DI TÍCH LỊCH SỬ CẤP TỈNH ĐIỂM CAO 519

Chào mừng kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2021), Bảo tàng Đắk Lắk giới thiệu Di tích lịch sử Điểm cao 519 - nơi ghi dấu những chiến công vẻ vang của Trung đoàn 25 thuộc Bộ Tư lệnh B3, Quân khu V đã kiên cường bám trụ, không ngại hi sinh vượt qua mọi khó khăn gian khổ, bảo vệ trọng điểm, đánh thắng nhiều trận liên tiếp trên nhiều vị trí trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tháng 2/1975, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên và chọn Buôn Ma Thuột làm điểm quyết chiến chiến lược, mở màn cho cuộc tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Tỉnh ủy Đắk Lắk đã tổ chức học tập, quán triệt nhiệm vụ cho các lực lượng vũ trang toàn tỉnh, cùng cơ quan dân chính Đảng và đặc biệt giữ bí mật tuyệt đối các lực lượng quân chủ lực có mặt trên địa bàn, nhằm phối hợp đánh nhanh thắng lớn.

Trung đoàn 25 Bộ binh cơ động thuộc Bộ Tư lệnh B3 (Quân khu V) được thành lập ngày 15/9/1972, đóng quân tại vùng hậu cứ H5. Ngày 25/2/1975, đơn vị nhận nhiệm vụ quan trọng là cắt đường 21 bis (nay là Quốc lộ 26) tại cao điểm 519 thuộc huyện Khánh Dương, Khánh Hòa (nay là huyện M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk).

Trước nhiệm vụ khẩn trương này, trong vòng một tuần, Trung đoàn đã cùng quân và dân các dân tộc huyện M’Drắk củng cố công sự, đào hầm kiên cố cho các vị trí quan trọng. Ngày 2/3/1975, các đơn vị áp sát đường 21, bố trí trinh sát bám địch, bám đường.

Đúng 4 giờ 30 ngày 5/3/1975, tiểu đoàn 631 nổ súng tiêu diệt gọn đại đội bảo an định ở đồn Chư Sê, tiểu đoàn 2 phá các lô cốt đầu cầu số 2. Đồng thời, lực lượng công binh đánh sập cầu số 5, đường 26 bị cắt làm cho địch không đi lại, tiếp ứng được. Tiểu đoàn 3 nhanh chóng chiếm cao điểm 519 và khống chế khu vực chân núi Cư Pa và cùng với các vị trí khác tạo thành tuyến phòng thủ: chặn đầu, khóa đuôi và đánh quyết chiến điểm.

Sáng ngày 6/3/1975, địch nã pháo và huy động máy bay ném bom đồn Chư Sê và cao điểm 519, huy động tiểu đoàn 207 pháo binh bắn đi trước rồi ồ ạt xông thẳng vào vị trí cầu số 2, bộ đội ta tấn công bất ngờ từ ba phía không cho chúng rút, tiêu diệt hàng trăm tên địch, bắt sống tên tiểu đoàn trưởng và thu nhiều vũ khí. Ngày hôm sau, địch huy động máy bay trút hàng chục tấn bom xuống cao điểm 519 và nã pháo vào tuyến phòng thủ của ta. Chúng huy động 2 tiểu đoàn có xe tăng thiết giáp yểm trợ hùng hổ tiến đánh trực diện, nhưng bị quân ta tiến công từ nhiều hướng, nên phải quay lại huyện lỵ Khánh Dương. Những ngày sau đó, địch liên tục huy động máy bay trực thăng đổ quân, thả hàng chục tấn bom, bắn hàng trăm quả pháo vào vùng đóng quân của Trung đoàn. Nhưng trước sự kiên cường của các chiến sĩ Trung đoàn 25, địch không thể lọt qua được vị trí này.

