SƯU TẬP VÒNG ĐỒNG PHÁT HIỆN TRONG TRỐNG ĐỒNG Ở BẢO TÀNG ĐẮK LẮK

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện được 16 trống đồng. Trong đó, 14 trống lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Đắk Lắk, 01 trống ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam và 01 trống ở Bảo tàng Phú Yên.

Các trống đồng phát hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hầu hết đã bị vỡ nát và chỉ còn mặt trống là tương đối nguyên vẹn. Điểm đáng lưu ý là trong lòng một số trống còn tìm thấy các vòng đồng mang phong cách Đông Sơn, niên đại tương đương với các trống. Bài viết này, chúng tôi hệ thống và giới thiệu các di vật như sau:


Trống đồng Hòa An phát hiện ở huyện Krông Pắc, trong lòng trống còn có 21 mảnh trang sức bằng đồng. Hoa văn trang trí trên các bản vòng phong phú, gồm: Hoa văn hình xoắn ốc, khắc vạch, dạng bông lúa, hình chữ S, văn thừng, đường tròn tiếp tuyến. Tất cả các mảnh vòng đều phủ lớp patin màu xanh. Trong số 21 mảnh trang sức bằng đồng, có: 04 mảnh có mặt cắt ngang hình tròn (đường kính 5.0mm), hoa văn trang trí có dạng xoắn ốc, khắc vạch, viền ngoài có hoa văn dạng bông lúa (Ảnh 3); 03 mảnh có mũi nhọn, hoa văn khắc vạch, xoắn tròn, hình chữ S, hoa văn thừng, bản rộng 14mm (Ảnh 2); 14 mảnh có bản bè rộng (không có mấu), hoa văn đường tròn tiếp tuyến, văn thừng và xoắn ốc (Ảnh 1).




Trống Ea Pan phát hiện ở huyện Ea Kar, trong lòng trống tìm thấy 16 mảnh vòng đồng, có tiết diện dẹt, rộng trung bình 1,5cm (Ảnh 4, 5, 6). Bề mặt ngoài của các mảnh vòng trang trí các nửa vòng tròn với nhiều rãnh đồng tâm đối xứng nhau theo chiều ngang và liên tiếp theo chiều rộng; vài mảnh có 01 đầu gai nhọn như gai gạo hoặc đầu củ ấu, gần giống với các vòng trang sức của các tượng điêu khắc về vũ nữ của các kiến trúc Chăm.


Trống Chư Yang I phát hiện ở Ea Kar, trong lòng trống phát hiện 01 vòng tay bằng đồng nhưng đã bị gãy đôi; mặt cắt ngang hình tròn; bên ngoài có trang trí hoa văn hình xoắn trôn ốc (Ảnh 7).


Trống Điện Bàn 3 phát hiện ở Ea Kar, trong lòng trống phát hiện 02 vòng tay bằng đồng, trong vẫn còn xương cổ tay; bên ngoài phủ lớp patin dày màu xám xanh. Hai vòng này có đường kính 6,5cm - 7cm, rộng bản 2,5 - 2,8cm; mặt ngoài trang trí hoa văn hình xoắn ốc (Ảnh 8).



Một vài nhận xét


1. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện khoảng 20 địa điểm thuộc thời đại Kim khí, trong đó có 06 địa điểm được khai quật. Các dấu vết rõ nét về kỹ nghệ luyện kim, đúc đồng thật sự còn mờ nhạt, song dựa vào các sưu tập đồ đồng hiện biết (như trống đồng, rìu đồng) cho thấy Đắk Lắk cùng với Kon Tum là hai trung tâm kim khí lớn ở Tây Nguyên.  


2. Nét riêng độc đáo về thời đại Kim khí ở Đắk Lắk chính là sự có mặt của 218 hiện vật đồng được đúc ở địa điểm Ea H’ning (Krông Ana), cùng sưu tập trống đồng Đông Sơn, các khuôn đúc đồng, sưu tập vòng đồng, sưu tập đồ sắt đã minh chứng cho cư dân tiền sử Đắk Lắk đã biết đến và phát triển nghề luyện kim, đúc đồng.


3. Sưu tập đồ trang sức bằng đồng, rìu đồng hay trống đống đều mang dấu ấn văn hóa Đông Sơn. Điều đó cho thấy, trong thời đại Kim khí, cư dân cổ Đắk Lắk đã có mối giao thoa văn hóa với các tộc người cùng cộng cư trong khu vực. Đặc biệt là vùng duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ Việt Nam và xa hơn nữa là các tộc người Việt cổ ở phía Bắc Việt Nam.



4. Đến nay, các dân tộc tại chỗ ở Đắk Lắk, như: Êđê, Mnông, Gia rai vẫn sử dụng phổ biến vòng đồng; đây là kỷ vật phục vụ cho lễ hiến sinh hay kết nghĩa anh em, bạn bè. Chính vì vậy, việc tìm hiểu “gạch nối” của tục sử dụng vòng đồng chôn cùng trống làm đồ tùy táng cho người chết có mối liên hệ gì đến các cộng đồng tại chỗ hiện nay là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu và lời giải đáp thỏa đáng.


Phạm Bảo Trâm