BẢO TÀNG ĐẮK LẮK VÀ QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “ĐẨY MẠNH CÁC HOẠT ĐỘNG HỌC TẬP SUỐT ĐỜI TRONG CÁC THƯ VIỆN, BẢO TÀNG, NHÀ VĂN HÓA, CÂU LẠC BỘ”
Bảo tàng Đắk Lắk là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Năm 2014, Bảo tàng trở thành thành viên của Hội đồng Quốc tế Bảo tàng (ICOM) và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng I trong hệ thống bảo tàng Việt Nam. Qua quá trình phấn đấu, hoạt động không ngừng nghỉ, Bảo tàng Đắk Lắk tiếp tục được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được trong 8 năm qua. Ngày 16/3/2022, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 572/QĐ-BVHTTDL tiếp tục xếp hạng I quốc gia đối với Bảo tàng Đắk Lắk.
Bảo tàng Đắk Lắk hiện đang lưu giữ gần 13.000 hiện vật, trong đó có hơn 2.000 hiện vật văn hóa dân tộc, 4.000 phim, ảnh tư liệu và trên 6.000 hiện vật khảo cổ, lịch sử. Với ba không gian trưng bày thường xuyên: Văn hóa dân tộc, đa dạng sinh học và lịch sử; cùng với các trưng bày chuyên đề đặc sắc, Bảo tàng Đắk Lắk là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, phản ánh sinh động và đầy đủ lịch sử vùng đất, văn hoá, con người trên mảnh đất cao nguyên.
Từ tháng 3/2020, Bảo tàng Đắk Lắk được giao thêm chức năng quản lý và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh. Hiện nay Bảo tàng Đắk Lắk gồm một tòa nhà làm việc và trưng bày tọa lạc ngay trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột và 41 di tích đã được xếp hạng (trong đó 02 di tích quốc gia đặc biệt; 17 di tích quốc gia và 22 di tích cấp tỉnh).
Để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” theo Quyết định số 208/QĐ-TTg, ngày 27/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Bảo tàng Đắk Lắk đã bám sát các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Trung ương và của tỉnh để tham mưu, triển khai thực hiện như: Quyết định số 89/QĐ-TTg, ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012- 2020”; đặc biệt là Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương về "Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước".
1. Những kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” tại Bảo tàng Đắk Lắk, giai đoạn 2014 - 2021
Xác định hoạt động giáo dục tại bảo tàng là một lĩnh vực chuyên biệt với mục tiêu chính là thu hút công chúng tham gia trải nghiệm để kích thích sự tò mò và hứng thú của họ đối với hiện vật và các bộ sưu tập của bảo tàng. Môi trường giáo dục trong bảo tàng thúc đẩy việc học tập đa phương diện, nâng cao năng lực tư duy và phát triển khả năng học tập suốt đời của mỗi cá nhân: “Thông thường các hoạt động giáo dục của bảo tàng chỉ liên quan đến trẻ em, nhưng những đối tượng khách tham quan lớn hơn, trẻ em cũng như người lớn, đều mong muốn có được những nhận thức từ việc học trong bảo tàng. Những người thành niên đang tìm cơ hội để học hỏi cùng với gia đình của họ. Vai trò của nhà giáo dục bảo tàng chính là để phục vụ như một người ủng hộ cho khách tham quan bảo tàng và để đảm bảo sự tiếp cận hiện vật của công chúng thông qua những chương trình giáo dục được chuẩn bị kỹ càng và được giới thiệu tràn đầy cảm xúc.” (Cẩm nang bảo tàng – Gary Edson, David Dean).
Từ năm 2014 - 2021, Bảo tàng Đắk Lắk luôn chú trọng và đa dạng hóa các hoạt động giáo dục, tạo ra những chương trình thiết thực, ý nghĩa, đưa bảo tàng đến gần với công chúng.