Ngày 10/3/1975, Buôn Ma Thuột được giải phóng, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 25 được chỉ đạo ngăn chặn không cho địch tiếp ứng lên Buôn Ma Thuột. Ngày 11/3, địch huy động đến 11 tiểu đoàn lính biệt động, lính dù, dưới sự yểm trợ của pháo binh, xe tăng, máy bay trực thăng với quyết tâm phá tuyến phòng thủ của Trung đoàn hòng chiếm lại Buôn Ma Thuột. Chúng vấp phải sự kháng cự quyết liệt của ta kiên cường trên cao điểm 519, buộc phải rút lui và đến ngày 22/3/1975, đơn vị đã giải phóng được toàn bộ huyện Khánh Dương.

Ngày 6/3/1975, quân Ngụy cho tiểu đoàn thám kích lên mở đường. Sau 3 giờ chiến đấu, Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 25 đã tiêu diệt tiểu đoàn thám kích Ngụy. Suốt 3 ngày từ ngày 7 đến ngày 10/3/1975, quân Ngụy cho các tiểu đoàn bảo an 245, 228 đi từ Ninh Hòa lên mở đường, ứng cứu cho Buôn Ma Thuột, nhưng không sao lên được, đội công tác do đồng chí Ama Chí làm đội trưởng đã hỗ trợ 18 ấp ven Khánh Dương cùng đồng bào nổi dậy giành quyền làm chủ.

Ngày 8/3/1975, Trung đoàn 25 đánh chặn một đoàn, tiêu diệt 40 xe các loại tại km70, bắt sống hàng trăm tù binh ngụy, thu nhiều chiến lợi phẩm.

Ngày 20/3/1975, Trung đoàn 40 Ngụy và quân dù được tung lên Khánh Dương hòng cứu vãn tình thế và lập lá chắn ngăn chặn quân ta tại đây. Tuy nhiên, chúng đã bị Sư đoàn 10 bộ binh của ta tiêu diệt. Nhân dân Khánh Dương đã cùng với quân chủ lực bao vây uy hiếp diệt 2 tiểu đoàn 383, 264b, truy quét, bắt sống, gọi hàng gần 500 tên Ngụy, phối hợp với quân chủ lực bắn rơi tại chỗ 5 máy bay, thu 20 đại bác. Nhân dân đã phá ấp, chủ động treo cờ giải phóng trước cả thời gian quân chủ lực xuất kích, mặt khác lực lượng vũ trang và dân quân du kích của huyện đã phối hợp tổ chức bao vây tiêu diệt trung đoàn 40 sư đoàn 22 Ngụy, tấn công giải phóng quận lỵ Khánh Dương, các khu đồn bốt xung quanh quận lỵ, quần chúng nổi dậy giải phóng 18 ấp và 45 buôn còn lại của huyện, đây là đợt tấn công nổi dậy mạnh nhất làm cho địch hoang mang lúng túng đánh trả không kịp.

Ngày 22/3/1975, huyện M’Drắk được hoàn toàn giải phóng.

Chiến thắng tại điểm cao 519 đã tạo nên khí thế chiến đấu hào hùng cho quân và dân huyện M’Drắk, góp phần làm nên chiến công vang dội trên chiến trường; buộc Mỹ - Ngụy phải mở con đường máu trên tuyến QL 21 để rút lui.

Để tri ân sự mất mát to lớn của của quân và dân các dân tộc trong cuộc tấn công và nổi dậy ở khu vực huyện M’Drắk tại điểm cao 519. Năm 2010, Uỷ ban Nhân dân huyện M’Drắk phối hợp với Ban liên lạc Trung đoàn 25 đầu tư xây dựng công trình Nhà bia Tưởng niệm tại điểm cao 519 với tổng diện tích 3.750m2, tọa lạc trên khuôn viên một quả đồi tại km 72, quốc lộ 26 thuộc địa bàn xã EaPil, huyện M’Drắk.

Ngày 06 tháng 12 năm 2016, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk ra quyết định số 3633/QĐ-UBND xếp hạng Điểm cao 519 là Di tích lịch sử cấp tỉnh.





GD&TT