DI TÍCH LỊCH SỬ ĐỊA ĐIỂM LƯU NIỆM CÁC CHIẾN SĨ TRUNG ĐOÀN 25 TẠI ĐÈO HÀ LAN NĂM 1973
Di tích lịch sử Địa điểm lưu niệm các chiến sĩ Trung đoàn 25 tại đèo Hà Lan năm 1973 thuộc phường Bình Tân, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk; cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 30km về phía Bắc theo Quốc lộ 14 (hướng từ thành phố Buôn Ma Thuột đi tỉnh Gia Lai).
Di tích lịch sử Địa điểm lưu niệm các chiến sĩ Trung đoàn 25 tại Đèo Hà Lan năm 1973 là nơi ghi dấu trận chiến đấu chiếm lĩnh, chống địch tập kích trong giai đoạn thi hành Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam của Trung đoàn 25 nói riêng và Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung trong những năm kháng chiến chống Mỹ nhằm giữ đất, giành dân, chống địch lấn chiếm và mở ra thế trận mới trên chiến trường, tạo điều kiện cho quần chúng nổi dậy đấu tranh. Các sự kiện, nhân vật lịch sử liên quan đến di tích đã được ghi lại trong các tài liệu và lời kể của nhân chứng lịch sử, cụ thể như sau:
Ngày 27/01/1973, Mỹ ký kết Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, Mỹ vẫn không cam chịu thất bại, cố bám giữ khu vực Đông Dương, thực hiện chính sách chủ nghĩa thực dân kiểu mới, tiếp tục giúp ngụy quyền Sài Gòn phá hoại Hiệp định Paris, chống phá phong trào cách mạng Việt Nam. Để phá hoại Hiệp định Paris, chúng tập trung lực lượng, dồn sức phản kích quyết liệt, nhất là đánh vào khu vực phòng ngự, đồng thời ra sức thực hiện kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” chiếm đất giành dân, cho quân tiến sâu vào vùng giải phóng của ta, xóa thế “da báo”, xóa bỏ những thành quả cách mạng mà ta đã giành được, nhằm làm “một việc đã rồi” để khẳng định ranh giới chúng kiểm soát trước Ủy Ban Liên hiệp Giám sát Quốc tế.
Ở Đắk Lắk, sau ngày ký Hiệp định Paris, từ tháng 2 đến tháng 5/1973, địch tập trung lực lượng phản kích, đánh phá, lấn lại các vùng đã bị ta chiếm lĩnh ở Hà Lan, buôn Tring, buôn Ea Đê, Cung Kiệm, Quảng Nhiêu…, chúng huy động trên 10 tiểu đoàn có phi cơ, trọng pháo và thiết giáp chi viện, trút bom đạn xuống làng mạc của dân và trận địa của ta. Trong vùng địch kiểm soát, chúng bắt dân đi học cái gọi là “hiện trình đất nước”, tuyên truyền xuyên tạc Hiệp định Paris, công khai tuyên bố phá hoại Hiệp định, đề ra khẩu hiệu 4 không (không có hòa bình, không có ngừng bắn, không có tổng tuyển cử, không có giải pháp chính trị).
Trước âm mưu và hành động của Mỹ, Ngụy trong việc phá hoại Hiệp định Paris, Cấp ủy đã xác định cuộc đấu tranh chống tràn ngập lãnh thổ, chống phá hoại hòa bình, chống chiếm đất giành dân là hết sức nặng nề. Ngày 31/3/1973, Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức hội nghị mở rộng đánh giá tình hình và ra Nghị quyết “về cuộc đấu tranh của nhân dân ta trong giai đoạn mới”, xác định 3 nhiệm vụ cơ bản: đấu tranh buộc địch thi hành hiệp định Paris; tăng cường công tác vùng địch; củng cố quân sự.
