồng Bằng Sông Hồng;
Tập 4: Đặc trưng văn hóa vùng Bắc Trung Bộ;
Tập 5: Đặc trưng văn hóa vùng Nam Trung Bộ;
Tập 6: Đặc trưng văn hóa vùng Tây Nguyên;
Tập 7: Đặc trưng văn hóa vùng Nam Bộ;
Quyển sách là kết quả của các chuyến điều tra điền dã dân tộc học kết hợp với nguồn tài liệu thống kê ở Trung ương và các địa phương, bên cạnh đó nhóm tác giả có sử dụng nguồn tư liệu đã công bố trên các sách báo, tạp chí và Internet.Tuy chưa đầy đủ, nhưng qua các trang viết của cuốn sách hy vọng phần nào cung cấp cho bạn đọc những nét đặc trưng nhất của văn hóa vùng, miền.
Quyển sách là kết quả của các chuyến điều tra điền dã dân tộc học kết hợp với nguồn tài liệu thống kê ở Trung ương và các địa phương, bên cạnh đó nhóm tác giả có sử dụng nguồn tư liệu đã công bố trên các sách báo, tạp chí và Internet. Tuy chưa đầy đủ, nhưng qua các trang viết của cuốn sách hy vọng phần nào cung cấp cho bạn đọc những nét đặc trưng nhất của văn hóa vùng, miền.
6. Nghề thủ công truyền thống các dân tộc Tây Nguyên
Cuốn sách “Nghề thủ công truyền thống các dân tộc Tây Nguyên” của tác giả: Linh Nga Niê Kdam, được Nhà xuất bản Văn Học xuất bản năm 2010
Cuốn sách này giúp bạn đọc tìm hiểu sâu về các nghề thủ công truyền thống, các làng nghề mà thông qua đó có thể hiểu thêm về nền văn minh nương rẫy đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên, vai trò của các nghề thủ công truyền thống trong cộng đồng mỗi tộc người, đồng thời nhấn mạnh đến thực trạng của các nghề này trong một xã hội đang phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay.
Trân trọng giới thiệu đến Quý độc giả!
Trần Nguyệt