NHÀ ĐÀY BUÔN MA THUỘT VÀ PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CỦA CÁC CHIẾN SĨ CỘNG SẢN TRUNG KIÊN

Nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2021), Bảo tàng Đắk Lắk trân trọng giới thiệu đến công chúng quá trình đấu tranh cách mạng, công lao to lớn của các chiến sỹ cộng sản trung kiên tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Tại Đắk Lắk, trước năm 1930, chính quyền thực dân Pháp thiết lập tại thị xã Buôn Ma Thuột một Nhà lao tỉnh (Prison Provinciale) để giam giữ tù thường phạm và giam cầm, thủ tiêu những người yêu nước chống ách thống trị của chúng. Sau cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930 – 1931, số lượng tù chính trị tăng cao, Nhà lao tỉnh không thể chứa hết số tù mới, Khâm sứ Trung Kỳ đã lệnh xây thêm nhà đày ở Đắk Lắk.


Nhà đày Buôn Ma Thuột được xây dựng với mục đích: đày biệt xứ và giam giữ những người yêu nước, những đảng viên cộng sản bị bắt, bị xử án nặng ở các tỉnh Trung Kỳ. Nơi đây chủ yếu giam giữ những người tù chính trị được xếp vào danh sách những kẻ nguy hiểm đối với thực dân Pháp.


Ngay đầu năm 1930, Khâm sứ Trung kỳ Saten đã gửi điện và thư cho Công sứ Đắk Lắk lệnh phải xây dựng một nhà đày có khả năng trước mắt giam khoảng 200 tù nhân, sau đó sẽ tăng lên khoảng 600 tù nhân. Địa điểm được lựa chọn nằm ở phía Đông thị xã, cách trại lính khố xanh chỉ khoảng 300m, gần tòa Công sứ, gần nhà lao tỉnh, giao thông đi lại thuận lợi cho việc quản lý tù nhân. Nhà đày Buôn Ma Thuột được xây dựng theo bản thiết kế và kế hoạch xây dựng do kỹ sư trưởng, Giám đốc Công chính Trung kỳ soạn thảo.


Đến cuối tháng 11/1931 đã hoàn thành công việc xây dựng kiên cố Nhà đày Buôn Ma Thuột. Từ đó về sau, việc gia cố Nhà đày vẫn được tiến hành qua các thời kỳ. Ngoài ra, còn có các nhà đày phụ trên các công trường làm đường ở Km 5, Km 24, Km 27 và Km 33. Đến thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai, chính quyền thực dân Pháp lại lập thêm trại giam Đắk Mil. Tất cả tạo thành một hệ thống liên hoàn, bao gồm Nhà đày chính, nhà lao tỉnh và các trại tập trung.


Một điểm đặc biệt khác với những nhà tù, nhà đày khác là khi thực dân Pháp cho xây dựng Nhà đày Buôn Ma Thuột, chúng đã khai thác triệt để công sức của tù nhân, xây dựng Nhà đày để giam giữ chính họ. Ngoài việc tận dụng sức lực của tù nhân vào mục đích kinh tế, chúng còn nhằm hành hạ họ cả về thể xác lẫn tinh thần, làm cho cho tù nhân kiệt sức mà rã rời ý chí đấu tranh, từ bỏ lý tưởng cách mạng. Tù nhân chỉ được ăn cơm hẩm, gạo mốc, cá khô mục nát chỉ còn da với xương. Làm lụng vất vả mỗi ngày từ 11 – 12 giờ, bị đánh đập, ốm đau không có thuốc, không được nghỉ ngơi, các bệnh hiểm nghèo như đau phổi, phù thũng, kiết lỵ, đái ra máu, ... đã đưa hàng trăm người tù đi an nghỉ nơi rừng xanh, núi thẳm, nhất là bệnh đái ra máu, 99,9% người bệnh này đều về nơi chín suối.


