LỄ GỌI HỒN LÚA CỦA NGƯỜI MNÔNG GAR

Người Mnông Gar sinh sống chủ yếu ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Kinh tế nương rẫy đóng vai trò quan trọng, lúa làm ra không chỉ phục vụ cho đời sống mà còn để ủ rượu cần dùng trong các nghi lễ và đón tiếp khách quý, lúa dư thừa có thể trao đổi hàng hóa, trang sức, vật dụng trong gia đình, chính vì lẽ đó, người Mnông Gar xưa kia có rất nhiều nghi lễ cúng thần lúa.


Phụ nữ Mnông Gar, ảnh tư liệu do nhà dân tộc học người Pháp Georges Condominas chụp tại buôn Sar Luk, huyện Lắk.

Cũng như hầu hết các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, người Mnông Gar tin rằng trong hạt lúa có linh hồn, khi thần lúa ở lại với gia đình thì mùa màng bội thu, nếu vi phạm các điều kiêng kỵ, thần lúa sẽ bay đi, làm cho lúa xấu, bị sâu bọ, mất mùa. 


 

Giỏ tuốt lúa của người Mnông Gar, hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Đắk Lắk


Trong một năm, người Mnông Gar có hai hệ thống nghi lễ là nghi lễ nông nghiệp và nghi lễ vòng đời. Trong nghi lễ nông nghiệp, lễ “gọi hồn lúa” được thực hiện vào cuối vụ thu hoạch, dành cho ô rẫy cuối cùng, nơi có những bông lúa thiêng.

Trong lễ này, người ta sẽ nhổ đi những cây cột dùng làm lễ cúng vào ngày lễ mở đầu vụ thu hoạch, tuốt những bông lúa cuối cùng cho vào chiếc giỏ nhỏ đeo ở bụng, vừa cầu xin hồn lúa đừng bỏ đi và hãy theo con người về nhà ở làng.

Sau đó, nhổ một cọng rạ và một số những lá cây khác cuốn vào chiếc chăn cùng với chiếc liềm thiêng, đeo lên giống như địu em bé. Suốt dọc đường đi, họ vừa thổi ống tre vừa cầu xin lúa hãy trở về làng. Khi qua vũng nước hoặc con suối thì phải lấy một chiếc lá làm cầu để hồn lúa đi qua. Khi về tới kho lúa, các vật trên sẽ được đưa vào kho và được cúng một ché rượu cần, người cúng đọc những lời khấn dài, cầu xin thần lúa hãy ở lại làng và ở trong kho thóc, “xin đừng sợ gì hết và đừng bỏ đi”.



Ông Tru gọi hồn lúa, ảnh tư liệu do nhà dân tộc học người Pháp Georges Condominas 

chụp tại buôn Sar Luk, huyện Lắk

Lễ gọi hồn lúa là một trong những nghi lễ nông nghiệp quan trọng, thể hiện sự tri ân, tôn trọng, đề cao sự bảo trợ của các vị thần linh đến mọi mặt trong đời sống của người Mnông Gar xưa.

Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại, nhiều phong tục, nghi lễ truyền thống đang dần mai một, chính vì lẽ đó chính quyền địa phương và bà con nhân dân đã có nhiều hoạt động thiết thực: Tại các buôn làng của người Mnông Gar, nhiều nghi lễ được phục dựng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc, lan toả vẻ đẹp của vùng đất và con người đến du khách trong và ngoài tỉnh.



Phục dựng Lễ cúng bến nước của người Mnông Gar

Đối với Bảo tàng Đắk Lắk, việc sưu tầm, bổ sung tư liệu, hình ảnh, hiện vật các dân tộc trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm, chú trọng, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả trưng bày thường xuyên cũng như các trưng bày chuyên đề. Đến Bảo tàng Đắk Lắk, khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng những hình ảnh, hiện vật độc đáo, đắm mình vào không gian văn hóa và những câu chuyện thú vị, hấp dẫn của các dân tộc thiểu số cư trú lâu đời tại Đắk Lắk.







GDTT