NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ 27/7 VÀ CÂU CHUYỆN HIỆN VẬT Ý NGHĨA TẠI BẢO TÀNG ĐẮK LẮK

Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, cũng như sự biết ơn, trân trọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đối với những người đã hy sinh, cống hiến vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời chưa bao lâu thì bị thực dân Pháp quay lại xâm lược lần nữa. Với tinh thần quật cường, kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu chống lại quân xâm lược. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh xương máu, sức lực trên chiến trường. Thấm nhuần đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc và thấu hiểu sâu sắc sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh đối với đất nước. Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và Nhân dân ta đã dành tất cả tình yêu thương cho các chiến sĩ, đồng bào đã vì độc lập, tự do của Tổ quốc mà bị thương hoặc hy sinh.

Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ tị nạn ra đời ở Thuận Hóa (Bình Trị Thiên), rồi đến Hà Nội và một số địa phương khác, sau đó không lâu được đổi thành Hội giúp binh sĩ bị thương. Ở Trung ương, có Tổng hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch danh dự của Hội.

Chiều ngày 28/5/1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Tổng hội giúp binh sĩ bị nạn tổ chức cuộc nói chuyện quan trọng, có Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự, để kêu gọi đồng bào gia nhập Hội và hăng hái giúp đỡ các chiến sĩ bị thương, tùy theo điều kiện của gia đình.

Sau đó, nhiều chương trình quyên góp, ủng hộ bộ đội được phát động, đáng chú ý nhất là cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ”. Theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban vận động đã họp, phát động phong trào may áo trấn thủ cho chiến sĩ. Chiều ngày 17/11/1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam tổ chức lễ xung phong “Mùa đông binh sĩ”, mở đầu cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ” trong cả nước để giúp chiến sĩ trong mùa đông giá rét với sự có mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ. Ngay tại buổi lễ, Người đã cởi chiếc áo len đang mặc để tặng lại các binh sĩ.

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ngày 19/12/1946, theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân cả nước đã nhất tề đứng dậy kháng chiến với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Số người bị thương và hy sinh trong chiến đấu tăng lên, đời sống của chiến sĩ nhất là những chiến sĩ bị thương gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trước tình hình trên, Đảng và Nhà nước đã đưa ra những chính sách quan trọng về công tác thương binh, liệt sĩ, góp phần ổn định đời sống vật chất và tinh thần cho thương binh, gia đình liệt sĩ.

Ngày 16/02/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 20/SL “Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ”. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên, khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.

Tháng 06/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Bắc Thái) để bàn về công tác thương binh, liệt sĩ và thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn một ngày làm ngày Thương binh - Liệt sĩ. Tại cuộc họp này, các đại biểu đã nhất trí chọn ngày 27 tháng 7 là ngày “Thương binh toàn quốc”. Từ đó, hàng năm cứ vào dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi thư, quà thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Đặc biệt, từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh càng quan tâm hơn đến công tác thương binh, liệt sĩ.

Tháng 07/1955, Đảng và Nhà nước quyết định đổi “Ngày Thương binh toàn quốc” thành “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, theo Chỉ thị 223/CT-TW, ngày 08/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27/7 hàng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” của cả nước.


Như vậy, Ngày Thương binh - Liệt sĩ có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội sâu sắc, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc, khẳng định việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công là vinh dự, trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và mai sau đối với sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ, thương binh cho độc lập tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của Nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, qua đó phát huy tinh thần yêu nước, củng cố và bồi đắp niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.



Đại biểu dâng hương tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột, năm 2023



Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao quà tặng cho con, em các gia đình thương binh, liệt sĩ của ngành, năm 2023


Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, bên cạnh các hoạt động thiết thực, ý nghĩa được tổ chức tại Di tích lịch sử quốc gia đình Lạc Giao, Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm lưu niệm các chiến sĩ Nam Tiến tại Buôn Ma Thuột và Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột, Bảo tàng Đắk Lắk luôn chú trọng đến công tác sưu tầm, trưng bày để giới thiệu đến khách tham quan những câu chuyện ý nghĩa về tấm gương, sự hi sinh quả cảm của các anh hùng, liệt sỹ trong công cuộc đấu tranh dành độc lập của dân tộc.

Trong rất nhiều hiện vật trưng bày tại không gian Lịch sử của Bảo tàng Đắk Lắk, Sơ đồ địa điểm hy sinh và danh sách liệt sĩ của Tiểu đoàn 401 là hiện vật để lại nhiều xúc động đối với công chúng.



Với mong muốn sau hòa bình, những người còn sống sẽ tìm lại được nơi chôn cất đồng đội, ông Nguyễn Văn Xích đã ghi lại vị trí chôn cất của đồng đội trong một cuốn sổ tay mà ông luôn mang theo bên mình, coi đó là báu vật vô giá mà ông còn lưu giữ được về những người đồng đội kiên trung, bất khuất.

Sơ đồ địa điểm hy sinh của các chiến sĩ Tiểu đoàn 401 được vẽ trên vở kẻ ô ly, thể hiện các địa điểm có tọa độ, dựa theo bản đồ khu vực với tỷ lệ tương đối chính xác. Phần ghi chép liệt sĩ gồm: Tên, đơn vị, nơi sinh, trú quán, thời gian hy sinh, trận đánh hy sinh, khi cần báo tin cho ai, chôn ở tọa độ nào. Trên mỗi trang giấy, đều có dấu chỉ hướng Bắc bằng bút sáp màu đỏ. Trong sơ đồ còn vẽ hướng đi, các con suối, các khu dân cư gần địa điểm hy sinh của chiến sĩ, là dấu hiệu rõ nhất khi đi tìm mộ liệt sĩ. Bên cạnh sơ đồ, là danh sách liệt sĩ của Tiểu đoàn 401 được viết trong một cuốn vở gồm 104 trang. Nội dung bên trong chủ yếu ghi lại phần lý lịch của từng chiến sĩ, giữa một số trang được đóng dấu giáp lai.

Trong chiến tranh, hy sinh, mất mát là điều không thể tránh khỏi. Hầu hết các đồng chí khi hy sinh đều được chôn cất tại chỗ. Tuy nhiên, do bom đạn tàn phá, rất khó để xác định vị trí cụ thể, việc vẽ lại sơ đồ là cần thiết, hữu ích. Từ sau giải phóng 1975 đến nay, Sơ đồ địa điểm hy sinh và danh sách liệt sĩ vẫn còn nguyên tác dụng trong việc xác định địa điểm hy sinh của các liệt sĩ Tiểu đoàn 401. Khi được lưu giữ tại Bảo tàng Đắk Lắk, hiện vật mang đến thông điệp về sự dũng cảm, kiên trung, tinh thần bất khuất của các thế hệ chiến sĩ, đã hy sinh tuổi thanh xuân, xương máu, vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì hạnh phúc, hòa bình cho Nhân dân.





GDTT