Cuộc đấu tranh của tù chính trị trong Nhà đày Buôn Ma Thuột bắt đầu diễn ra ngay từ những năm đầu được xây dựng (1930). Cuộc đấu tranh trở nên quyết liệt khi các đoàn tù cộng sản từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định, Phan Thiết,… bị đày lên đây nhằm chống đánh đập và cải thiện chế độ ăn uống tồi tệ. Các chiến sĩ cách mạng đã sáng tạo ra nhiều cách để liên lạc với nhau thông qua những vật dụng thường ngày như: đôi đũa, chiếc muôi đã được khoét lõi để giấu tài liệu bên trong; đôi guốc gỗ giấu sẵn tiền, thuốc men và những giấy tờ cần thiết bên dưới đế để chuẩn bị cho những cuộc vượt ngục…


Tháng 10/1932, tổ chức đầu tiên nhằm tập hợp tù nhân ở Nhà đày Buôn Ma Thuột được hình thành, được sự đồng tình và giúp đỡ của y tá Nhà đày, một số tù nhân bí mật gặp nhau trong trạm y tế Nhà đày để tổ chức “Hội tương trợ”. Hội đã phát triển rộng khắp và là tổ chức có tính chất quần chúng đầu tiên trong Nhà đày Buôn Ma Thuột do những người tù cộng sản chỉ đạo bí mật.


Năm 1933, phong trào cách mạng trong nước đang gặp khó khăn, nhiều cơ sở tổ chức đảng chưa được khôi phục. Sau khi những buổi kể chuyện bị thực dân Pháp theo dõi, người kể chuyện bị đánh đập, phạt giam xà lim thì sự liên lạc giữa các tù nhân trở nên khó khăn. Tù chính trị đã nghĩ ra cách làm nhiều báo chép tay để chuyền nhau đọc. Ngoài tờ báo Yuăn - Êđê còn có một số tờ báo chép tay khác xuất hiện như: Tù Nhân, Xiềng Xích, Xích Sắt, Áo Xanh… qua đó tuyên truyền cổ vũ cho các phong trào đấu tranh.


Ngày 20/7/1936, Khâm sứ Trung Kỳ ra lệnh cho Bộ hình Nam Triều chuyển hết toàn bộ tù chính trị từ Lao Bảo lên Buôn Ma Thuột.


Ngày 01/9/1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, vài tháng sau đó chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương điên cuồng bắt bớ, giam cầm hàng ngàn chiến sĩ cộng sản, Nhà đày Buôn Ma Thuột được mở rộng và gia cố vững chắc hơn cho phù hợp với tình hình mới, số tù nhân tăng lên nhiều do được chuyển từ miền Trung lên, họ bị đánh đập, quản thúc rất dã man, nghiêm ngặt.


Ngày 22/6/1940, Pháp đầu hàng phát xít Đức, lợi dụng tình thế đó, Nhật nhảy vào Đông Dương. Số lượng tù nhân tại Nhà đày Buôn Ma Thuột tăng lên nhanh chóng do địch chuyển nhiều đoàn tù từ các tỉnh miền Trung lên. Do đó, nhiều vấn đề mới đặt ra thuộc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng trong tình hình mới. Công tác tổ chức nội bộ, huấn luyện, đào tạo cán bộ ở đây càng được đẩy mạnh theo nội dung và yêu cầu mới của cuộc đấu tranh trong Nhà đày nhằm chuẩn bị lực lượng đón thời cơ tham gia giành chính quyền.


Vào khoảng cuối năm 1940, để đáp ứng yêu cầu trên, một số tù nhân cũ và mới liên hệ với nhau lập một tổ chức bí mật gọi là “Lực lượng trung kiên” của Nhà đày. Tuy không gọi là Chi bộ Đảng, nhưng lực lượng này trên thực tế đã đóng vai trò một Chi bộ cộng sản. Số thành viên của “Lực lượng trung kiên” có lúc mới thành lập có 10 đồng chí, đến tháng 4/1945 đã có hơn 100 đảng viên.


