DI TÍCH LỊCH SỬ CẤP TỈNH TƯỢNG ĐÀI MẬU THÂN 1968

Di tích lịch sử Tượng Đài Mậu Thân 1968 gồm có 2 địa điểm: Khu Tượng Đài Mậu Thân, Km5, phường Tân Hòa (ngã 3 Hòa Bình) và khu mộ tập thể tại Km7, phường Tân Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.


Trong cuộc tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, quân và dân tỉnh Đắk Lắk đã đánh chiếm và làm chủ một số vị trí quan trọng của địch trong thị xã, phối hợp chặt chẽ giữa quân sự, chính trị với binh vận, kịp thời sử dụng lực lượng nội tuyến tiêu diệt địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, đưa hàng vạn quần chúng xuống đường với khí thế quyết liệt...


Đông nhất và đấu tranh quyết liệt nhất là cánh phía Đông trên 9.000 người gồm đồng bào Kinh ở các khu dinh điền giải phóng và đồng bào các dân tộc thiểu số ở H8, H9 (huyện Krông Bông ngày nay), đã được chuẩn bị kỹ, từ 29 Tết đồng bào nô nức kéo ra đường 21 tiến về thị xã. Đi đến đâu đoàn đều được đồng bào tại chỗ đón tiếp niềm nở và gia nhập thêm, nên lực lượng ngày càng đông.


5 giờ sáng ngày 30 tháng 01 năm 1968 (Mùng 1 Tết Mậu Thân) trong khi tiếng súng tấn công của quân và dân ta nổ ra dữ dội ở Buôn Ma Thuột, đoàn quân chính trị cánh Đông tiến đến khu vực buôn Kŏ Tam, Mỹ - Ngụy đem quân ngăn chặn, dùng súng bắn vào đoàn người biểu tình đang vung cao gậy gộc, xà gạc, nổi trống mõ, chiêng, hô vang khẩu hiệu giải phóng thị xã. Khi đến khu chiêu hồi “Tình thương” trên đường 21, cách thị xã 9km, bọn địch trong ấp đã được báo động, chúng dàn hàng ngang đứng chặn đường. Địch dùng cả súng trường, súng cối, súng đại liên và lựu đạn bắn, ném vào đoàn biểu tình. Đồng bào dùng loa kêu gọi binh lính đừng bắn vào bà con mình, nhưng bọn khát máu không ngừng tiếng súng, đồng bào sôi sục căm thù xông lên, tiếng la ó, tiếng hô khẩu hiệu át cả tiếng súng. Má Hai (Huỳnh Thị Hường) một bà má ở Khuê Ngọc Điền cầm cờ đi đầu đã bị thương nhưng vẫn hiên ngang, giương cao cờ hô hào chị em tiến lên cho đến khi ngã xuống. Đoàn người tiến lên hô vang khẩu hiệu “Đả đảo quân giết người! Đả đảo Đế quốc Mỹ và bọn tay sai!”, những lời kêu gọi vận động binh lính cũng vang lên “Anh em binh lính đừng bắn vào dân! Đừng bắn vào mẹ, vợ và anh, chị, em các anh em!”. Cùng với tiếng hô là tiếng chiêng, tiếng cồng, tiếng trống áp đảo, thôi thúc. Cả biển người với cờ, khẩu hiệu, gậy gộc, xà gạc,… và những tiếng hò hét áp đảo, sục sôi tiến tới. Bọn lính lùi dần, lùi dần theo con đường, rồi chạy dạt ra hai bên cho đoàn quân tay không tiến lên. Khi đoàn đi đầu tiến đến chính diện cửa ấp, đạn khói, đạn cay, lựu đạn, rồi M79, đạn bắn thẳng bắt đầu nổ. Hàng loạt người ngã xuống, lớp lớp người xông lên. Họ nắm tay nhau, cố vượt qua lửa đạn, tiến về phía trước trong tiếng súng, tiếng hô khẩu hiệu không ngớt. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, đoàn biểu tình tuy không tiến vào thị xã được nhưng tinh thần khát khao vì độc lập, tự do đã giáng cho Mỹ - Ngụy một đòn choáng váng.


Trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 quân và dân Đắk Lắk đã đánh chiếm nhiều vị trí quan trọng của địch trong thị xã, phối hợp kịp thời giữa tấn công và nổi dậy, giữa thị xã với nông thôn, đưa hàng vạn quần chúng xuống đường với khí thế rất quyết liệt. Phối hợp chặt chẽ giữa quân sự, chính trị với binh vận, kịp thời sử dụng lực lượng nội tuyến đánh diệt nhiều địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch cả trước và trong Tết Mậu Thân, tác động lớn đến tư tưởng, tinh thần binh lính địch trong tỉnh. Mặc dù cuộc tấn công nổi dậy Tết Mậu Thân chưa đạt được nhiều thành công nhưng phần nào đã gây tổn thất cho lực lượng của địch. Tinh thần chiến đấu dũng cảm, hy sinh, kiên cường bất khuất của quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã tạc vào cửa ngõ phía Đông Buôn Ma Thuột những dấu ấn bi hùng nhất, mãi mãi là một trong những trang sử vẻ vang và oanh liệt quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk.