Tại khu V và chiến trường Tây Nguyên, Khu ủy và Đảng ủy Bộ Tư lệnh B3 – Mặt trận Tây Nguyên cũng đã ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ cho các lực lượng vũ trang quân khu và lực lượng vũ trang giải phóng Tây Nguyên: Tăng cường đoàn kết, phát huy thắng lợi, khắc phục khó khăn; ra sức phát triển củng cố lực lượng; không ngừng nâng cao sức mạnh chiến đấu và trình độ sẵn sàng chiến đấu; từng bước phát triển sâu rộng phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng Nhân dân ở nông thôn, thành thị; xây dựng vùng giải phóng về mọi mặt, giữ vững thành quả cách mạng; kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao.
Để hỗ trợ đắc lực cho phong trào chiến tranh của nhân dân Nam Tây Nguyên – Đắk Lắk phát triển và góp phần thúc đẩy nhanh chóng cuộc chiến đấu đi đến kết thúc, Bộ Tư lệnh B3 - Mặt trận Tây Nguyên quyết định thành lập Trung đoàn 25 bộ binh “Độc lập, cơ động, tinh nhuệ”.
Nhiệm vụ của Trung đoàn 25 là chiếm lĩnh vùng Hà Lan trên trục đường 14 gần quận lỵ Buôn Hồ và đánh địch tạo thế, tạo lực hỗ trợ cho phong trào kháng chiến của địa phương phát triển, sẵn sàng cơ động theo yêu cầu nhiệm vụ.
Ngay sau khi thành lập, Trung đoàn vừa khẩn trương củng cố, huấn luyện, vừa chuẩn bị chiến trường. Phối hợp với lực lượng Tỉnh giữ vững vùng Huyện 5, Bắc Buôn Ma Thuột, vùng Quảng Nhiêu, sẵn sàng mở dân Buôn Hồ, Buôn Đôn, Ea Súp. Về giao thông sẵn sàng cắt đường 14, đường 21 một thời gian khi có lệnh hiệp đồng.
Chuẩn bị bước vào giai đoạn mới, Trung đoàn 25 tập trung lực lượng đi vận chuyển lương thực, vũ khí, đẩy mạnh sản xuất và tập luyện chiến thuật đánh địch giải tỏa, Trung đoàn đã mở Hội nghị Quân Chính xác định quyết tâm chuẩn bị tốt mọi mặt cho chiếm lĩnh, phải xây dựng quyết tâm rất cao, đó là một nhiệm vụ có tầm quan trọng trong chiếm lĩnh dài ngày.
Về phía địch chúng thực hiện chính sách “dồn dân lập ấp”, ngoài khu dồn 23, địch còn dồn dân trong 3 ấp Hà Lan nơi phần lớn người dân miền Bắc di cư vào từ năm 1954, chúng cho xây dựng hàng loạt hầm ngầm trong nhà dân và cả ngoài vườn, trồng hàng rào tre gai quanh ấp, trang bị súng ống, đạn dược, mìn… và tuyên truyền, nói xấu chế độ xã hội chủ nghĩa, cấm người dân nghe theo lời tuyên truyền của Cộng sản và bắt nhà dân nào cũng phải treo trước cửa một bảng “Chống cộng”.
Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh B3 - Mặt trận Tây Nguyên và Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ra Chỉ thị phải xóa ngay 3 ấp dồn này và giao Trung đoàn 25 chiếm lĩnh trên đường 14 giữa Buôn Hồ đi Buôn Ma Thuột với hai mục đích:
- Làm tê liệt tuyến đường này, sẵn sàng đánh quân giải tỏa chặt đứt đường cơ động của địch, không cho chúng lùng sục vùng ta, dồn dân vào vùng địch.
- Phát động quần chúng, chuyển hóa quần chúng vùng địch thành quần chúng vùng ta.