Trên cơ sở các bộ sưu tập hiện vật, Bảo tàng Đắk Lắk đã khảo sát, nghiên cứu, xây dựng các chương trình giáo dục phù hợp với các đối tượng khác nhau, trong đó đặc biệt quan tâm đến đối tượng học sinh. Bên cạnh đó, Thư viện chuyên ngành Bảo tàng Đắk Lắk với phòng đọc thoáng mát, kho sách riêng đáp ứng tiêu chuẩn luôn đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó chủ yếu là nhà nghiên cứu và học sinh, sinh viên, với gần 6.000 đầu sách với nhiều ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Êđê thuộc các chuyên ngành Bảo tàng, Lịch sử, Đa dạng sinh học, Khảo cổ, Văn hóa, Danh nhân, Quân sự… Đặc biệt, Thư viện còn lưu trữ 387 văn bản Sử thi Tây Nguyên như sử thi Êđê, Mnông, Xơ đăng, Ba na, Gia rai được viết dưới hình thức song ngữ Việt - Êđê …; 235 quyển sách nói về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều truyện cổ, sách chuyên khảo, phong tục, tập quán, văn hóa, nghệ thuật của các dân tộc ở Tây Nguyên. Đây là một kho tàng văn hóa, tri thức quý báu để mọi người trong cộng đồng các dân tộc tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa các tộc người tại chỗ.
Các chương trình giáo dục của Bảo tàng Đắk Lắk bao gồm nhiều hình thức như: Tổ chức các buổi tham quan trưng bày; các hoạt động trải nghiệm; các chương trình tuyên truyên giáo dục di sản tại bảo tàng và tại các trường học; các chương trình đố vui nhân các dịp lễ, tết và sự kiện quan trọng; các chương trình trắc nghiệm kiến thức trực tuyến; tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu nhân chứng lịch sử; trưng bày lưu động với nhiều chủ đề khác nhau, giới thiệu sách mới trên Fanpage, website Bảo tàng, xây dựng video clip giới thiệu về thư viện kết hợp trưng bày sách chuyên đề …
Trong thời đại số hiện nay, việc kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục với truyền thông là một trong những yếu tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định thành công của các chương trình giáo dục, lan tỏa và tạo dấu ấn sâu rộng trong cộng đồng. Do đó Bảo tàng Đắk Lắk luôn chú trọng việc tuyên truyền các hoạt động giáo dục một cách thường xuyên, liên tục trên các kênh truyền thông, mạng xã hội, tạo mối quan hệ và tăng cường tương tác với công chúng, khảo sát, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của công chúng để đổi mới các hoạt động giáo dục ngày càng phù hợp hơn.
Năm 2019, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bảo tàng Đắk Lắk hướng đến các hoạt động giáo dục trực tuyến thông qua các câu chuyện hiện vật, câu hỏi trắc nghiệm trên trang fanpage, facebook và kênh youtube của đơn vị, tham gia học tập, xây dựng giáo án điện tử, xây dựng kế hoạch tổ chức các tiết học trực tuyến về di sản văn hoá, lịch sử cho đối tượng là học sinh tiểu học.
Song song với hoạt động giáo dục là các chương trình trải nghiệm thú vị: Làm gốm không có bàn xoay, vẽ hoa văn, nung gốm lộ thiên cùng với nghệ nhân người M’nông; Đan lát, chế tác nhạc cụ dân tộc, hát Eirei cùng nghệ nhân Êđê; Khám phá kỹ thuật dệt vải, tạo hoa văn của người Êđê,….góp phần đưa các di sản văn hoá của dân tộc đến gần với công chúng, kích thích sự học hỏi, tìm tòi, tình yêu, niềm tự hào với quê hương, đất nước, đam mê học tập, khám phá những điều thú vị về văn hoá, lịch sử của dân tộc.
