SỬ THI - GIÁ TRỊ VĂN HÓA VÔ GIÁ CỦA NGƯỜI ÊĐÊ

Dân tộc Êđê nổi tiếng với sử thi Đam San, Xinh Nhã..., đó là những câu chuyện kể dài, có vần, điệu, thậm chí còn được diễn tả hoặc minh họa bằng động tác, hành động. Sử thi Êđê là sản phẩm đích thực của nền văn minh nương rẫy.

Bảo tàng Đắk Lắk đang lưu giữ số lượng sử thi khá nhiều, nổi bật có các sử thi Đam San, Đăm Di, Khĭng Yŭ, Mdrǒng Dăm, chàng Đăm Tiông, Hbia Mlĭn, Đăm Tiông, Đăm Băng Mlan, Đăm Trao – Đăm Rao,...



Sử thi Êđê đang lưu giữ tại thư viện của Bảo tàng Đắk Lắk

 

Sử thi Êđê phần lớn đều có nguồn gốc dân gian, tồn tại dưới dạng truyền miệng hoặc văn bản. Nội dung chủ yếu ca ngợi, tôn vinh những người có công với cộng đồng buôn làng; đề cao sự sáng tạo, sự mưu trí tài giỏi, ca ngợi tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau lúc khó khăn hoạn nạn, đề cao chính nghĩa, phản kháng những điều trái với đạo lý, luật tục; đề cao cái đẹp về sức mạnh hình thể lẫn tâm hồn. Sử thi còn ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, mong muốn chinh phục thiên nhiên. Ngoài ra, sử thi còn miêu tả cuộc sống sinh hoạt, lao động bình dị trong buôn làng; thể hiện những nguyện vọng, ước mơ chính đáng của con người về một thế giới tốt đẹp hơn giữa người với người, với thế giới tự nhiên và với các đấng thần linh...

Một số sử thi của người Êđê được in thành sách văn học để giảng dạy trong một số trường đại học. Người Êđê gọi sử thi là klei khan. Klei nghĩa là lời, bài; khan nghĩa là hát kể. Klei khan là loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian đã có từ lâu đời của cộng đồng người Êđê, là một hình thức kể chuyện tổng hợp thông qua hát kể, truyền miệng.

Nghệ nhân hát kể sử thi được người Êđê gọi là pô khan. Pô nghĩa là thầy, là chủ, là người thạo việc; khan là chuyện xưa. Họ được coi trọng vì theo tín ngưỡng dân gian, đó là những người được thần linh ban cho khả năng độc đáo, được coi là “báu vật sống” của dân tộc, là nghệ sỹ tổng hợp, là người sáng tạo tác phẩm, đạo diễn các tình huống, cũng là diễn viên tài năng, có thể diễn giọng nữ, giọng nam, giọng con quỷ, giọng thần tiên... đồng thời là người bình luận tính cách hay diễn biến câu chuyện... Họ chính là người tạo ra nhiều dị bản của sử thi Êđê, nên sử thi Êđê phát triển thành cả một kho tàng khuyết danh, đúng nghĩa là những sáng tạo dân gian, giàu có và phong phú.



Nghệ nhân Y Đhin Niê và Y Wang Hwing (Buôn Triă, xã Êa Tul, huyện Čư M’gar) trình diễn tại buổi khai giảng lớp truyền dạy sử thi, kể khan Êđê - năm 2017

Để diễn xướng được Sử thi, ngoài năng khiếu bẩm sinh, nghệ nhân còn được tiếp nhận theo kiểu cha truyền, con nối hoặc trong một gia đình có ông, bà là những người biết diễn xướng sử thi. Ngoài ra, họ còn có ý thức học hỏi những sử thi khác từ những nghệ nhân giỏi trong buôn, trong vùng. Ngôn ngữ diễn xướng của sử thi Êđê là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lời và nhạc. Về phần lời, sử thi Êđê đều thể hiện một hình thức ngôn ngữ đặc biệt là lời nói vần (klei duê). Trong khi diễn xướng, nghệ nhân còn vận dụng các làn điệu dân ca của dân tộc mình, như: Ayray, kưưt, mmuin… để tạo nên nhịp điệu vừa có chất thơ vừa có chất nhạc. Sử thi thường được diễn xướng trước đám đông, tại các địa điểm: Trong chòi, ở trên rẫy, trong lễ bỏ mả và trong gian khách của ngôi nhà dài. Sử thi là một cốt truyện dài được các nghệ nhân hát kể, kết nối các sự kiện một cách linh hoạt, sáng tạo và sinh động, tạo sự thống nhất về nội dung và có sức lôi cuốn người nghe, vì thế một sử thi có thể được hát kể nhiều ngày đêm mới kết thúc.


Giờ đây, không gian diễn xướng sử thi đã không còn đầy đủ như trước. Nhà dài của đồng bào đã được thay dần bằng nhà kiên cố bê tông cốt thép; chòi rẫy không còn vì phương thức canh tác đã thay đổi... Các nghi lễ, lễ hội như lễ bỏ mả, lễ cưới, lễ rước kpan, lễ mừng nhà mới… được tổ chức đơn giản, thậm chí có nơi không còn thực hiện nên mất đi tính thiêng, tính hội của chúng. Bên cạnh đó, nghệ nhân biết kể Khan còn lại không nhiều, nhiều nghệ nhân tài giỏi không còn đủ sức khỏe để truyền dạy cho thế hệ trẻ. Hơn nữa, người nghe không có nhu cầu như trước, nên các buổi sinh hoạt văn hóa kể sử thi trong buôn hiện nay dần mai một. Lớp trẻ hiện nay không thực sự quan tâm đến nền văn hóa truyền thống của dân tộc mình mà chỉ thích nghe nhạc trẻ trên các phương tiện truyền thông hiện đại khác như internet, phim, ảnh,… . Sử thi Êđê đang dần mai một và đứng trước nguy cơ biến mất trong đời sống ở các buôn làng Tây Nguyên. Những nghệ nhân còn nặng lòng với sử thi cho rằng muốn bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể quý báu này, cần tổ chức và nhân rộng các lớp truyền dạy hát kể sử thi cho thế hệ trẻ; tạo môi trường để các nghệ nhân có điều kiện thể hiện khả năng diễn xướng sử thi.



Buổi khai giảng lớp truyền dạy sử thi, kể khan Êđê - năm 2017



Bảo tàng Đắk Lắk tiếp nhận đĩa phim tài liệu về Truyền dạy Sử thi Êđê ở Đắk Lắk, do Đoàn cán bộ của Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Nghiên cứu Văn hóa trao tặng.


Hiện nay để bảo tồn và phát huy giá trị của sử thi Êđê, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian Việt Nam, Viện Văn hóa Nghệ thuật… thực hiện dự án điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên. Phục hồi các lễ hội, không gian diễn xướng, tạo môi trường để hát kể sử thi phát triển. Khi tiếng hát kể sử thi vang lên hàng ngày trong nhà dài của người Êđê, nó sẽ từng bước ăn sâu vào tâm trí cộng đồng người Êđê trẻ tuổi, tạo ra một lớp người nghe, người kể sử thi mới, để hát kể và để sử thi tồn tại mãi trong cộng đồng dân tộc Êđê.



Hoài My