NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM 21/6 VÀ HOẠT ĐỘNG TRUYỀN THÔNG CỦA BẢO TÀNG ĐẮK LẮK

Báo Thanh niên – Cơ quan ngôn luận của tổ chức “Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, đã ra số đầu tiên ngày 21/6/1925, đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta. Theo Quyết định của Ban Bí thư số 52-QĐ/TW, ngày 5/2/1985 lấy ngày 21/6 hàng năm là Ngày Báo chí Việt Nam. Ngày 21/6/2000, nhân dịp kỉ niệm 75 năm Ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi Ngày báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.


Trong lịch sử báo chí Việt Nam, từ những năm 60 của thế kỉ XIX đã có “Gia Định báo” và một số tờ báo khác lần lượt ra đời tại Hà Nội, Sài Gòn và một số địa phương. Tuy nhiên các tờ báo có những khuynh hướng chính trị khác nhau nên không thể tập hợp thành một tổ chức thống nhất đại diện cho nhân dân nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam, giương cao ngọn cờ cách mạng và chỉ rõ mục tiêu đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.


Báo Thanh niên số 1 ra ngày 21/6/1925 do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, tại số nhà 13 đường Văn Minh, Quảng Châu, Trung Quốc cũng là trụ sở Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội – tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại đây, báo được chuyển về nước bằng nhiều con đường bí mật và phổ biến rộng rãi trong nhân dân, tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam. Đây là cột mốc đánh dấu sự hình thành dòng báo chí cách mạng Việt Nam. Báo Thanh niên đã mở đầu cuộc cách mạng tư tưởng, đưa nền tảng tư tưởng truyền thống của dân tộc Việt Nam lên một tầm cao mới. Báo Thanh niên làm tốt nhiệm vụ đại diện cho nhân dân nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam, giương cao ngọn cờ cách mạng và chỉ rõ mục tiêu đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đào tạo lớp nhà báo vô sản đầu tiên của Việt Nam như Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điềm, Lê Hồng Sơn,… 


Ngày 02/6/1950, Chính phủ chính thức quyết định cho thành lập Hội “Những người viết báo Việt Nam” (Hội Nhà Báo Việt Nam ngày nay). Đến tháng 07/1950, Tổ chức Báo chí quốc tế (OIJ) nhóm họp ở Phần Lan đã công nhận Hội những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức.


Sau khi đất nước thống nhất, báo chí ở nước ta phát triển khá nhanh về số lượng và chất lượng, hình thành hệ thống thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp cả nước. Nội dung thông tin của báo chí ngày càng phong phú, hiệu quả, hình thức đẹp, sinh động và hấp dẫn. Báo chí đã thể hiện rõ quan điểm bảo vệ và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc, tuyên truyền cổ vũ toàn dân tiếp thu có chọn lọc nền văn hóa tiên tiến của các nước trên thế giới, góp phần nâng cao dân trí, ngăn chặn văn hóa xấu len lỏi vào Việt Nam.


Hoạt động của báo chí trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước, trong quá trình hội nhập quốc tế và cơ chế thị trường, trong thời đại bùng nổ thông tin đang phát triển không ngừng. Đứng trước những yêu cầu mới, báo chí cách mạng Việt Nam mãi mãi kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện tốt chức năng báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân nói lên tiếng nói chung.


Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của hoạt động truyền thông đến việc xây dựng chiến lược, thực hiện các nhiệm vụ truyền thông, năm 2013 Bảo tàng Đắk Lắk đã thành lập ban biên tập, bước đầu xây dựng trang thông tin điện tử (website) và một số hoạt động khác, đến tháng 4 năm 2015 phòng Truyền thông được thành lập và đến tháng 3 năm 2020 phòng Truyền thông đã trở thành một bộ phận thuộc phòng Giáo dục và Truyền thông.