Để nâng cao hiệu quả của đề án, Bảo tàng Đắk Lắk đã tham mưu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng, ban hành Kế hoạch số 1788/KHPH-SVHTTDL-SGDĐT, ngày 26/9/2018 về việc tuyên truyền, giáo dục các di sản văn hoá cho học sinh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2025; Các chương trình phối hợp với trường học triển khai thực hiện phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Từ năm 2014 - 2021 Bảo tàng Đắk Lắk đón gần 350.000 lượt khách, trong đó có gần 90.000 lượt học sinh, 18.000 sinh viên đến từ các trường học trong và ngoài tỉnh. Các chương trình giáo dục tại Bảo tàng Đắk Lắk được đầu tư, đổi mới về hình thức, đa dạng về nội dung giúp nhà trường, phụ huynh và học sinh có nhiều sự lựa chọn, có cơ hội tương tác, trao đổi, thảo luận, học tập và rèn luyện các kỹ năng qua các hoạt động “Học mà chơi, chơi mà học” theo hướng giáo dục tích cực, tạo ra không gian trải nghiệm ngoài lớp học với nhiều niềm vui và sáng tạo.
Đưa học sinh đến với bảo tàng thông qua trưng bày kết hợp với các hoạt động giáo dục, trải nghiệm luôn được Bảo tàng Đắk Lắk chú trọng. Trên cơ sở các sưu tập hiện vật của Bảo tàng Đắk Lắk, kết hợp với các nội dung trưng bày về Văn hoá dân tộc, Đa dạng sinh học, Lịch sử, các chương trình giáo dục như “Em yêu lịch sử”, “Âm nhạc Cồng chiêng”, “Tìm hiểu các di tích đã xếp hạng và di tích tiềm năng trên địa bàn tỉnh”, “Hoàng Sa, Trường Sa - Những bằng chứng lịch sử ”; Văn hóa của mình “Truyền thống và biến đổi”; “Hoàng Sa - Trường Sa trong trái tim em”; “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam - Đắk Lắk hướng về biển đảo quê hương”; “Ký ức về trận đánh Buôn Ma Thuột”, “Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên”, “Quân - Dân Đắk Lắk, chung sức đồng lòng”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh- Cuộc đời và sự nghiệp”, “Ché trong đời sống của người Êđê tại Đắk Lắk”, … đã góp phần không nhỏ vào việc giới thiệu, tuyên truyền và phát huy di sản văn hoá của dân tộc, tạo sân chơi, cơ hội tìm hiểu và thể hiện những hiểu biết về văn hoá. Kết nối bảo tàng và các đơn vị trường học, hướng đến các mục tiêu tuyên truyền, giáo dục di sản văn hoá một cách sâu rộng, thiết thực và đạt hiệu quả cao, gieo mầm cho sự yêu thích, chủ động khám phá và ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc.Từ đó giáo dục truyền thống yêu nước đối với thế hệ trẻ, nâng cao ý thức gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Để có những kết quả như trên, Bảo tàng Đắk Lắk đã tích cực, chủ động, tham mưu cụ thể hóa các nội dung của Đề án thông qua các kế hoạch cụ thể, gắn liền với bảo tàng và di tích; Thường xuyên duy trì và xây dựng mối liên hệ chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương để kết nối các hoạt động giáo dục diễn ra tại Bảo tàng Đắk Lắk một cách nhanh chóng, hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng; Tăng cường kết nối bảo tàng với các đơn vị, trường học, hướng đến các mục tiêu tuyên truyền, giáo dục di sản văn hoá một cách sâu rộng, thiết thực và đạt hiệu quả cao; Kết hợp giữa hoạt động giáo dục tại bảo tàng với các môn học Địa lý, Lịch sử địa phương để tạo ra các chương trình chất lượng, từ cơ bản đến chuyên sâu. Xây dựng và tổ chức các chương trình giáo dục di sản có tính dài hạn.