Ghi nhớ lòng quả cảm kiên cường đấu tranh chống lại kẻ thù, sự hy sinh mất mát to lớn của các mẹ, các chị cùng đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk trong cuộc tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, sau ngày giải phóng, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai cho xây dựng khu mộ tập thể tại Km7, phường Tân Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột là nơi những chiến sỹ cách mạng kiên trung và đồng bào các dân tộc trong tỉnh tham gia đợt tiến công đã anh dũng hy sinh. Năm 1994, tiến hành xây dựng Tượng đài Mậu Thân 1968 tại Km5 (Ngã ba Hòa Bình) thuộc phường Tân Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột, Tượng đài được lấy từ nguyên mẫu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Huỳnh Thị Hường (má Hai) - một trong những hình mẫu tiêu biểu cho hơn 10.000 người mẹ, người chị tham gia đoàn biểu tình tiến vào cửa ngõ thị xã Buôn Ma Thuột trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy vào Tết Mậu Thân 1968.


Tượng đài Mậu Thân 1968 được làm bằng nguyên vật liệu lõi bê tông cốt thép, đắp vữa xi măng lẫn gạch vỡ tạo hình dáng, gồm có: Phần bệ tượng, tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Bia chứng tích lịch sử, Bức phù điêu và các công trình phụ trợ khác như: Cổng vào và hệ thống tường rào xung quanh khu vực tượng đài; hệ thống đài phun nước; nhà bảo vệ; hệ thống đường nội bộ, đèn chiếu sáng, cây xanh. Do được xây dựng ngoài trời, Tượng đài chịu sự tác động nắng, mưa khắc nghiệt của thiên nhiên nên các kết cấu của công trình ngày một xuống cấp. Sau nhiều lần cải tạo sửa chữa, năm 2009, Tỉnh đã chỉ đạo Công ty TNHH Một thành viên Vệ sinh Môi trường cải tạo sửa chữa hoàn thiện công trình và tổ chức lễ khánh thành công trình Tượng đài Mậu Thân năm 1968 vào ngày 8/3/2010, nhân kỷ niệm 35 năm Ngày Chiến thắng Buôn Ma Thuột (10/3/1975-10/3/2010), công trình này được bảo vệ và gìn giữ cho đến nay.


Ngày 24/6/2014, Di tích lịch sử Tượng Đài Mậu Thân 1968 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk xếp hạng là Di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 1354/QĐ-UBND. Di tích lịch sử Tượng đài Mậu Thân 1968 không chỉ chứa đựng giá trị trị lịch sử nhằm ghi dấu, tri ân, ca ngợi sự hi sinh cao cả của quân và dân các dân tộc Đắk Lắk trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Tiêu biểu như hình tượng của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Huỳnh Thị Hường (má Hai) chị Mười, anh Châu… Nơi đây còn mang tính giáo dục truyền thống đấu tranh, kiên cường bất khuất của các thế hệ cha anh đi trước tiếp sức cho thế hệ trẻ tiếp nối đi lên, cho mỗi việc làm hôm nay và ngày mai của mỗi chúng ta có ý nghĩa hơn xứng đáng với lịch sử của dân tộc. Ngoài giá trị về lịch sử, Di tích lịch sử Tượng đài Mậu Thân còn mang tính mỹ thuật, thẩm mỹ đặc sắc qua những đường nét tinh xảo trên hình tượng Bà Mẹ bồng con hiên ngang hướng về thị xã, hình tượng đoàn quân giải phóng với khí thế hào hùng xen lẫn sự căm thù kẻ địch trên từng khuôn mặt ào ào xông lên tiến về giải phóng thị xã.


Hàng năm, vào các ngày lễ, tết, các cấp các ngành, thế hệ đoàn viên thanh niên trong tỉnh thường xuyên tổ chức lễ dâng hương tại khu mộ tập thể tại Km7 và Tượng Đài Mậu Thân, ngã 3 Hòa Bình để tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sỹ và ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường, gan dạ của quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.


Hiện nay, Di tích lịch sử Tượng đài Mậu Thân 1968 đang được giao cho Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột quản lý tại Công văn số 7221/UBND-KGVX ngày 04/9/2021 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc quản lý các công trình ghi công Liệt sĩ trên địa bàn thành phố.

­


Hà Phương