CÀ PHÊ VÀ CÂU CHUYỆN VỀ CÁC ĐỒN ĐIỀN CÀ PHÊ Ở ĐẮK LẮK
Chào mừng Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 – năm 2023 với chủ đề “Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới”, sẽ diễn ra từ ngày 09/3 đến ngày 14/3/2023. Bảo tàng Đắk Lắk trân trọng giới thiệu các Di tích lịch sử gắn liền với quá trình phát triển cây cà phê và phong trào đấu tranh của công nhân đồn điền ở Đắk Lắk.
Cà phê lần đầu tiên được đưa vào Việt Nam từ năm 1857 và được nhập vào để trồng ở Việt Nam từ năm 1888. Giai đoạn đầu được trồng thử tại một số nhà thờ ở Ninh Bình, Quảng Bình,… và mãi tới đầu thế kỷ XX mới được trồng ở các đồn điền của người Pháp thuộc Phủ Quỳ (Nghệ An) và một số nơi ở Tây Nguyên.
Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, để khôi phục nền kinh tế kiệt quệ ở chính quốc, thực dân Pháp đã đẩy mạnh việc bóc lột các thuộc địa. Do nhu cầu các sản phẩm cao su, cà phê, chè tăng lên, trong khi đó đất đai vùng Đông Nam Bộ và các nơi khác đã mở rộng đến giới hạn có thể nên vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên màu mỡ được tư bản thực dân đặc biệt chú ý, đã đua nhau kéo lên Đắk Lắk bao chiếm đất đai, thiết lập hàng loạt đồn điền lớn nhỏ, kinh doanh đủ loại cây đặc sản có giá trị và tận thu mọi tài nguyên thiên nhiên quý hiếm của vùng này.
Từ năm 1899, theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương về “Quyền bảo hộ và khai thác Tây Nguyên”, thực dân Pháp bắt đầu chính thức cấp các giấy phép cho các công ty và tư nhân người Âu lập các đồn điền ở Đắk Lắk, mà trước hết là vùng xung quanh tỉnh lỵ Buôn Ma Thuột và hai bên các trục đường quốc lộ số 21, số 14. Các đồn điền lập ra kinh doanh nhiều cây công nghiệp dài ngày, ngắn ngày, chủ yếu là cây cao su và cây cà phê. So với các tỉnh khác trong cả nước, diện tích cây cà phê ở Đắk Lắk lúc đầu chưa nhiều, lại trồng muộn hơn, song đến năm 1930 đã nhanh chóng vượt lên nhiều nơi, xếp hàng thứ tư sau Đồng Nai Thượng, Sơn Tây và Thanh Hoá.
Như vậy, quá trình thành lập các đồn điền ở Đắk Lắk có hai thời kỳ: Thời kỳ đầu là trước năm 1923, do còn phải tập trung vào việc bình định, mở đường giao thông, xây dựng các cơ sở hạ tầng và phải tập trung cho chiến tranh ở châu Âu, nên thực dân Pháp chưa bỏ tiền đầu tư lên vùng Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Vì vậy, số đơn xin phép và số đồn điền được thiết lập thực tế chưa nhiều, chỉ mới có một số công ty và tư nhân thực sự có thế lực mới dám bỏ vốn ra kinh doanh. Trong những đồn điền đầu tiên được lập ra ở Đắk Lắk thời kỳ này có 2 cơ sở lớn nhất là Đồn điền CADA (Compagnie Agricole D’Asie) với số vốn đầu tư ban đầu là 56 triệu Frăng, diện tích 1.800 ha và đồn điền C.H.P.I (Compagnie des Hauts Plateaux Indochinois) với số vốn ban đầu là 10 triệu Frăng, diện tích là 1.371 ha (Theo Lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn tỉnh Đắk Lắk, NXB Lao động, Hà Nội – 1997, tr.32).