Bên cạnh tổ chức các trưng bày có chất lượng, Bảo tàng Đắk Lắk còn phối hợp với một số bảo tàng trong nước tổ chức trưng bày lưu động như: Trưng bày “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam” của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại tỉnh Đắk Lắk; Trưng bày “Văn hóa các dân tộc Đắk Lắk” tại Trung tâm bảo tồn Di tích quốc gia Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng tàu; Trưng bày “Cồng chiêng Tây Nguyên – Xưa và nay” tại bảo tàng các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, … nhằm tôn vinh, phát huy các giá trị lịch sử, văn hoá và kết nối các loại hình di sản văn hoá của Việt Nam. Góp phần tăng cường, thúc đẩy sự liên kết, xúc tiến, quảng bá tiềm năng thế mạnh về văn hoá, lịch sử, con người giữa các vùng miền, tạo thành chuỗi giá trị phát triển sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác các thế mạnh về giá trị di sản văn hoá, đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế.
Sau một thời gian triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ”, Bảo tàng Đắk Lắk đã đạt những kết quả tích cực, trở thành một trong những bảo tàng địa phương hoạt động hiệu quả, được các bảo tàng khu vực Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung quan tâm.
2. Bài học kinh nghiệm
Không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, viên chức. Hàng năm Bảo tàng Đắk Lắk đều gửi viên chức tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục di sản văn hóa, Viện văn hoá nghệ thuật quốc gia,.. tổ chức; tăng cường trao đổi, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giữa các bảo tàng, từ đó nâng cao năng lực học tập suốt đời cho đội ngũ công chức, viên chức.
Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tuyên truyền thông qua nhiều hình thức trên các nền tảng, kênh truyền thông của đơn vị;
Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng điều kiện tổ chức các hoạt động học tập suốt đời; tăng cường đưa di sản văn hóa đến cơ sở thông qua các hình thức triển lãm lưu động, trưng bày chuyên đề; đổi mới hoạt động bảo tàng, gắn di sản văn hóa với giáo dục học đường, tăng cường sự liên kết với ngành giáo dục và đào tạo, các đơn vị trường học để đạt hiệu quả phối hợp cao nhất.
3. Kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn 2021 – 2030 để thực hiện hiệu quả việc “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ”:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhân dân địa phương, đặc biệt là thế hệ trẻ về hoạt động giáo dục tại bảo tàng, về xây dựng ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa vì sự phát triển bền vững của dân tộc.
Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ hoạt động giáo dục tại bảo tàng, trong đó việc xây dựng không gian riêng để thực hiện các hoạt động giáo dục tại bảo tàng là trong những giải pháp tiên quyết và cấp thiết bởi “Cách thiết kế và sử dụng không gian có vai trò khuyến khích sự tương tác, giao tiếp và các mối quan hệ (Gandini,1993)”.
Tăng cường đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo nghiệp vụ chuyên môn trong hoạt động giáo dục, tổ chức các sự kiện văn hóa và các hoạt động trải nghiệm; nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ cho đội ngũ thuyết minh viên.
Xây dựng và phát triển các trưng bày có chất lượng gắn với các hoạt động giáo dục, trải nghiệm thiết thực, tạo thương hiệu riêng cho các chương trình giáo dục tại bảo tàng.
Để lan tỏa văn hóa đọc ngày càng rộng rãi, hàng tuần Thư viện chuyên ngành thực hiện chuyên mục “Mỗi tuần một quyển sách” với hình thức trực tuyến thông qua Fanpage, website Bảo tàng Đắk Lắk.
Lựa chọn các công cụ quảng bá hữu hiệu: Website, youtube, fanpage facebook, instagram,..., đa dạng hóa các hình thức truyền thông, đồng thời liên kết với các website du lịch khác, mạng xã hội, truyền hình, tờ rơi, bản đồ du lịch và tham gia các sự kiện du lịch trong tỉnh, khu vực và trong nước.
Đẩy mạnh việc liên kết, hợp tác với bảo tàng các địa phương, các cơ quan du lịch, cơ sở giáo dục và các trường học về tổ chức các hoạt động giáo dục trong bảo tàng, nhằm sử dụng bảo tàng trong hoạt động giáo dục được hiệu quả nhất./.
GDTT