TẬP TRUYỆN CỔ: TRUYỀN THUYẾT VỀ DÒNG HỌ NIÊ MLA (Truyện cổ Êđê)

Như một dòng suối mát trong lành, truyện cổ Êđê thực sự là món ăn tinh thần không thể thiếu của những người con “da nâu, mắt sáng, dáng vóc hiền hòa” trên mảnh đất cao nguyên Đắk Lắk.


Trước đây, người Êđê có thói quen nghe truyện cổ. Mỗi khi đêm về, họ lại cùng nhau ngồi bên bếp lửa, nghe người già kể chuyện về chàng Y Rit, về anh em Siêng – Kliăng,… để rồi suy ngẫm, rút ra những bài học về cuộc sống, về con người và loài vật, biết cách sống sao cho tốt, cho ý nghĩa với đời. Đã bao thế hệ sinh ra và lớn lên, mang theo những câu chuyện cổ như bài học đầu tiên cho hành trang vào đời.


Hiện nay, theo xu thế phát triển của xã hội, cuộc sống của người Êđê đã có nhiều thay đổi, tại các buôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk số người biết truyện cổ ít dần, trẻ em Êđê cũng ít được nghe, thậm chí là không biết đến truyện cổ của dân tộc mình.


Cuốn truyện cổ Êđê gồm những câu chuyện được ghi lại theo lời kể của những người già sống tại buôn Pan, xã Êa Yông, huyện Krông Pač. Qua cuốn sách, những người làm công tác nghiên cứu, sưu tầm của Bảo tàng Đắk Lắk trân trọng giới thiệu tới độc giả nét đẹp văn hóa của một trong ba cư dân bản địa nơi đây.



Sách do Tiến sĩ Lương Thanh Sơn chủ biên với nội dung bằng tiếng Việt và tiếng Êđê do phòng Nghiên cứu và Sưu tầm, ông Trần Quang Năm và ông Y Dhiư Niê sưu tầm và dịch thuật. Cuốn sách được Nhà xuất bản Thế Giới xuất bản năm 2013.


Sách có kích thước: 13x19cm, gồm 264 trang với 13 câu chuyện cổ song ngữ Êđê – Việt.


Đôi nét về tập truyện cổ “Truyền thuyết về dòng họ Niê Mla


Tập truyện cổ “Truyền thuyết về dòng họ Niê Mla” gồm 13 câu chuyện đã được chọn lọc, biên dịch thành song ngữ Êđê – Việt để giới thiệu bạn đọc. Mỗi câu chuyện là một bức tranh sinh động về phong tục, tập quán và con người buôn Pan thời xa xưa với khát vọng vươn lên xóa bỏ cái ác, cái bất công, xây dựng cuộc sống ấm no và giàu đẹp.



Các câu chuyện được phản ánh trong tập sách “Truyền thuyết về dòng họ Niê Mla” được thể hiện theo thời gian, không gian giả định, có đầu có cuối. Ngôn ngữ mang đậm lời ăn tiếng nói hàng ngày của cộng đồng, kết hợp với lối so sánh cường điệu, lời nói bóng gió làm cho câu chuyện có tính li kỳ, lôi cuốn người nghe. Ở đây, mỗi câu chuyện là một bức tranh về phong tục, tập quán, về cuộc đấu tranh giữa thiện – ác và ước mơ vươn tới một cuộc sống thanh bình, no ấm, giàu sang, bình đẳng và tiến bộ.


Thư viện Bảo tàng Đắk Lắk xin trân trọng giới thiệu tới quý độc giả!  




GD&TT