Từ năm 1923, Công sứ Sabachie cho thực hiện nhiều biện pháp để bình định tình hình, củng cố bộ máy chính trị, ban hành các chính sách cấp đất, tuyển dụng nhân công, khuyến khích giới chủ bỏ vốn xây dựng các đồn điền. Tại Sắc lệnh ngày 04/11/1928, Toàn quyền Đông Dương càng có ý thức hơn trong việc thiết lập các đồn điền ở vùng người dân tộc thiểu số bằng cách tạo điều kiện để bên cạnh đồn điền của các công ty lớn thì có các đồn điền nhỏ của bọn thực dân là quan chức chính quyền, sĩ quan quân đội với chiêu bài “vừa mở mang kinh tế vừa giúp trị an” (Theo Lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn tỉnh Đắk Lắk, NXB Lao động, Hà Nội – 1997, tr.33, tr.35).
Với những chủ trương và chính sách vừa trắng trợn vừa xảo quyệt của thực dân nên đến trước năm 1930, trên địa bàn Đắk Lắk đã có hàng chục đồn điền của các công ty và tư nhân người nước ngoài, chủ yếu là của người Pháp được thành lập. Riêng năm 1926 đã có trên 26 lá đơn xin lập đồn điền ở Đắk Lắk với diện tích khai thác là 200.000 ha (Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk 1930 -1954, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội – 2002, tr.30). Những đồn điền này nằm rải hai bên các trục đường quốc lộ 21, quốc lộ 14 và xung quanh Buôn Ma Thuột như: Đồn điền Ô giê, đồn điền Mô-ri, May-ô… Ở Buôn Hồ có Đồn điền Rossi rộng lớn, vừa trồng cao su vừa trồng cà phê (Theo Lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn tỉnh Đắk Lắk, NXB Lao động, Hà Nội – 1997, dẫn Hồi ký đồng chí Nguyễn Tâm Thu. Tài liệu lưu tại Liên hiệp Công đoàn tỉnh Đắk Lắk). Thời gian này, người Việt Nam, kể cả người Kinh và người dân tộc thiểu số đều không được phép lập đồn điền ở Đắk Lắk.
Việc thực dân tư bản Pháp ráo riết mở mang đường sá, xây dựng công sở, đua nhau thiết lập đồn điền ở Đắk Lắk đã tác động sâu sắc đến tình hình chính trị, xã hội và kết cấu giai cấp. Đồn điền được thiết lập đã dẫn đến sự hình thành của một lực lượng lao động theo lối công nghiệp phục vụ nó, đó là những công nhân giao thông, công nhân xây dựng, công nhân làm việc ở đồn điền. Các đồn điền lấy công nhân ở các tỉnh miền xuôi như: Quảng Trị, Thừa Thiên, Bình Định và thậm chí cả ở Bắc Kỳ, nhưng về sau do chúng muốn có một số lượng người khá đông để làm việc liên tục với giá rẻ mạt hơn nên dần dần việc tuyển mộ công nhân chủ yếu dựa vào nguồn tại chỗ của các dân tộc ít người. Vì vậy, công nhân trong các đồn điền ở Đắk Lắk có khoảng 70% là người địa phương còn 30% là đồng bào các tỉnh khác (Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk 1930 -1954, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội – 2002, tr.31).
Tất cả công nhân dù là người Kinh hay người Thượng đều là nạn nhân của chế độ bóc lột nặng nề của Pháp. Khi đã bước chân vào đồn điền họ bị chế độ lao động khổ sai tàn bạo vắt kiệt sức lực. Mỗi ngày, người công nhân phải làm vệc từ 11 - 14 giờ, đến mùa thu hoạch phải làm nhiều hơn. Nếu không bảo đảm kỹ thuật hoặc làm hư hỏng cây cối thì họ bị phạt và đánh đập dã man. Do chính sách khai thác ào ạt của thực dân Pháp, số lượng công nhân thường trực trong các đồn điền ngày càng tăng. Năm 1926, ở Đắk Lắk có khoảng 1.000 công nhân, đến năm 1941 - 1942 có khoảng 7.000 công nhân thường trực làm ở các đồn điền lớn, làm đường giao thông và hàng nghìn công nhân là nông dân ở các buôn làng đi làm theo chế độ công nhật (Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk 1930 -1954, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội – 2002, tr.31).