Tiểu đoàn 5 thực hiện nhiệm vụ chiếm lĩnh. Trước hết đánh chiếm buôn Ea Đê, diệt kèm, làm chủ và cùng dân giữ vững thế trận. Để bảo đảm thắng lợi, Trung đoàn 25 tăng cường cho Tiểu đoàn 1 cối 82mm, 1 đại liên 21,7mm.
Tiểu đoàn 3 được tăng cường 1 đại đội của Tiểu đoàn 2, 1 khẩu pháo ĐKZ, 1 khẩu đại liên 12,7mm có nhiệm vụ chiếm điểm cao 782, xây dựng thế trận đánh quân giải tỏa, phát triển đánh sang Hà Lan 3 cùng với tiểu đoàn 5 giữ vững khu vực Hà Lan.
Tiểu đoàn 2 (thiếu 1 đại đội đi tăng cường cho Tiểu đoàn 3) tổ chức 1 đại đội cùng lực lượng Huyện 5 hoạt động trong khu vực trọng điểm của huyện, 1 đại đội làm lực lượng dự bị của Trung đoàn. Giai đoạn đầu cùng Tiểu đoàn bộ làm nhiệm vụ vận chuyển phục vụ cho các đơn vị chiếm lĩnh.
Các đại đội trực thuộc làm nhiệm vụ phối thuộc cho các đơn vị và phục vụ chiến đấu.
Trước khi xuất quân, toàn Trung đoàn 25 đã xây dựng quyết tâm thực hiện bằng được nhiệm vụ chiếm lĩnh. Trung đoàn 25 đã chọn những điểm cao để chiếm lĩnh, khống chế địch. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những khó khăn là: vị trí ta chiếm lĩnh có địa hình rất trống trải, địch dễ dàng quan sát trận địa và khu vực nơi ta chiếm lĩnh nhân dân chủ yếu theo công giáo toàn tòng, di cư từ miền Bắc vào, nằm trải dọc trên đường 14 trong 3 ấp Hà Lan 1, Hà Lan 2, Hà Lan 3 và 2 buôn dân tộc là Cung Kiệm và Ea Đê.
Đúng 15 giờ ngày 25/01/1973, Trung đoàn 25 đồng loạt tấn công vào 3 ấp Hà Lan với nhiệm vụ chủ yếu là tiêu diệt những tên ác ôn, tề gian, phản động, làm tê liệt lực lượng địch ở 3 ấp và chốt ở cao điểm 782, 696, tiêu diệt địch ở các chốt vùng lân cận. Đêm ngày 27 rạng ngày 28/01/1973, ta làm chủ Hà Lan 1, Hà Lan 2; Đại đội 2 của Tiểu đoàn 3 làm chủ Cung Kiệm, Tổ Công binh của Trung đoàn 25 đánh cầu Hà Lan. Ta vừa giữ các vùng trên, vừa bám vào dân tuyên truyền Hiệp định Paris, tuyên truyền chính sách hòa hợp dân tộc, kêu gọi đồng bào vận động con em đi lính địch trở về giúp đỡ bà con xây dựng cuộc sống mới.
Ngay từ đầu các đơn vị phát triển thuận lợi, địch chống trả yếu ớt. Ngày đầu ta diệt gọn 2 trung đội và bắt sống 30 tên, đánh thiệt hại nặng 3 trung đội khác. Bọn ác ôn tề điệp tan rã, 2 tiểu đoàn bảo an 224, 221, liên đội 2, các đại đội nghĩa quân, phòng vệ dân sự bỏ chạy hết. Để cứu vãn tình thế, địch dùng pháo bắn áp chế thúc bọn tàn quân liều chết phản kích, lần nào chúng lao lên cũng đều bị ta tiêu hao, tiêu diệt.
