GIỚI THIỆU SÁCH: “BẢN SẮC VĂN HÓA VIỆT NAM”
Trải dài trên mảnh đất hình chữ S, Việt Nam gồm 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều mang một nét văn hóa, bản sắc rất riêng và ấn tượng. Chính sự khác biệt về thành phần dân tộc này đã góp phần tạo nên nét đẹp rất đa dạng, phong phú và đặc sắc cho nền văn hóa của Việt Nam. Bản sắc văn hóa của các dân tộc thể hiện rõ nét trong đời sống sinh hoạt cộng đồng và trong các hoạt động kinh tế từ phong tục tập quán, trang phục cho đến phong cách ẩm thực…
Nhằm giới thiệu đến quý bạn đọc bức tranh đa sắc màu về bản sắc văn hóa Việt Nam với khía cạnh khoa học, lịch sử, Thư viện Bảo tàng Đắk Lắk xin giới thiệu đến quý bạn đọc cuốn sách: “Bản sắc Văn hóa Việt Nam”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hóa làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên đi lợi ích riêng. Văn hóa làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà, ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc của mình nên được hưởng.”
Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam được hình thành, phát triển gắn liền với lịch sử dựng nước, giữ nước và quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bản sắc văn hóa dân tộc là tổng hòa những giá trị văn hóa bền vững, phản ánh diện mạo, sắc thái, cốt cách, tâm hồn, tâm lý… của một dân tộc, được thường xuyên bổ sung và lan tỏa trong lịch sử dân tộc, trở thành tài sản tinh thần đặc sắc, tạo nên sức mạnh gắn kết cộng đồng và để phân biệt sự khác nhau giữa dân tộc này với dân tộc khác trong cộng đồng nhân loại. Những giá trị ấy là một trong những động lực to lớn, đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của một quốc gia.
Một trong số những công trình nghiên cứu về văn hóa nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng, tác phẩm “Bản sắc văn hóa Việt Nam” của GS. Phan Ngọc có một vị trí vô cùng đặc biệt, tác giả đã xây dựng những khái niệm nền tảng, những phương pháp cơ bản cho ngành văn hóa Việt Nam.
Cuốn sách được Nxb Văn hóa Thông tin xuất bản năm 2004 với 523 trang sách bao gồm 16 chương và được chia làm ba phần:
Phần I: “Những khái niệm mở đầu” gồm 4 chương từ trang 14 đến trang 121 sẽ cung cấp cho độc giả những khái niệm cơ bản của văn hóa học, bản sắc văn hóa và cách tiếp cận của tác giả trong nghiên cứu văn hóa. Sự khác nhau giữa văn hóa Trung Quốc và văn hóa Việt Nam.
Phần II: “Giao lưu văn hóa” gồm 10 chương từ trang 130 đến trang 432 giới thiệu một số vấn đề cụ thể trong văn hóa Việt Nam như: Bản sắc văn hóa Việt Nam trong giao lưu văn hóa, nền tảng của giao lưu quốc tế; đạo Nho Việt Nam - một sự khúc xạ, trí thức Việt Nam xưa với văn hóa. Một nội dung khác của phần II là những minh chứng của việc áp dụng phương pháp tiếp cận văn hóa học để nghiên cứu, lý giải một số chủ đề trong văn hóa, lịch sử, dân tộc học Việt Nam như: Truyền thống quân sự Việt Nam - nền tảng mọi thắng lợi quân sự, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đỉnh cao của văn hóa dân tộc, Tiếp xúc văn hóa Việt – Pháp...
Phần III: “Bảo vệ và phát huy văn hóa” gồm 2 chương, từ trang 478 đến trang 507, trình bày những suy nghĩ, giải pháp, đề xuất của tác giả để bảo vệ văn hóa Việt Nam trong quá trình giao lưu hội nhập như: Cách phát huy văn hóa trong cuộc tiếp xúc văn hóa hiện nay, ưu thế của văn hóa Việt Nam trong giai đoạn kinh tế thị trường.
Trong cuốn sách này tác giả đã đưa ra một số khái niệm như: “khúc xạ văn hóa”, “tiếp xúc văn hóa”, “truyền thống vượt gộp trong văn hóa Việt Nam”, “nhân cách luận Việt Nam”, “một định nghĩa thao tác luận về văn hóa”. Bên cạnh đó, cuốn sách sẽ giúp người đọc trả lời được các câu hỏi liên quan đến người Việt và văn hóa Việt như: Bản sắc văn hóa Việt Nam là gì? Văn hóa Việt Nam khác văn hóa Trung Hoa, văn hóa Pháp...ở chỗ nào?. “Bản sắc văn hóa Việt Nam” là một cuốn sách dành cho tất cả những ai quan tâm, tìm hiểu đến văn hóa học và văn hóa Việt Nam.
Sách hiện đang được phục vụ tại Thư viện chuyên ngành của Bảo tàng Đắk Lắk. Thân mời quý độc giả đến tìm đọc.
Trần Nguyệt