Đồn điền CADA (viết tắt những chữ cái đầu của cụm từ Compagnie agricole d’asie – nghĩa là Công ty Nông nghiệp Á Châu), bao chiếm một diện tích khá rộng từ km18 đến km47 ven quốc lộ 21 (nay là quốc lộ 26) tuyến Buôn Ma Thuột – Nha Trang. Đồn điền CADA là một trong những đồn điền lớn nhất và ra đời sớm nhất (1922). Quá trình khai thác mạnh nhất của đồn điền CADA bắt đầu từ năm 1925 đến năm 1934. Năm 1932, chỉ riêng đồn điền CADA đã có gần 1.000 công nhân. Việc lập các đồn điền và du nhập chủ nghĩa tư bản thực dân đã phá vỡ nền kinh tế cổ truyền của các dân tộc. Đồn điền Pháp thành lập cũng là thời điểm giai cấp công nhân Đắk Lắk bắt đầu ra đời mà chính họ là những nạn nhân của nạn cướp đoạt ruộng đất và bần cùng hoá.
Sự ra đời và trưởng thành của giai cấp công nhân ở CADA đã khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng Đắk Lắk, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong cao trào kháng Nhật cứu nước thời kỳ tiền khởi nghĩa, là sự chuẩn bị có ý nghĩa quyết định thắng lợi đối với cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 trên phạm vi toàn tỉnh Đắk Lắk. CADA với đội ngũ công nhân của mình đã trở thành căn cứ địa cách mạng vững chắc trước khi thực dân Pháp tái chiếm lại thị xã Buôn Ma Thuột và trong quá trình đấu tranh, bảo vệ những thành quả của cách mạng với một đội ngũ công nhân kiên cường, mang trong mình khả năng cách mạng to lớn của giai cấp công nhân Việt Nam, đã trở thành cơ sở vững chắc của Đảng và chính quyền cách mạng tỉnh, sẵn sàng chiến đấu dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Miếu thờ CADA: Đây là một nơi sinh hoạt tín ngưỡng của công nhân, cán bộ, chiến sĩ – những người lao động chất phác, hiền lành, anh dũng, kiên cường của cả một vùng Đồn điền CADA rộng lớn. Họ đã sử dụng ngôi miếu này làm nơi để thờ cúng thần hoàng làng và thờ tự tổ tiên, cầu sự bình an cho bản thân, gia đình, quê nhà. Đồng thời, Miếu cũng là nơi thờ cúng các công nhân, cán bộ, chiến sĩ đã đổ xương máu để đấu tranh, bảo vệ vùng Đồn điền CADA. Đây chính là nét đẹp văn hóa trong việc thờ cúng của công nhân đồn điền CADA nói riêng và của người dân Việt Nam nói chung.
Miếu thờ CADA tuy chỉ là một ngôi miếu nhỏ nhưng đây lại là nơi diễn ra một số cuộc họp Chi bộ Đồn điền CADA trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp.
Miếu thờ là nơi đặt hộp thư để trao đổi và nhận nhiệm vụ, báo cáo của cơ sở ở Đồn điền CADA. Đây cũng là nơi tổ chức lễ kết nạp đảng viên, công đoàn viên và đoàn viên và là nơi sinh hoạt của Chi đoàn Thanh niên, Công đoàn, đội tự vệ mật ở Đồn điền CADA từ năm 1964 đến cuối năm 1969.