Từ ngày 28/01 trở đi, dân ở khu vực này đã bỏ trốn hết, địch cho pháo binh từ Buôn Hồ, Cư Đăng phá hủy toàn bộ các ấp Hà Lan và điểm cao 782 (đỉnh đèo Hà Lan). Khi pháo ngừng bắn, chúng cho máy bay C130 và trực thăng tiếp tục rải bom, bắn rốc két vào khu vực này. Sau đó, địch cho xe tăng yểm trợ bộ binh tấn công vào các trận địa của ta. Chúng còn điều thêm Trung đoàn 45 từ Gia Lai về cùng lực lượng bảo an tập trung phản kích hòng chiếm lại các vùng ta đã chiếm giữ trên dọc đường từ dốc Hà Lan đến Buôn Hồ, tập trung là buôn Tring và Hà Lan. Cuộc chiến đấu ở đây diễn ra vô cùng ác liệt.
Ngày 30/01/1973, Trung đoàn dùng 2 mũi, mỗi mũi khoảng 8-10 người của Tiểu đoàn 5 và Tiểu đoàn 3, đánh chiếm Bắc Hà Lan 2, diệt gọn 1 trung đội, bắt 8 tù binh, thu 6 súng, số còn lại lui về cố thủ ở khu vực nhà thờ (thuộc Hà Lan 2). Tuy nhiên, tại khu vực này lực lượng của ta ít, đạn hỏa lực vận chuyển không kịp nên chưa thể đánh dứt điểm được, cuộc chiến đấu giằng co suốt trong ngày.
Sợ mất Hà Lan 2, địch từ Buôn Ma Thuột thúc 2 đại đội bảo an thuộc Tiểu đoàn 224 có phi pháo yểm trợ cùng số còn lại phản kích hòng chiếm lại vị trí bị ta chiếm giữ. Sau 4 ngày chiến đấu ở ấp Hà Lan 2 ta không giải phóng được, do địch có hỏa lực mạnh lại cố thủ ở tháp chuông nhà thờ. Mặt khác, ta không nắm được tình hình của địch và cách thức bố trí trận địa của chúng ở trong ấp, nên khi ta mới tiến đánh được một nửa đã bị thiệt hại về quân số buộc phải cho anh em rút lui về hướng Tây. Vì vậy, ở khu vực này địch đã chiếm lại toàn bộ, riêng khu vực Hà Lan 1 và Hà Lan 3 vẫn do ta làm chủ.
Những ngày tiếp theo, kể từ ngày 10/02/1973 địch tập trung tung vào đây một lực lượng khá đông, gồm có 1 chiến đoàn đặc nhiệm với 4 tiểu đoàn liên tục đánh quyết liệt vào khu vực Hà Lan 3. Trước khi tiến quân chúng dùng bom và đạn pháo bắn rải thảm nhằm mục đích hủy diệt toàn bộ khu vực này, có ngày chúng bắn tới 750 quả đạn pháo các cỡ, trên 60 quả bom vào các chốt. Nhưng với tinh thần quyết chiến, quyết thắng cán bộ chiến sĩ Đại đội 2 – Tiểu đoàn 20 đều đánh bật các cuộc tiến công phản kích của địch, quyết tâm giữ vững trận địa, Tiểu đoàn 3 vòng đánh phía sau và Tiểu đoàn 5 chặn đứng địch ở khu quận lỵ Buôn Hồ. Sau nhiều lần tiến công mà không chiếm được trận địa, lại bị thương vong khá nhiều đã làm cho binh lính địch sa sút tinh thần, Chiến đoàn đặc nhiệm bất lực đã chống lại lệnh phản kích, buộc địch phải giải tán chiến đoàn này.
Hơn 20 ngày đêm chiến đấu, ta vẫn giữ vững được trận địa chiếm lĩnh, tinh thần ý chí của các chiến sĩ vẫn kiên định, quyết tâm đánh địch đến cùng, mặc dù quân số có bị giảm do thương vong và đau ốm nhưng không một ai chịu rời trận địa về phía sau.
