BẢO TỒN NHỮNG NGÔI NHÀ TRUYỀN THỐNG CỦA CÁC DÂN TỘC TÂY NGUYÊN

Kiến trúc nhà sàn đã gắn liền với đời sống văn hóa, vật chất của người Tây Nguyên hàng trăm năm qua. Các dân tộc ở Tây Nguyên có những thiết kế nhà ở độc đáo, phù hợp với tập quán và điều kiện thiên nhiên, môi trường nơi họ sinh sống. Nếu người M’nông ở phía Nam Tây Nguyên có ngôi nhà trệt mái vòm thì người Ê đê, Gia Rai sinh sống trong ngôi nhà sàn dài, các dân tộc còn lại như Ba Na, Xơ đăng,… lại sinh hoạt trong những ngôi nhà Rông. Ngôi nhà sàn là nơi che chở cho các gia đình và lan tỏa văn hóa của cộng đồng.

Tây Nguyên là một vùng đất hội tụ nhiều dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc có một thiết kế nhà sàn đặc trưng thể hiện nét văn hóa của riêng mình. Để làm nên được một ngôi nhà sàn, gia chủ cần sự hỗ trợ sức lực của cả cộng đồng trong buôn làng. Vật liệu làm nhà chủ yếu là gỗ, mây, tre, nứa được lấy trong các khu rừng tự nhiên gần nơi họ sinh sống. Sự kết hợp giữa những vật liệu đơn sơ, cùng tỉ lệ kết cấu khung gỗ phù hợp đã tạo nên những ngôi nhà sàn vững chãi và hài hòa với không gian sống của cộng đồng. Nhà thường dựng trên bãi đất rộng theo hướng Bắc - Nam, mát mẻ vào mùa khô, ấm áp vào mùa mưa, tránh được cái nắng nóng gay gắt của cao nguyên từ hướng Tây. Gầm sàn cao để có thế làm nơi nuôi nhốt trâu bò, tránh được thú dữ vì cư trú giữa rừng. Bên cạnh đó, vì tập quán chọn nơi cư trú gần các bến sông lớn (Ayun, Srêpôk, Ya Ly, sông Ba…) nên chân cột nhà sàn của người Giarai thường cao hơn so với nhà sàn của các dân tộc khác. Mang đặc tính mẫu hệ, nên mỗi khi có một cô con gái lấy chồng, thêm một cặp vợ chồng trẻ, nhà sàn lại được nối thêm một ngăn. Càng nhiều con gái lập gia đình, nhà càng dài thêm.



Nhà dài Êđê, năm 1965


Trong xã hội Êđê cổ truyền, nhà dài là nơi cư trú của đại gia đình mẫu hệ. Dưới mái nhà dài gồm những gia đình nhỏ của các con gái, cháu gái sinh thành từ một người Bà (Bà Tổ). Từ khoảng giữa thế kỷ 20 trở về trước, nhà dài thường là nơi chung sống của hàng chục gia đình nhỏ nên có câu miêu tả “nhà dài bằng một tiếng chiêng ngân” như trường ca sử thi Đam San đã nhắc tới.


Các tộc người Ba Na, Xơ đăng, Gia Rai thường định cư một chỗ nên có nhà sinh hoạt cộng đồng, gọi chung là Rông. Ngôi nhà Rông của các cộng đồng làng đều là nhà sàn, phổ biến có hình dạng mái cao vút dáng như lưỡi rìu, vượt hẳn lên trên mái các ngôi nhà trong làng. Trên mái nhà Rông, cầu thang lên xuống, các xà ngang, cột cái trong nhà đều được trang trí nhiều mô típ hoa văn.



Nhà sàn Giarai, năm 1964



Nhà sàn Bana, 1964


Các tộc người thuộc nhóm có tập quán di cư như M’nông, Cơ Ho, Chil… không có nhà Rông, chỉ sử dụng nhà của tù trưởng làm nơi sinh hoạt cộng đồng.


Nhà trệt dài mái vòm của người M’nông cũng khá đặc trưng, bảo lưu nhiều nét cổ xưa. Nhà thấp, trong nhà rất tối vì ít bố trí cửa, mái sau dài đến sát đất, cửa ra vào thường bố trí phía bên hông (đầu hồi) và phía trước. Chiếc cửa nhỏ, thấp, người ra vào phải khom lưng xuống giống như chui vào hang động. Cửa ra vào đều có mái nhô ra và theo mô típ cửa vòm, nhìn xa giống như lỗ tò vò. Mỗi nhà chứa từ năm mười hộ cho đến hàng chục hộ, mỗi hộ đều có kho lúa và bếp nấu ăn riêng, của cải tài sản cũng phải quản lý riêng biệt từng hộ. Bố trí trong ngôi nhà dài theo một trật tự được qui định: Kho lúa đều bố trí cửa phía ngoài, mỗi kho lúa đều có thang riêng để bắt lên khi cần lấy lúa. Hai bên cửa kho lúa có đặt hai bồ lúa to đựng lúa giống và đựng lúa tiết kiệm, khi lúa trong kho đã hết mới lấy lúa trong bồ ăn. Cột nhà làm bằng cây tốt không bị mối ăn, cột nhà chôn dưới đất đến vài chục năm vẫn không hư.



Nhà Hrê


Nhà là một trong những yếu tố văn hóa truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên, nhưng đáng tiếc là đang dần bị mai một, bởi một phần do không còn nguyên vật liệu và một phần ảnh hưởng bởi sự thuận tiện của kiến trúc đô thị. Người dân tự xây, cất nhà của mình theo hướng “bê tông hóa”, “ngói hóa” nhưng chưa được quy hoạch, định hướng cụ thể, dẫn đến nhiều buôn làng hiện nay không còn ngôi nhà sàn cổ nào, nhất là ở những nơi tái định cư, khu kinh tế phát triển … Do đó, việc gìn giữ, bảo tồn một số loại hình kiến trúc cổ truyền cần sự quan tâm của các cấp, các ngành, của các nhà chuyên môn và sẽ góp phần vô cùng quan trọng trong bảo tồn kiến trúc văn hóa truyền thống của Tây Nguyên.










Hồng Tâm