Đặc biệt, tại Miếu thờ còn diễn ra một số cuộc họp của Chi bộ Đảng Đồn điền CADA trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ ác liệt. Ngoài ra, nơi đây còn là trạm liên lạc, tiếp tế lương thực cho các chiến sĩ hoạt động cách mạng tại khu vực Đồn điền CADA và các đồn điền lân cận.
Như vậy, có thể nói Miếu thờ CADA và những hạng mục công trình tại Đồn điền CADA đã cùng với công nhân, cán bộ chiến sĩ nơi đây đã góp phần làm nên lịch sử hào hùng của nhân dân Đắk Lắk nói riêng và của toàn dân tộc Việt Nam nói chung.
Hiện nay, vào ngày rằm, mùng một âm lịch hàng tháng, hoặc các ngày lễ, tết…nhân dân vùng Đồn điền cà phê CADA cũ, nay là xã Ea Yông, xã Ea Kênh huyện Krông Pač đều đến đây dâng hương, cầu an cho gia đình hoặc cầu siêu cho những công nhân, chiến sĩ đã hy sinh tại khu vực đồn điền trước đây. Thông qua nét đẹp văn hóa trong việc thờ cúng đã giáo dục truyền thống yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội cho lớp trẻ hôm nay và mai sau tiếp tục nỗ lực học tập theo gương cha anh, những lớp người đi trước đã xây nên truyền thống ấy.
Cùng với CADA, Đồn điền Rossi là một trong số các đồn điền vừa trồng cà phê, vừa trồng cao su có quy mô lớn do người Pháp thành lập ở Đắk Lắk vào năm 1926 (hiện nay thuộc đường Trần Hưng Đạo, phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ), nhằm thực hiện chủ trương đẩy mạnh hơn nữa công cuộc khai thác, bóc lột các thuộc địa ở Đông Dương và Việt Nam. Khi Đồn điền được thành lập cũng là thời điểm giai cấp công nhân Đồn điền Rossi bắt đầu ra đời mà chính họ là nạn nhân của nạn cướp đoạt ruộng đất và bần cùng hóa.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, công nhân Đồn điền Rossi đã đấu tranh quyết liệt nhằm chống lại sự áp bức, bóc lột tàn bạo của tư bản thực dân. Công nhân đồn điền dù là người Kinh hay người dân tộc thiểu số đều tự hào về một thời kỳ đấu tranh cách mạng sôi nổi của mình, thời kỳ đấu tranh bảo vệ quyền lợi lao động, giành độc lập, giành chính quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần đưa tới thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng Tám 1945, đánh dấu sự sụp đổ bộ máy cai trị của thực dân Pháp sau hơn 80 năm xâm lược nước ta.
Đồn điền Rossi là một trong những đồn điền do thực dân Pháp xây dựng ở Đắk Lắk, hiện nay vẫn được bảo vệ khá nguyên vẹn về kiến trúc, vị trí, công năng sử dụng. Đến với Đồn điền Rossi chúng ta còn được hiểu thêm về kiến trúc xây dựng đồn điền của thực dân Pháp, hiểu thêm về quá trình đem đến, trồng trọt và phát triển cây cà phê ở thị xã Buôn Hồ từ những năm 1926 để ngày nay cây cà phê đã trở thành một thế mạnh mang lại việc làm ổn định, thu nhập cao cho Nhân dân, góp phần ổn định kinh tế xã hội của thị xã Buôn Hồ nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung.
Cà phê là một trong những thức uống phổ biến trên thế giới, cũng là một ngành xuất khẩu quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột không chỉ quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột; tôn vinh những người sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê; giới thiệu hình ảnh đặc sắc về văn hóa cà phê và những tiềm năng, thế mạnh khác của địa phương và còn tuyệt vời hơn khi đến với Lễ hội, thưởng thức ly cà phê và nghe những câu chuyện lịch sử về quá trình phát triển của cà phê tại Đắk Lắk./.
GDTT