Từ khi thành lập, công tác truyền thông của Bảo tàng Đắk Lắk không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Bảo tàng đã triển khai nhiều biện pháp truyền thông hướng đến phục vụ đa dạng các đối tượng khách tham quan trong và ngoài nước. Đưa ra những phương thức tiếp cận khác nhau phù hợp với từng đối tượng khách tham quan bao gồm khách du lịch, trường học, các gia đình, cá nhân, tổ chức, các cộng đồng, các ngành, báo chí, chuyên gia... Đặc biệt, đối với học sinh từ mầm non, phổ thông đến sinh viên đại học, Bảo tàng Đắk Lắk luôn chú trọng những kiến thức lịch sử, văn hóa dân tộc phù hợp mức độ nhận thức của từng lứa tuổi.


Thông tin tuyên truyền luôn bám sát nhiệm vụ chính trị và các hoạt động chuyên môn của đơn vị, góp phần tạo sự đồng thuận thực hiện tốt nhiệm vụ chung. Trước những hoạt động, sự kiện đang và sắp diễn ra tại đơn vị, để tuyên truyền, quảng bá nhằm thu hút và phục vụ công chúng, Bảo tàng Đắk Lắk đã tuyên truyền qua nhiều kênh thông tin khác nhau như: website (http://daklakmuseum.vn/), facebook, fanpage (Bảo Tàng Đắk Lắk), các ấn phẩm gồm (sách giới thiệu trưng bày, tờ rơi, panô, áp phích quảng cáo), hay thông qua báo chí, truyền thông. 


Quan hệ với các cơ quan thông tấn báo chí được đơn vị đặc biệt chú trọng: Những năm gần đây, đã có rất nhiều tin, bài viết của báo viết, báo mạng và kênh truyền hình đã đưa tin, phóng sự về những sự kiện diễn ra tại Bảo tàng Đắk Lắk được đăng trên các báo như: Báo Đắk Lắk, Báo Văn hóa, Đài Truyền hình Đắk Lắk, Truyền hình Quốc Hội (VOV), tạp chí Đầu tư Giáo dục, Báo Nhân dân, Báo Quân đội Nhân dân… Đặc biệt, website Bảo tàng Đắk Lắk thu hút số lượng độc giả ngày càng tăng.


Trước sự phát triển và các hoạt động phong phú của bảo tàng đòi hỏi công tác truyền thông phải làm tốt hơn nữa vai trò của mình. Bên cạnh những thành tích đáng khích lệ, bộ phận truyền thông luôn nghiêm túc khắc phục những nhược điểm trong quá trình tác nghiệp; thông tin, bài viết cung cấp trên website, facebook, fanpage phải chính xác, thật sự cần thiết, mang ý nghĩa và có tác dụng tuyên truyền, giáo dục mới có giá trị đối với công chúng. Bộ phận truyền thông không ngừng cải tiến cả nội dung và hình thức nhằm tăng sức hấp dẫn, thu hút  người đọc, người xem để website, facebook, fanpage Bảo tàng Đắk Lắk thật sự là sản phẩm thông tin, văn hóa không thể thiếu đối với những người quan tâm.


Ngoài ra, bộ phận truyền thông luôn giữ mối quan hệ thường xuyên với các cộng tác viên; tăng cường công tác thông tin, thường xuyên tiếp nhận, trao đổi thông tin hai chiều nhằm làm phong phú hơn nữa nội dung truyền thông của Bảo tàng; luôn ghi nhận mọi ý kiến đóng góp của độc giả về nội dung, hình thức để website, facebook, fanpage và các ấn phẩm truyền thông ngày càng phát triển và thật sự trở thành cổng thông tin điện tử đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin của công chúng.


Tuy nhiên, hoạt động truyền thông tại Bảo tàng Đắk Lắk còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do yếu tố chủ quan và khách quan. Hy vọng với những chiến lược sắp tới, hoạt động truyền thông sẽ khởi sắc và gặt hái được nhiều thành công, góp phần quảng bá thương hiệu Bảo tàng Đắk Lắk tới nhiều đối tượng công chúng trong nước và quốc tế.



Báo Gia Định - tờ báo đầu tiên ra đời tại nước ta.



Báo Thanh niên - Cơ quan ngôn luận của tổ chức “Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội” 



Trang thông tin điện tử của Bảo tàng Đắk Lắk



Pa nô tuyên truyền



Một số ấn phẩm của Bảo Tàng


Hoài My