THƯ VIỆN CHUYÊN NGÀNH BẢO TÀNG ĐẮK LẮK GIỚI THIỆU NHỮNG CUỐN SÁCH QUÝ VỀ CÁC DÂN TỘC THIẾU SỐ Ở VIỆT NAM
Việt Nam có 54 dân tộc anh em cùng sinh sống. Mỗi dân tộc có một bản sắc riêng. Tất cả tạo nên một bức tranh văn hóa rực rỡ, đa sắc màu. Việc tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc là nhu cầu của nhiều bạn đọc trong và ngoài nước, Bảo tàng Đắk Lắk xin giới thiệu những cuốn sách về văn hóa tộc người có tại Thư viện chuyên ngành như sau:
1. Người Chu Ru ở Việt Nam
Sách do Nhà xuất bản Thông Tấn xuất bản năm 2016, dày 154 trang, khổ 20x20cm.
Chu Ru là một trong năm tộc người nói ngôn ngữ Malayô - Pôlynêsia (Nam Đảo) ở nước ta. Người Chu Ru định cư, định canh trồng lúa nước là chính, văn hóa các tộc người nhóm ngôn ngữ Malayô - Pôlynêxia nói chung và Chu Ru nói riêng mang đậm sắc thái đặc trưng với yếu tố mẫu hệ và nhiều giá trị khác... Để góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, Nhà xuất bản Thông Tấn đã biên soạn cuốn sách Người Chu Ru ở Việt Nam. Qua những hình ảnh phản ánh trên nhiều phương diện từ nguồn gốc và phân bố dân cư, buôn làng, nhà ở, nguồn sống, trang phục lễ hội cho đến phong tục tập quán, khắc họa lên nét văn hóa sinh động, độc đáo ở tộc người Chu Ru và các dặm dài trong lịch sử mà họ đã đi qua.
2. Người Dao
Sách do Nhà xuất bản Trẻ xuất bản năm 2005, của các tác giả Chu Thái Sơn (chủ biên), Võ Mai Phương. Sách dày 106 trang, khổ 16x24cm.
Qua những hình ảnh, bài viết được giới thiệu giúp bạn đọc nắm bắt được nguồn gốc lịch sử, các hoạt động kinh tế và những đặc trưng văn hóa đặc sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người Dao. Văn hóa truyền thống của người Dao vừa phản ánh những nét chung đồng thời còn chứa đựng những yếu tố riêng trong từng nhóm. Để duy trì cuộc sống người Dao, tác giả đã thiết lập một hệ thống nông nghiệp gồm: trồng trọt trên đất dốc, canh tác ruộng bậc thang, vườn rừng, chăn nuôi…. Giá trị truyền thống người Dao còn biểu hiện rõ trong tiếng nói, chữ viết, nhà cửa, trang phục, các yếu tố văn hóa này góp phần duy trì bản sắc văn hóa của họ.
3. Người Gia rai
Sách của các tác giả Chu Thái Sơn (chủ biên) và Nguyễn Trường Giang, do Nhà xuất bản Trẻ xuất bản năm 2005, dày 118 trang, khổ 16x24cm.
Nội dung sách nói về lịch sử tộc người, các hoạt động kinh tế để mưu sinh, tập quán trong việc dựng nhà, ăn, ở, mặc,...; những tập tục trong hôn nhân, sinh đẻ, ma chay và những hoạt động tinh thần như: lễ hội, cúng bái, vui chơi, ca hát...
4. Người Co
Sách do Nhà xuất bản Trẻ xuất bản năm 2005, của các tác giả Chu Thái Sơn (chủ biên) và Phạm Văn Lợi. Sách dày 107 trang, khổ 16x24cm.
Sách bàn về các vấn đề như: Quan hệ xã hội của người Co, tín ngưỡng và văn hoá tri thức, tập tục trong sản xuất, ốm đau, lễ cưới, sinh nở, ma chay, bản sắc của một dân tộc là ngôn ngữ, những tập tục khi sinh ra, lớn lên dựng vợ, gã chồng và chết đi… Sự kết hợp giữa nội dung và hình ảnh minh họa tạo nên tính đặc sắc cho tác phẩm.
5. Người Mảng ở Việt Nam
Nhà xuất bản Thông Tấn, năm xuất bản 2016, sách dày 168 trang, khổ 20x20cm.
Dân tộc Mảng, cũng như nhiều dân tộc ở Tây Bắc, là một bộ phận của cư dân Môn - Khme thuộc hệ ngôn ngữ Nam Á, sinh sống bằng canh tác nương rẫy “ăn nương”. Họ đã và đang bảo lưu một số tín ngưỡng mang tính chất sơ khai như: tục trồng cây tình cho lúa, tục thờ hồn lúa, mẹ lúa, lễ đặt tên, lễ trưởng thành, lễ gọi hồn chữa bệnh,… Sách được trình bày dưới dạng song ngữ Việt - Anh, với các hình ảnh thể hiện nguồn gốc lịch sử, phân bố dân cư, bản làng, nhà ở, trang phục, nguồn sống, tín ngưỡng, lễ hội và phong tục tập quán của người Mảng ở Việt Nam.
Ngoài những cuốn sách trên, Thư viện chuyên ngành Bảo tàng Đắk Lắk còn có nhiều tác phẩm khác về văn hóa các dân tộc, sách nghệ thuật, khảo cổ, văn học…
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Trần Nguyệt