CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC “GIỜ HỌC LỊCH SỬ” VÀ HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM “EM LÀM CHIẾN SĨ” TẠI BẢO TÀNG ĐẮK LẮK

Trong tháng 02/2023, Bảo tàng Đắk Lắk đã đón tiếp hơn 4.000 lượt khách học sinh từ các trường học trong và ngoài tỉnh đến tham quan và trải nghiệm, các chương trình giáo dục tại Bảo tàng được triển khai một cách sâu rộng với nhiều hoạt động hấp dẫn, nhận được sự yêu thích và phản hồi tích cực của các đơn vị trường học.

Để tạo ra chương trình giáo dục hấp dẫn, thu hút học sinh tham gia, Bảo tàng Đắk Lắk luôn chú trọng đến việc xây dựng nội dung các chủ đề gắn liền với hiện vật, trưng bày tại bảo tàng; chương trình sách giáo khoa Lịch sử, Địa lý của các cấp học, cũng như tài liệu giáo dục địa phương của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Trong quá trình xây dựng chương trình, Bảo tàng Đắk Lắk luôn bám sát các chủ trương của Trung ương và địa phương, như: Quyết định số 2752/QĐ-BVHTTDL, ngày 31/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch triển khai công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa, năm thứ nhất (2022 - 2023); Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 09/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030”; Kế hoạch số 06/KH-UBND, ngày 10/01/2023 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk về việc triển khai thực hiện Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch phối hợp số 1788/KHPH-SVHTTDL-SGDDT, ngày 26/9/2018 của Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phối hợp tuyên truyền, giáo dục các giá trị di sản văn hóa cho học sinh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025.

Trên cơ sở đó, Bảo tàng Đắk Lắk thực hiện chương trình “Giờ học lịch sử” cho học sinh Trung học cơ sở và triển khai mô hình thí điểm tại trường Trung học cơ sở Phạm Hồng Thái, thành phố Buôn Ma Thuột.

Kết quả: Tại trường học, Bảo tàng Đắk Lắk đã thực hiện 06 buổi học cho 270 học sinh khối lớp 6-8. Các buổi học được thực hiện với số lượng học sinh từ 40 - 45 em, mang lại hiệu quả và chất lượng cao. Với tiêu chí: lấy học sinh làm trung tâm, những kiến thức mới thuộc về dân tộc học hay lịch sử được phân tích, diễn giải bằng hệ thống hình ảnh, hiện vật, phim tư liệu, kết hợp với các trò chơi trí tuệ “học mà chơi, chơi mà học” sinh động, bổ ích, đã tạo sự hứng khởi, đam mê tìm hiểu, chủ động tham gia, từ đó tổng hợp kiến thức và nắm bắt nội dung một cách nhanh chóng.

 

Một trong những nhân tố làm nên chất lượng và hiệu quả của các chương trình giáo dục tại trường học đó là cách lựa chọn, xây dựng bố cục bài giảng theo chủ đề, sự phong phú và khoa học của hệ thống hình ảnh, phim tư liệu bổ trợ:

 

“Giờ học lịch sử” không hề khô cứng mà hấp dẫn, lôi cuốn với “Trận đánh Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975”, gắn liền với sự kiện lịch sử của thành phố nơi các em sinh ra và lớn lên, từ đó khơi dậy tình yêu, hứng thú khám phá, tìm hiểu lịch sử quê hương đất nước.


Kết thúc các hoạt động tại trường học, các em học sinh được đến tham quan, tìm hiểu ở Bảo tàng Đắk Lắk, thông qua Giờ học lịch sử tại Sa bàn chiến thắng Buôn Ma Thuột và tham gia hoạt động trải nghiệm “Em làm chiến sĩ”, với sự hỗ trợ của các chú bộ đội đến từ Lữ đoàn Đặc công Bộ 198.



Giờ học lịch sử tại Sa bàn chiến thắng Buôn Ma Thuột



Trải nghiệm “đi không dấu”



Cùng chú bộ đội gấp chăn nội vụ


Sôi động, hấp dẫn và nhiều niềm vui, các hoạt động trải nghiệm tạo nên một sân chơi mới mẻ, bổ ích: hơn 90 em học sinh chia thành các đội chơi, được các chú bộ đội hướng dẫn thực hiện Điều lệnh đội ngũ, Gấp chăn nội vụ; Tham gia trò chơi “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” để hiểu biết hơn về quá trình hành quân, tập kết đến các địa điểm để chuẩn bị chiến đấu; Thi thuyết trình về Bếp Hoàng Cầm trên cơ sở hoạt động nhóm, thu thập thông tin, vẽ sơ đồ và trình bày trước Ban Giám khảo và các đội chơi.



Thuyết trình về Bếp Hoàng Cầm


Như vậy, thông qua các hoạt động giáo dục kết hợp trải nghiệm, đã nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động giáo dục tại Bảo tàng. Tạo không gian cho học sinh khám phá, trải nghiệm, giao lưu và học tập theo phương pháp mới. Kích thích học sinh rèn luyện tính chủ động, phát triển tư duy độc lập, sáng tạo, khả năng làm việc nhóm, rèn luyện ý thức tự giác và kỹ năng tự chiếm lĩnh kiến thức. Từ đó nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần dũng cảm kiên cường đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, ý thức giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ.

GDTT