PHÁT HIỆN DẤU TÍCH ĐÁ CŨ Ở HUYỆN EA H’LEO VÀ HUYỆN EA KAR, TỈNH ĐẮK LẮK
Tháng 7/2023, Bảo tàng Đắk Lắk phối hợp với Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên tiến hành khảo sát một số địa điểm, phát hiện dấu tích đá cũ ở huyện Ea H’leo và Ea Kar
Tại huyện huyện Ea H’leo: Tiến hành khảo sát địa điểm Ea Sol. Di tích phân bố trên bề mặt một ngọn đồi thoải thuộc Buôn Chăm, xã Ea Sol, huyện Ea H’leo, cách UBND xã Ea Sol khoảng 9km về phía Bắc. Tọa độ địa lý: 13°18’59,9” vĩ độ Bắc, 108° 19’ 04,4” kinh độ Đông, cao 434 m so với mực nước biển. Đỉnh đồi cao khoảng 3m so với chân đồi. Ngọn đồi bị xẻ dọc theo chiều Bắc - Nam bởi đường tỉnh lộ 15. Địa điểm nằm về phía Nam, cách sông Ea Hiao khoảng 2km về phía Bắc, phân bố trên diện tích khoảng 2,5 ha.
Hiện vật phát hiện trên bề mặt và vách taluy bao gồm các loại hình: công cụ ghè thô một rìa lưỡi, mũi nhọn gãy, chỉ còn phần đầu, chopping - tool dạng bôn tay. Các hiện vật có kích thước lớn, bề mặt phong hóa, được chế tạo từ cuội chất liệu đá Quartz, với kỹ thuật ghè thô, tạo rìa lưỡi hình dích dắc hoặc mũi nhọn kẹp giữa hai rìa lưỡi. Lớp vỏ cuội và hình dáng viên cuội được tận dụng tối đa trong quá trình chế tác và sử dụng công cụ.
Các hiện vật đá cũ tại điểm Ea Sol, huyện Ea H’leo
Trên đường khảo sát huyện Ea Kar: phát hiện trên trục đường liên xã từ xã Ea Pal qua xã Ea Ô một số công cụ đá trên vệ đường. Khối lượng đất đá để làm đường này được lấy từ một ngọn đồi, nằm đối diện thung lũng lưu vực sông Krông Pắc, cách địa điểm đã phát hiện dấu tích đá cũ Ea Ô 1 (thôn 3B, xã Ea Ô, được phát hiện năm 2022) khoảng 3km theo đường chim bay. Quá trình kiểm tra nhận thấy: trên vách núi xuất lộ tầng sỏi cuội dày 1-1,2m, có thành phần thạch học chủ yếu là cuội sạn sỏi lẫn cát bột và cấu tạo địa tầng tương tự di tích Ea Ô 1. Trong vách taluy và rải rác quanh chân núi, đoàn khảo sát đã thu thập được 6 hiện vật khảo cổ, bao gồm: công cụ ghè thô một rìa, đầu mũi nhọn gãy và hạch đá. Tọa độ điểm phát hiện: 12°42’9.9” vĩ độ Bắc và 108°30'20.3" kinh độ Đông.
Hiện vật tại địa điểm Thôn 3B, xã Ea Ô
Căn cứ vào không gian phân bố, cấu tạo địa tầng, đặc điểm hiện vật khảo cổ bước đầu cho thấy các di tích thời đại Đá cũ tại huyện Ea Kar và huyện Ea H’leo có sự tương đồng nhất định với các di tích thời đại Đá cũ phân bố dọc lưu vực sông Ba trên địa bàn tỉnh Gia Lai và có mối liên hệ với kỹ nghệ An Khê. Kết quả khảo sát đã nâng tổng số di tích thời đại Đá cũ đã phát hiện tại tỉnh Đắk Lắk đến thời điểm hiện tại gồm 04 di tích, bao gồm: di tích Ea Ô 1 (thôn 3b, xã Ea Ô, huyện Ea Kar), di tích Cư Ni (thôn 23, xã Cư Ni, huyện Ea Kar), di tích Ea Ô 2 (thôn 3a, xã Ea Ô, huyện Ea Kar) và di tích Ea Sol (buôn Chăm, xã Ea Sol, huyện Ea Kar). Việc phát hiện các địa điểm khảo cổ đá cũ tại huyện Ea H’leo và Ea Kar mở ra tiềm năng nghiên cứu, nhận thức mới về thuở khởi thủy lịch sử tỉnh Đắk Lắk.
Quang Năm, Tiến Đức, Bảo Trâm, Đắc Tứ