KHAI HOANG, XÂY DỰNG VÙNG KINH TẾ MỚI QUA LỜI KỂ CỦA CÁC NHÂN CHỨNG LỊCH SỬ VÀ HIỆN VẬT TẠI BẢO TÀNG
Sau ngày giải phóng đất nước, để phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk đã chủ trương đẩy mạnh xây dựng vùng kinh tế mới và thực hiện cuộc vận động định canh, định cư trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngày 01/10/1975, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ra quyết định thành lập Ban định canh, định cư. Nhiệm vụ chính của Ban định canh, định cư là tập trung vận động đồng bào dân tộc bỏ tập quán du canh, du cư, đốt rừng làm rẫy, thực hiện định canh tiến tới định cư.
Ngày 24/11/1976, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ra quyết định số 287-QĐ/TU thành lập Ban chỉ đạo Nông lâm nghiệp. Tỉnh uỷ tăng cường lãnh đạo, yêu cầu các ban ngành, đoàn thể sát cánh cùng nông dân cải tạo đồng ruộng, tháo gỡ bom mìn, dây kẽm, thép gai để lấy đất trồng cây lương thực. Đồng thời chỉ đạo tiến hành điều chỉnh đất đai, quy hoạch vùng sản xuất, thực hiện thâm canh, xen canh, phát triển lương thực và hoa màu các loại. Phong trào khai hoang, phục hoá, mở rộng diện tích lúa nước hai vụ, lúa nương, trồng rau màu và các chiến dịch làm thuỷ lợi phục vụ sản xuất diễn ra sôi nổi trong toàn tỉnh.
Nhớ về một thời đã qua, ông Nguyễn An Vinh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết: Sau khi đất nước được giải phóng, Đắk Lắk có khoảng 35 vạn người, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm một nửa, đời sống nhân dân đói khổ, thiếu thốn, sản xuất chưa phát triển. Phần lớn đồng bào trước đây bị dồn vào ấp chiến lược, đến khi trở về thì đất sản xuất thiếu, các buôn làng xưa đã bị hoang hóa, mùa khô đồng ruộng bị bỏ cháy. Lương thực khan hiếm, phần nhiều phải chuyển từ nơi khác đến.
Trong giai đoạn đầu, Nhà nước chủ trương bao cấp, lo cho dân từ cây kim, sợi chỉ cho đến cái ăn, cái mặc, những người thiếu đói thì cấp không. Đối với đồng bào dân tộc, đưa bà con về nơi ở cũ, hướng dẫn sản xuất, canh tác, làm thủy lợi, xây dựng đồng ruộng.
Về định canh, định cư: vận động xóa bỏ tập quán du canh, du cư cũ, đưa đồng bào về nơi sản xuất và hướng dẫn sản xuất theo lối mới, xây dựng điện, đường, trường, trạm. Trong đó quan trọng nhất là làm thủy lợi: Hồ Buôn Triết, Ea Sup, Krông Buk hạ, Ea Nhái, Ea Kao,… tưới nước cho cây trồng để dân ổn định canh tác lâu dài, chống được phá rừng. Quá trình này cũng gặp khá nhiều khó khăn, ví dụ: Trước đây đồng bào quen du canh du cư – một tập quán lâu đời của họ, do vậy lúc đầu họ không đồng tình, thậm chí cảm thấy bị gò bó khi làm trong các Hợp tác xã vì vậy phải vận động, giải thích, tuyên truyền cho đồng bào hiểu.
Về khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới: Nhà nước chủ trương đưa dân từ các nơi khác đến, mở ra các nông trường, hợp tác xã. Đầu tư khai hoang, mở rộng diện tích: Có hàng chục điểm khai hoang cấp tỉnh: Buôn Triết, Buôn Trấp, Ea Kuăng, Cư Knia, Bình Thuận,… lớn nhất là Buôn Triết, Buôn Trấp. Các huyện, thị xã cũng có các điểm khai hoang, chẳng hạn ở Buôn Ma Thuột có: Ea Kao, Hòa Khánh, Duy Hòa. Thời kỳ này ta phải khắc phục những khó khăn như: Dụng cụ thiếu thốn, cơ giới không đáp ứng được; Lương thực khan hiếm, ăn uống kham khổ, ăn cơm độn khoai sắn, trong khi lao động cần nhiều sức; Vừa khai hoang vừa phải cảnh giác chống Fulrô,...
Qua lời kể của cố Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Cần: Nhân lực tạo ra các cánh đồng, công trường là dân tại chỗ, những người là “bộ khung” của các nông trường ở miền Bắc và lao động ở khắp nơi (Thái Bình, Thanh Hóa,…) từ đó lập ra các cánh đồng lớn: cánh đồng Ea Sup, cánh đồng Buôn Triết, Công trường 8/4 (lấy theo ngày đồng chí Lê Duẩn vào thăm); Ở phía Đông của tỉnh lập các nông trường rồi giao cho dân; Lập các Hợp tác xã,...
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đoàn công tác thăm cánh đồng Ea Kuăng, năm 1978
Đối với Ama Thương, cố Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban nhân tỉnh, quá trình khai hoang, định canh định cư, xây dựng vùng kinh tế mới có rất nhiều kỷ niệm gắn liền với giai đoạn ông làm ở ban định canh, định cư của tỉnh, ông cho biết:
Tỉnh tổ chức nhiều đợt khai khẩn đất đai, ngay Bí thư Tỉnh ủy cũng đi khai hoang với dân, vì vậy thời đó người ta hay có câu nói vui: “Nằm ngửa thấy Trần Kiên, nằm nghiêng thấy Buôn Trấp”.
Thành lập các trung đội, đại đội khai hoang. Vừa động viên, giáo dục, huy động thanh niên đi khai hoang, làm thủy lợi, giúp nhau làm kinh tế. Quy hoạch cho dân ở Thái Bình, các tỉnh phía Bắc vào, khai hoang xong thì chia đất cho dân hoặc tổ chức thành Hợp tác xã.
Thanh niên các dân tộc tỉnh Đắk Lắk hăng hái xây dựng vùng kinh tế mới
Định canh định cư: Trên cơ sở phát động quần chúng lập lại buôn làng, nhà cửa để dân làm chủ cuộc sống, đất đai, kinh tế của họ. Trước đây, đồng bào ở chung trong nhà dài, nay chia đất, tách nhà, tách vườn riêng. Định canh định cư để có đất cho dân làm ăn, có nhà cho dân ở nhưng quan trọng nhất giải quyết tư tưởng, tạo điều kiện cho từng hộ làm chủ bản thân, gia đình. Khó khăn lớn nhất trong quá trình này là vấn đề tư tưởng của đồng bào, nhất là các ông bà già đã quen nếp sống cũ trong những ngôi nhà dài, do đó phải xuống địa phương trao đổi, giáo dục, động viên bà con để cho bà con hiểu. Đồng bào đã quen chọc lỗ, tra hạt trên nương, chưa quen làm ruộng nước, làm thủy lợi nên phải tuyên truyền, giảng giải cho họ thay đổi tập quán canh tác.
Như vậy, nhờ chủ trương, chỉ đạo đúng đắn của Đảng và chính quyền cách mạng, sự tổ chức vận động tích cực mà công tác định canh định cư, khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới đã đi vào ổn định, sản xuất phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, góp phần vào thành tựu chung của tỉnh, mở ra một hướng đi quan trọng trong việc tăng cường lực lượng lao động, khai thác tiềm năng đất đai và từng bước phát triển sản xuất nông nghiệp nông thôn.
GD&TT