Việc hình thành Chi bộ Đảng trong Nhà đày Buôn Ma Thuột là một mốc son lịch sử vô cùng quan trọng của Đảng bộ Đắk Lắk nhằm chuẩn bị mọi mặt để lãnh đạo đồng bào các dân tộc trong tỉnh đoàn kết đứng lên làm cuộc cách mạng tháng Tám (24/8/1945) thành công ở Đắk Lắk. Nhờ vậy hệ thống tổ chức của tù nhân trong Nhà đày càng được củng cố chặt chẽ. Nhiều cuộc đấu tranh đã nổ ra để chống việc bớt xén khẩu phần ăn, phản đối lao động khổ sai, phản đối đánh đập tù nhân. Tuy bị đàn áp đẫm máu nhưng cũng buộc bọn cầm quyền ở đây phải nhượng bộ một số yêu cầu. Qua đấu tranh, tinh thần cách mạng và lòng tin của tù nhân vào sức mạnh tập thể được nâng cao, tạo đà cho các cuộc đấu tranh tiếp theo phát triển ở mức độ cao hơn.


Ngoài những tổ chức trên còn có Ban thương lượngmột tổ chức công khai hình thành từ mỗi lao đến toàn Nhà đày, do toàn thể tù nhân cử ra, đại diện cho tù nhân, đảm nhiệm công việc tự quản về các mặt sinh hoạt trong Nhà đày Buôn Ma Thuột. Khi có việc xảy ra, tùy theo tính chất của nó, tù nhân cử ra một số tổ chức nhất thời đảm nhiệm giải quyết các vụ việc đó như Ban Chỉ huy đấu tranh (bí mật), Ban điều tra xét xử đặc biệt (công khai) đối với tù nhân.


Tháng 6/1941, Nhà đày Buôn Ma Thuột nhận thêm trên 100 tù cộng sản, chúng tiến hành mở rộng và gia cố hệ thống Nhà đày, tăng cường bộ máy quản lý đến mức “hoàn hảo” và chuyển 30 người đi công trường làm đường ở Lắk, 50 người đi công trường ở Lào và cho làm thêm trại giam Đắk Mil. Tổng số tù nhân ở Nhà đày Buôn Ma Thuột đến cuối năm 1941 lên tới 451 người.


Đầu năm 1942, bọn thống trị lại cắt xén quyền lợi vật chất và tinh thần của tù nhân. Vì vậy, Ban lãnh đạo tù nhân trong Nhà đày quyết định tổ chức một cuộc đấu tranh với những khẩu hiệu thiết thực. Hình thức đấu tranh trước hết là đưa kiến nghị, sau đó đình công và hô khẩu hiệu. Cuộc đấu tranh kéo dài được 3 tuần lễ thì Công sứ, Giám ngục phải giải quyết từng bước những yêu sách của tù nhân. Cuộc đấu tranh này đem lại kết quả và mở ra những khả năng tích cực vươn tới thắng lợi mới.


Một chủ trương quan trọng của Đảng trong giai đoạn này là đưa các chiến sĩ cách mạng vượt khỏi lao tù đế quốc để gấp rút bổ sung, củng cố thêm đội ngũ cán bộ cốt cán, trung kiên cho các phong trào đấu tranh quần chúng đang phát triển dưới ngọn cờ Mặt trận Việt Minh. Thực hiện chủ trương của Đảng, các tổ chức trong Nhà đày đã chuẩn bị, động viên và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho một số chiến sĩ cộng sản nhanh chóng vượt ngục.


Ở Nhà đày Buôn Ma Thuột, việc học tập của tù nhân trở nên cấp bách, người tù ở đây trình độ văn hóa khá chênh lệch, có người trình độ sơ học, trung học; có người còn mù chữ, đại bộ phận người vào tù mới bắt đầu học. Ban chỉ huy tù đã phát động phong trào học văn hóa, học chính trị, học vận động quần chúng, học xây dựng chính quyền cách mạng, học về quân sự, chủ nghĩa Mác – Lênin…. Các chiến sỹ cộng sản tại Nhà đày Buôn Ma Thuột đã tổ chức các lớp học văn hoá, chính trị, quân sự phù hợp với từng đối tượng, với từng hoàn cảnh. Qua việc học tập, trình độ văn hoá, sự hiểu biết về tình hình cách mạng Việt Nam và quốc tế được nâng lên, nhiều người sau khi ra tù đã trở thành những cán bộ lý luận đảm nhiệm những chức vụ quan trọng của Đảng. Chính thực dân Pháp phải thừa nhận: Nhà đày Buôn Ma Thuột là một trường cao cấp về chủ nghĩa cộng sản”.