Ngày thứ 28, địch đã trút bom đạn đến mức tối đa vào các điểm cao 782 (đỉnh đèo Hà Lan), 696 (Sở Chỉ huy Trung đoàn) và buôn Ea Đê (khu vực đóng quân của Tiểu đoàn 5). Cuộc chiến đấu diễn ra hết sức quyết liệt. Có hướng chúng dùng 8 – 10 xe tăng hộ tống cho bộ binh theo sau tràn vào san phẳng trận địa của ta. Các đơn vị không thụ động mà liên tục thay đổi phương thức tác chiến, vừa có bộ phận mặt đối mặt đánh địch, vừa có bộ phận nhỏ luồn sâu tập kích địch có hiệu quả. Kết quả, ta vẫn giữ vững trận địa, tiêu diệt được 20 tên địch và bắn cháy 01 xe tăng. Sau mỗi đợt dùng bom pháo để dọn đường cho bộ binh càn quét, chúng huy động lực lượng bộ binh hùng hậu có xe tăng yểm trợ nhằm đánh chiếm bằng được buôn Ea Đê.
Suốt gần 1 tháng bám trụ, chiến đấu kiên cường ta đã đánh bật tất cả các đợt phản kích, lấn chiếm của địch, lực lượng ta chỉ hơn 2 tiểu đoàn phải chống chọi với một lực lượng khá lớn của địch gồm: 1 trung đoàn, 1 chiến đoàn, 7 tiểu đoàn, 10 đại đội bảo an và 2 chi đoàn xe bọc thép cùng với các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại (6 khẩu pháo 106,7mm và 105mm) phản kích nhưng cũng không vào được, buộc chúng phải lui ra dùng pháo bắn dữ dội vào nơi ta chiếm lĩnh và một số khu vực lân cận.
Thực hiện nhiệm vụ chiếm lĩnh Đèo Hà Lan – một trong những mắt xích vô cùng quan trọng trên tuyến đường quốc lộ 14 - nhằm cắt đường chi viện của địch từ Buôn Ma Thuột sang Gia Lai và ngược lại, và trong hoàn cảnh chiến đấu chống địch tập kích vô cùng ác liệt, các chiến sĩ Trung đoàn 25 phải chiến đấu trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn, nhiều đơn vị hi sinh và bị thương gần hết. Vũ khí ngày càng cạn kiệt, công tác hậu cần gặp nhiều khó khăn, chỉ được tiếp tế về đêm... nhưng bộ đội ta vẫn chấp hành nghiêm chỉnh lệnh của Trung đoàn. Khẩu hiệu được anh em đưa ra là: “Bám đất, bám dân, một tổ cũng đánh, một người cũng đánh, còn người còn trận địa”, các chiến sĩ Trung đoàn 25 đã tạo nên sức mạnh chiến đấu oanh liệt, kiên cường, không ngại khó khăn, gian khổ dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào và sự hi sinh quên mình của hơn 100 chiến sĩ tại nơi đây đã chứng minh cho điều đó. Nhiều tấm gương sáng nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng dũng cảm tuyệt vời, tinh thần chịu đựng gian khổ, ác liệt như các đồng chí: Tú, Viễn, Tuân, Di, Vỹ... với phẩm chất khí tiết trong sáng, dù đói, dù khát khi nằm trên bãi mía, nương khoai của dân vẫn nghiêm chỉnh chấp hành tốt kỷ luật dân vận.
Ngày 23/2/1973, do yêu cầu bảo toàn lực lượng, đơn vị được lệnh tạm ngừng chiến đấu rút về sau củng cố. Tính chung toàn đợt chiếm lĩnh, Trung đoàn 25 đã diệt 225 tên địch, làm bị thương 483 tên, bắt 6 tên, diệt gọn 4 trung đội, bắn cháy 5 máy bay, có 3 trực thăng, phá hủy 12 xe quân sự (có 1 xe tăng), thu 154 súng các loại, cắt đứt đoạn dài 14 km trên đường 14.
