NHỮNG QUYỂN SÁCH HAY VỀ ÂM NHẠC CỒNG CHIÊNG TẠI THƯ VIỆN CHUYÊN NGÀNH BẢO TÀNG ĐẮK LẮK

Tây Nguyên vùng đất huyền ảo với những câu chuyện sử thi, truyền thuyết, những chén rượu cần, những lễ hội bập bùng ánh lửa và tiếng cồng chiêng vang động núi rừng. Đến với Bảo tàng Đắk Lắk, bên cạnh tham quan trưng bày, du khách có thể tìm đọc những cuốn sách hay tại Thư viện chuyên ngành.

Để tìm hiểu sâu hơn về không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - di sản văn hóa quý báu của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, xin mời quý độc giả tìm đọc:


Cuốn sách “Di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” của nhóm tác giả: Nguyễn Khắc Sử, Phan Thanh Toàn, Trần Lâm Biền,… được Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc phát hành năm 2017, gồm 510 trang và được in trên khổ 16x24cm. Nội dung cuốn sách chia làm 3 phần chính:

Phần I: Bối cảnh vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Phần II: Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Phần III: Để cồng chiêng Tây Nguyên vang mãi tới mai sau.

Qua cuốn sách này, bạn đọc sẽ hiểu đầy đủ hơn những giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ gắn bó mật thiết trong cuộc sống thường ngày của người dân Tây Nguyên mà còn là tiếng nói của tâm linh, diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong đời sống lao động và sinh hoạt của họ.



Cuốn sách “Văn hóa cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên” của tác giả Đào Huy Quyền, do Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin xuất bản năm 2010, gồm 468 trang. Giới thiệu về âm nhạc cồng chiêng của các dân tộc Bắc Tây Nguyên và Nam Tây Nguyên, từ hình thức cấu tạo, thang âm,…và vai trò của cồng chiêng trong đời sống văn hóa của họ.



Có thể nói rằng, cồng chiêng gắn liền với các nghi lễ, lễ hội của cộng đồng. Thể hiện bản sắc và sức sống của các dân tộc trên núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Chính vì thế, việc bảo tồn, kế thừa và phát huy nền văn hoá cồng chiêng của các dân tộc bản địa Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung rất cần được quan tâm, coi đây là một nội dung quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền Văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.


Cuốn sách “Bảo vệ không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể nhân loại”: Kỷ yếu hội thảo khoa học, do tác giả GS.TS Tô Ngọc Thanh, xuất bản năm 2007, NXB Văn hóa Thông tin. Cuốn sách giới thiệu 27 bài tham luận và phát biểu phản ánh đúng thực trạng và từ đó tìm ra giải pháp phù hợp để bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng trong đời sống hiện tại ở Tây Nguyên.



Khi đến Thư viện chuyên ngành của Bảo tàng Đắk Lắk, bên cạnh việc tìm hiểu những quyển sách về di sản cồng chiêng, quý khách còn có thể khám phá các bộ sưu tập cồng chiêng được trưng bày tại phòng Âm nhạc Cồng chiêng và tại kho Bảo quản. Sưu tập gồm 15 bộ chiêng với tổng số 163 đơn vị hiện vật.



Di sản văn hóa của người Tây Nguyên rất độc đáo với những nét văn hóa, phong tục tập quán và truyền thống mang hơi thở của núi rừng cao nguyên hùng vĩ. Người dân nơi đây sử dụng cồng chiêng để thể hiện tấm lòng của mình với thần linh, với thiên nhiên, trò chuyện tâm tình với cộng đồng và cũng để thủ thỉ với chính mình. Với ý nghĩa đó, Bảo tàng Đắk Lắk là địa chỉ tin cậy giúp công chúng khám phá, tìm hiểu, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Trần Nguyệt