NGHỀ SĂN BẮT VÀ THUẦN DƯỠNG VOI RỪNG CỦA NGƯỜI M’NÔNG Ở BUÔN ĐÔN

Từ xa xưa, Đắk Lắk được biết đến là nơi có nhiều voi và nổi tiếng với nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng của người M’nông ở huyện Buôn Đôn.

Buôn Đôn là tên mới đặt khi thành lập huyện (1995), còn Bản Đôn cũ trong tiếng Lào có nghĩa là "Làng đảo" - ngôi làng được xây dựng trên một ốc đảo của Sông Sêrêpôk. Khi xưa, người Lào trong lúc ngược dòng sông buôn bán, đã ở lại mảnh đất này cùng với cư dân tại chỗ xây dựng một ngôi làng trù phú, đây là một trong những điểm giao thương quan trọng của ba nước Đông Dương ngày xưa.

         

Buôn Đôn có những cánh rừng khộp, rừng thưa, xen kẽ với đồng cỏ và nguồn nước là điều kiện thích hợp cho những đàn voi rừng sinh sống.

Đối với người M’nông - cư dân tại chỗ cư trú lâu đời ở Buôn Đôn, cuộc sống gắn bó, hòa mình với thiên nhiên đã giúp họ nắm bắt, hiểu biết sâu sắc những tập tính, nơi sống, đặc điểm của voi rừng. Chính vì lẽ đó, săn bắt và thuần dưỡng voi rừng là nghề truyền thống có từ lâu đời, là niềm vui thể hiện sự mạnh mẽ, khéo léo, khát vọng chinh phục và làm chủ tự nhiên của những người đàn ông M’nông.

Một chuyến săn voi thường kéo dài nhiều ngày. Khi đi săn, người ta tập hợp thành đoàn gồm một chỉ huy, những người thợ chính, thợ phụ và khoảng 5-10 con voi nhà. Khi voi nhà áp sát voi rừng thì thợ săn dùng sào tre có gắn thòng lọng ném vào chân sau của voi con. Đến lúc dây da đã nút chân, người ta buộc đầu dây còn lại vào gốc cây nào đó trên đường chạy, voi con theo quán tính chạy vòng quanh thân cây như tự trói mình. Sau đó thợ săn dùng dây buộc voi rừng vào voi nhà để đưa về.

Voi được đưa về bãi thuần dưỡng cạnh buôn, nơi có bãi cỏ, ven suối, cây che mát. Trong quá trình thuần dưỡng, người ta vừa trấn áp vừa dụ dỗ, tìm mọi cách thuyết phục qua hành động để dần có thể đến gần được con voi. Họ dạy cho voi những bài tập từ đơn giản như: nhấc chân, hạ chân, cúi xuống,..., lúc voi đã đi đứng đúng theo sự điều khiển người thuần dưỡng sẽ tập cho voi xuống nước. Cuối cùng người ta tập cho voi biết chở người, thồ hàng, kéo gỗ.

Sau 2-3 tháng thuần dưỡng, người ta làm lễ nhập buôn cho voi, từ đây voi được đặt tên và xem như một thành viên trong buôn làng, được đối xử và chăm sóc tử tế như con người.



Một số dụng cụ sử dụng trong quá trình săn bắt và thuần dưỡng voi rừng


Voi là người bạn thân thiết, gần gũi đối với người M’nông ở Buôn Đôn. Voi có vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày, giúp con người kéo gỗ, vận chuyển hàng hóa, voi còn là một phương tiện chở người thay cho cơ giới đi trong rừng, suối,….

Không chỉ giúp ích cho sản xuất, phục vụ cuộc sống hàng ngày của buôn làng, voi còn là người bạn thủy chung, nghĩa tình nhất của con người. Trong kháng chiến, voi góp phần đáng kể vào việc vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược cho chiến trường.

Voi đã trở thành biểu tượng văn hoá, thiên nhiên của Buôn Đôn nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung, voi thể hiện vẻ đẹp buôn làng, sự giàu có và ấm no. Gắn bó với sự sinh tồn và phát triển của dân tộc, tác động vào văn hoá, nghệ thuật, tín ngưỡng, luật tục, lễ hội và nhiều hình thức sinh hoạt cộng đồng khác của dân tộc M’nông.



Hội đua voi ở Buôn Đôn


Nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng hiện nay không còn nữa, chỉ còn trong câu chuyện về huyền thoại về Vua voi Y Thu Knul (Khunjunob), Ama Kông,.. và qua những hiện vật, trưng bày tại Bảo tàng Đắk Lắk.



Trưng bày về Săn bắt và thuần dưỡng voi tại Bảo tàng


Bảo tàng Đắk Lắk với không gian thoáng đãng, rộng rãi cùng những hiện vật, hình ảnh, phim tư liệu được bài trí, trưng bày một cách khoa học, độc đáo theo thủ pháp của Bảo tàng học hiện đại, thể hiện đặc trưng văn hoá của các dân tộc, đa dạng sinh học, lịch sử của địa phương là một điểm đến lý tưởng của du khách khi đến Đắk Lắk. 





GD&TT