HỘI NGHỊ BÁO CÁO SƠ BỘ KẾT QUẢ KHAI QUẬT DI CHỈ KHẢO CỔ HỌC THÁC HAI LẦN THỨ 3, NĂM 2024
Ngày 13/9/2024, Bảo tàng Đắk Lắk tổ chức Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật Di chỉ khảo cổ học Thác Hai, xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk lần thứ 3, năm 2024.
Tham dự Hội nghị có ông Hoàng Trọng Nhân, Phó trưởng Phòng Khoa giáo Văn xã - Văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk; ông Lê Phúc Long và ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Về phía huyện Ea Súp có: ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện; ông Phương Khánh Giang, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin; ông Phạm Thanh Long, Bí thư Đảng uỷ xã Ia Jlơi; đại diện các ban, ngành, đoàn thể xã Ia Jlơi; đại diện các đơn vị, phòng chuyên môn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ban Giám đốc, các phòng chuyên môn của Bảo tàng Đắk Lắk cùng các cơ quan thông tấn, báo chí đến dự và đưa tin.
Toàn cảnh Hội nghị
Ông Trần Quang Năm, Phó Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk, chủ trì nhóm khai quật khảo cổ báo cáo một số kết quả đạt được, như sau:
- Về tính chất di tích: Thác Hai là một di tích phức hợp, vừa có tính chất cư trú, vừa là khu mộ táng, lại vừa là một công xưởng chế tác mũi khoan đá quy mô lớn.
- Về niên đại và các giai đoạn phát triển: niên đại từ khoảng 4.000 năm BP (trước Công Nguyên) cho đến khoảng 2.000 năm cách ngày nay, với hai giai đoạn phát triển sớm muộn khác nhau. Giai đoạn sớm thuộc Hậu kì Đá mới, Sơ kỳ Kim khí, đại diện là lớp văn hóa chứa mũi khoan, có cả mộ nồi vò. Giai đoạn muộn thuộc thời đại đồ sắt, với lớp văn hóa chứa hạt chuỗi thủy tinh.
- Về các mối quan hệ văn hóa: Di chỉ Thác Hai có mối quan hệ gần gũi với các văn hóa khảo cổ ở Tây Nguyên như Biển Hồ ở Gia Lai hay Lung Leng, Plei Krông ở Kon Tum; mối quan hệ với văn hóa Tiền Sa Huỳnh - Sa Huỳnh ở ven biển miền Trung, thể hiện qua một số đồ gốm thân gãy góc, sự có mặt của bôn răng trâu và đặc biệt là sự có mặt phổ biến của hạt chuỗi đơn sắc Indo-Pacific.
Một số hiện vật khai quật tại Di chỉ Thác Hai
Trong đợt khai quật lần thứ 3 này, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra một số điểm mới so với 2 đợt khai quật trước, như: lần đầu tiên tìm thấy các dọi se sợi trong tầng văn hóa, hay việc xuất lộ khá nhiều mảnh đá trang sức khoan dở, khoan hoàn thiện, các mảnh gãy vỡ, đã gợi mở khả năng về hoạt động sản xuất trang sức đá ở Thác Hai. Đây là một trong những phát hiện có ý nghĩa đối với việc nghiên cứu vùng đất Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Từ thực tiễn khảo sát và khai quật trong thời gian qua, nhóm khảo cổ nhận thấy việc tiếp tục khai quật, xử lý di dời di tích, di vật tại di chỉ Thác Hai là hết sức cần thiết, nhằm thu thập, di dời ở mức cao nhất các di tích, di vật trong lòng di chỉ Thác Hai trước nguy cơ bị xóa sổ rất lớn bởi các trận lũ từ sông Ea H’leo vào mùa mưa, trên cơ sở đó đưa ra những giải pháp hữu hiệu trong công tác bảo tồn và phát huy di sản khảo cổ nói riêng và di sản văn hóa tỉnh Đắk Lắk nói chung trong thời gian tới một cách hiệu quả nhất.
Một số hình ảnh tại Hội nghị
Sau Hội nghị, Bảo tàng Đắk Lắk tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện nội dung Báo cáo khoa học kết quả khai quật lần thứ 3 để báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định; đồng thời, kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép tiếp tục khai quật di chỉ khảo cổ Thác Hai nhằm tìm kiếm, phát hiện thêm những hiện vật còn nằm trong lòng đất, bổ sung vào sưu tập hiện vật Thác Hai.
Hồng Tâm