Để ghi nhận tinh thần chiến đấu kiên cường, những cống hiến và hi sinh của các anh đã giữ vững thế trận sau Hiệp định Paris, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 25 được được Bộ Tư lệnh B3 - Mặt trận Tây Nguyên tặng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng I.
Để tưởng nhớ đến công lao của các chiến sĩ Trung đoàn 25 trong trận chiếm lĩnh, chống địch tập kích tại Đèo Hà Lan, năm 2015 Ủy ban nhân dân Thị xã Buôn Hồ đã đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk xin chủ trương và kinh phí để xây dựng Đền thờ tưởng niệm các liệt sỹ của Trung đoàn 25 đã hi sinh tại Đèo Hà Lan.
Ngày nay, Di tích lịch sử Địa điểm lưu niệm các chiến sĩ Trung đoàn 25 tại Đèo Hà Lan năm 1973 có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, như sau:
Di tích lịch sử Địa điểm lưu niệm các chiến sĩ Trung đoàn 25 tại Đèo Hà Lan năm 1973 là nơi ghi dấu trận chiến đấu chiếm lĩnh, chống địch tập kích trong giai đoạn thi hành Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam của Trung đoàn 25 nói riêng và Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung trong những năm kháng chiến chống Mỹ nhằm giữ đất, giành dân, chống địch lấn chiếm và mở ra thế trận mới trên chiến trường, tạo điều kiện cho quần chúng nổi dậy đấu tranh. Đây là trận đánh quan trọng, góp phần tạo một bước chuyển biến căn bản trên chiến trường Tây Nguyên nói riêng và chiến trường Miền Nam nói chung, đồng thời tạo đà tiến lên trong những năm 1974 - 1975.
Di tích là địa chỉ đỏ về nguồn, là nơi giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ của địa phương nói riêng và của tỉnh Đắk Lắk nói chung. Đặc biệt nơi đây lưu dấu bao ký ức hào hùng về một thời chiến đấu oanh liệt của các chiến sĩ Trung đoàn 25. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh anh dũng trong các cuộc chiến đấu, mồ hôi và máu của các anh đã hòa vào với đất đỏ bazan, ghi khắc mãi chiến công anh dũng, kiên trung trong trận chiến đấu đánh bại các cuộc phản kích lấn chiếm của địch. Bên cạnh những giá trị lịch sử, di tích còn chứa đựng những giá trị về văn hóa, tâm linh. Mỗi chúng ta khi đến với Di tích thành kính dâng nén hương thơm tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã hi sinh vì tổ quốc, dưới làn khói hương mờ ảo, những tất bật của đời thường bỗng trở nên chập chờn hư ảo để mỗi người chúng ta có dịp tĩnh lặng, soi rọi, chiêm nghiệm lại chính bản thân mình.
Với những sự kiện, nhân vật lịch sử và giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của di tích như đã nêu trên; ngày 13/12/2021, Địa điểm lưu niệm các chiến sĩ Trung đoàn 25 tại đèo Hà Lan năm 1973 được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp tỉnh tại Quyết định số 3483/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
Di tích Địa điểm lưu niệm các chiến sĩ Trung đoàn 25 tại đèo Hà Lan năm 1973 nếu sớm được quan tâm đầu tư, khai thác có hiệu quả để phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di tích, nhằm góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Địa điểm lưu niệm các chiến sĩ Trung đoàn 25
Điểm cao 782 trên Đèo Hà Lan
Tài liệu tham khảo:
Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, tập III – Kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975), Tỉnh ủy Đắk Lắk, 1994.
Truyền thống Trung đoàn 25 Mặt trận Tây Nguyên (1972-1976) – Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 25, T9/2000.
Báo Đắk Lắk điện tử số ra ngày 9/12/2013, mục lịch sử - truyền thống.
Đắk Lắk 30 năm chiến tranh giải phóng, tập II – Kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975). Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk, 1994.
Hà Phương