NGHỆ NHÂN AMA LOAN – NGƯỜI CHẾ TÁC NHẠC CỤ DÂN TỘC ÊĐÊ

Cuộc sống của đồng bào Tây Nguyên thủa sơ khai luôn gần gũi với núi rừng. Những sản phẩm được lấy từ tự nhiên như tre, nứa, không chỉ dùng để làm nhà, đan lát làm dụng cụ thu hái, cất giữ các loại nông sản sau thu hoạch mà qua bàn tay, khối óc sáng tạo của mình các nghệ nhân dân gian đã sáng tạo nên những loại nhạc cụ đặc trưng với nguyên liệu sẵn có như: Đĭng năm (kèn bầu 6 ống), Đĭng tăk ta (kèn bầu), Brố, Čing kram,…


Cuộc sống của đồng bào Tây Nguyên thủa sơ khai luôn gần gũi với núi rừng. Những sản phẩm được lấy từ tự nhiên như tre, nứa, không chỉ dùng để làm nhà, đan lát làm dụng cụ thu hái, cất giữ các loại nông sản sau thu hoạch mà qua bàn tay, khối óc sáng tạo của mình các nghệ nhân dân gian đã sáng tạo nên những loại nhạc cụ đặc trưng với nguyên liệu sẵn có như: Đĭng năm (kèn bầu 6 ống), Đĭng tăk ta (kèn bầu), Brố, Čing kram,… Ở tuổi 70, Ama Loan (buôn Akŏ Dhông, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) là một trong những nghệ nhân chế tác nhạc cụ dân tộc ít ỏi còn lại ở Đắk Lắk. Dưới bàn tay khéo léo tài hoa cùng sự kết hợp của một số nguyên liệu tự nhiên thô sơ như quả bầu khô, ống nứa, sáp ong và một chiếc dao nhỏ sắc nhọn,… các loại nhạc cụ dần dần hình thành với một âm thanh kỳ diệu làm động lòng người.

Lòng đam mê chế tác, biểu diễn nhạc cụ dân tộc của ông bắt đầu khi còn là một cậu bé. Với tay nghề điêu luyện, khả năng thẩm âm rất chuẩn nên việc chế tác nhạc cụ dân tộc làm quà lưu niệm của ông hầu hết đều có thể sử dụng được với âm thanh trầm bổng của từng loại nhạc cụ. Vì điều này mà ông thường xuyên được Bảo tàng Đắk Lắk mời đến để phục chế các nhạc cụ bị hư hỏng. Ngoài ra, trong các dịp lễ lớn ông cũng là người giới thiệu đến du khách gần xa các sản phẩm nhạc cụ dân tộc mình trong phần trải nghiệm cùng nghệ nhân mà Bảo tàng tổ chức. Đây là dịp để ông thể hiện tài năng bẩm sinh của mình, tâm sự về nhạc cụ dân tộc Êđê như cấu tạo, âm thanh, cách sử dụng,...


Sự tỉ mỉ với nghề của Nghệ nhân


Ông vui vẻ cho biết: gắn với từng hoàn cảnh đồng bào dân tộc Êđê đều có các loại nhạc cụ phù hợp như Đĭng năm gồm 6 ống trúc dài ngắn khác nhau được xếp thành hai bè, mỗi bè 3 ống. Tất cả đều được cắm một đầu vào trái bầu khô. Trên lưng mỗi ống trúc được khoét một lỗ ở những vị trí khác nhau để tạo thành nhạc. Người ta thổi vào phần cuống trái bầu khô đã được khoét thủng. Theo tục lệ người Êđê chỉ cho phép các chàng trai thổi kèn Đĭng năm lúc có đám tang, ở những không gian rộng lớn…; vì tiếng rất rộn ràng, thôi thúc nên Đĭng tăk ta thường thổi vào buổi sáng sớm để đánh thức bà con trong buôn dậy đi làm; một Čing kram gồm 1 ống tre khô dài khoảng 30cm, đường kính từ 7-9cm; một thanh tre già có độ dài khoảng 40cm, rộng 7cm và một cái dùi bằng gỗ có quấn vải. Theo quan niệm của đồng bào Êđê, số lẻ là số may mắn nên mỗi bộ Čing kram thường có 5, 7, 9 chiếc, hợp lại thành một dàn chiêng. Čing kram là nhạc cụ thường xuyên được sử dụng trong các dịp lễ hội mà đồng bào tổ chức. Ông thích nhất là Đĭng buôt (một loại nhạc cụ giống sáo tiêu của người Việt) vì mỗi lần thổi nó ông như được tâm sự với chính mình, âm thanh trầm lắng của Đĭng buôt như lời tự sự vỗ về tâm hồn người nghệ nhân…

Các loại vật liệu để sản xuất nhạc cụ đều được ông trồng hay chính tay lựa chọn kỹ lưỡng trước khi làm nhạc cụ. Ông tâm sự: ống nứa phải lấy loại không quá già vì sẽ bị nặng tay, lấy non thì bị méo âm, nhanh hỏng; trái bầu khô không quá to, già và để khô tự nhiên. Có những vật liệu hiện nay hiếm như sừng trâu để làm tù và thì vật liệu thay thế phải chọn rất kỳ công. Ông đã thử nghiệm nhiều loại vật liệu khác nhau, cuối cùng gỗ xoan, gỗ hương, gỗ trắc đã đáp ứng được những tiêu chuẩn. Những chiếc tù và được làm từ các loại gỗ này có âm thanh không kém so với làm bằng sừng trâu.

Niềm đam mê nhạc cụ dân tộc khiến ông luôn trăn trở khi việc sử dụng nhạc cụ dân tộc ngày càng ít đi, những nhạc cụ dân tộc đang trở nên sân khấu hóa; thế hệ trẻ chuyển đam mê vào các dòng nhạc du nhập, nhạc trẻ nên những người biết chế tác, sử dụng nhạc cụ dân tộc ngày càng hiếm hoi. Hơn nữa, việc theo đuổi mục đích kinh tế hiện tại không cho phép mỗi người theo đuổi dòng nhạc cụ dân tộc một thời làm nên tinh hoa văn hóa dân tộc mình. Ngay cả những người con của ông cũng không ai biết chế tác nhạc cụ dân tộc, trong 7 người con thì chỉ có người con trai thứ 2 là biết thổi Đĭng năm nhưng theo lời Ama Loan thì “cũng chỉ thổi cho vui, chứ không thổi bằng niềm đam mê như mình”. Sự trăn trở này khiến cho tuổi 70 của người nghệ nhân dân gian càng thêm nặng trĩu. Ông mong muốn được truyền dạy những kỹ năng chế tác, sử dụng nhạc cụ dân tộc mình cho thế hệ trẻ để tinh hoa văn hóa mà cha ông để lại tiếp tục được bảo tồn và phát huy.

ĐẮC HOÀI