Để đánh giá kết quả học tập quân sự và biểu dương lực lượng, đúng 8 giờ sáng ngày mồng một Tết Nguyên đán Giáp Thân (1944), tù nhân đã tổ chức một cuộc “duyệt binh” trọng thể tại sân lớn Nhà đày với sự tham gia của toàn thể tù nhân. Vợ chồng quản ngục Mignot và một số binh lính, viên chức Nhà đày cũng có mặt. Lần đầu tiên ở Nhà đày Buôn Ma Thuột, lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên trên đỉnh cột cờ trước niềm xúc động và phấn khởi của mọi người. Kết quả cuộc duyệt binh rất mỹ mãn, để lại ấn tượng rất sâu sắc trong tâm trí mọi người. Đây là một cuộc biểu dương lực lượng của những chiến sĩ cách mạng bị mất tự do trước kẻ thù. Một mặt, nó ghi đậm nhiều ấn tượng sâu sắc và tốt đẹp trong lòng anh em tù nhân; mặt khác, nó gây tác động lớn trong viên chức, binh lính ở thị xã Buôn Ma Thuột.


Cuộc chiến đấu không mệt mỏi của các chiến sĩ cộng sản trung kiên trong nhà đày Buôn Ma Thuột không chỉ tác động tích cực đến phong trào chung của nhân dân, đến sự hình thành và hoạt động của Đảng bộ, mà còn gieo mầm, tạo những hạt giống đỏ đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk và tác động trực tiếp sâu sắc đến nhiều nhân viên và binh lính của chính quyền thực dân, từ chỗ kính phục, tin các tù chính trị đã dần dần giác ngộ, họ đã tích cực tham gia Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và một số đồng chí đã trở thành những cán bộ cốt cán ở tỉnh Đắk Lắk, có uy tín rộng lớn trong đồng bào Tây Nguyên, như: Thiếu tướng Y Blốk Êban, vị tướng đầu tiên của Tây Nguyên; Y Bih Alêô, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch kiêm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đắk Lắk… 


Nhà đày Buôn Ma Thuột là biểu tượng của ý chí, của khát vọng độc lập, tự do của dân tộc của các tù chính trị, đặc biệt là của các đảng viên Cộng sản. Nơi đây đã chứng kiến tinh thần đấu tranh mạnh mẽ của tù chính trị - những chiến sĩ cách mạng với ý chí kiên cường, bất khuất, không run sợ trước kẻ thù. Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ cách mạng được tôi rèn ở Nhà đày Buôn Ma Thuột cũng góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc.


Năm 1945, sau khi thoát khỏi Nhà đày, anh em tù chính trị đã tỏa đi các nơi tranh thủ tuyên truyền giác ngộ quần chúng và các tầng lớp trí thức, viên chức trong thị xã và các vùng lân cận phát triển cơ sở. Từ đó phong trào cách mạng thị xã sôi nổi hẳn lên, biến các tổ chức công khai như Hội truyền bá Quốc ngữ, Hội đồng hương, Hội cứu tế…thành nơi tuyên truyền cách mạng. Phong trào lan nhanh tới các đồn điền, những thanh niên trung kiên được phát triển vào Hội Việt Minh. Hai đồng chí Phan Kiệm và Nguyễn Trọng Ba đã bí mật trở lại tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng ở Đắk Lắk. Đường dây liên lạc chỉ đạo của Xứ Trung kỳ và Trung ương được nối liền, tình thế cách mạng ở Đắk Lắk phát triển nhanh và rộng trong nhiều vùng.

Trải qua thời gian tồn tại, Nhà đày Buôn Ma Thuột đã trở thành minh chứng hùng hồn về tội ác của bè thực dân, đế quốc và đã trở thành biểu tượng hết sức tự hào của tỉnh Đắk Lắk và cả nước, một địa danh lịch sử, nơi khắc đậm dấu ấn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, là địa chỉ đỏ trong công tác giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước và cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.



Thân nhân của cựu tù dâng hương tại Nhà đày Buôn Ma Thuột



Các em học sinh tham quan Di tích


GD&TT