NGƯỜI ÊĐÊ - Một xã hội mẫu quyền
Người Ê Đê - Một xã hội mẫu quyền ban đầu là một công trình nghiên cứu dân tộc học được nhà nghiên cứu Anne de Hauteclocque thực hiện vào năm 1962 về thiết chế xã hội của người Êđê, đặc biệt nhấn mạnh vào lý giải sự ràng buộc giữa các thành phần dân cư trong một xã hội “mẫu quyền”.
Công trình của bà gây dấu ấn tiêu biểu ở khía cạnh thực địa, điều tra và thống kê, cũng như tham khảo kỹ lưỡng các hồ sơ luật tục và từ các dẫn liệu thực tế để tái dựng lại mô hình thiết chế sự hình thành các mối quan hệ nội tại thuộc xã hội mẫu quyền của người Êđê ở Đắk Lắk.
“Công trình này là kết quả của 14 tháng (từ tháng Tư năm 1961 đến tháng Sáu năm 1962) sống ở Đắk Lắk, một tỉnh cao nguyên miền Nam Việt Nam, phần lớn là nơi cư trú của người Êđê. Mục đích cuộc điều tra là, qua sinh hoạt của một làng, nghiên cứu tổ chức xã hội và gia đình của người Êđê, một xã hội thuộc ngữ hệ Nam Á, quan sát quy tắc huyết thống mẫu hệ cùng cách ở rể. Sau hai tháng ở Buôn Mê Thuột, thủ phủ của tỉnh, cuộc khảo sát đã diễn ra một năm ở Buôn Pôk, một làng khoảng 500 cư dân cách thủ phủ 22 cây số. Phần lớn tư liệu được thu thập trực tiếp tại đây bằng tiếng Êđê. Về những khía cạnh của tổ chức xã hội vượt quá khuôn khổ của làng, những cuộc thăm viếng ngắn ngủi ở khoảng hai mươi làng khác đã mang lại một phần bổ sung thông tin cùng những phần ghi âm và ghi chép văn học truyền miệng. Một phần tư liệu quan trọng khác được cung cấp bởi phòng lưu trữ của Tòa án luật tục mà ông Y Bhiư Enuôl, lúc ấy là lục sự, đã có nhã ý cho tác giả sử dụng lúc ở Buôn Mê Thuột.”
Việc phân chia xã hội Ê Đê thành hai bào tộc - bất đối xứng về số lượng các thị tộc: một tên gọi cho bên này và mười lăm cho bên kia - điều này giả định một hậu cảnh nhị nguyên cho phép tác giả nói đến một “gia tộc mở rộng”: một cá nhân nào đó sẽ hoặc là bà con cùng huyết thống với bạn, hoặc là quan hệ thông gia với bạn. Thế nhưng một cuộc nghiên cứu tỉ mỉ và cụ thể cơ chế xã hội này sẽ cho thấy rõ tầm quan trọng hàng đầu của dòng họ và nhất là một nhánh dòng họ của ông ta, và của go êsei “nồi cơm”. Chính ở cấp độ của nhánh dòng họ - những người sống trong một căn nhà dài - được thực hiện chẳng hạn việc nhận nuôi một đứa con gái để bảo đảm cho việc nối dõi, hoặc việc thay thế ông chồng đã chết (tr. 198). Còn về phần go êsei, nó là “tế bào cơ bản của xã hội Ê Đê”, đơn vị sản xuất và tiêu thụ mà các thành viên của nó hoàn toàn liên đới về mặt tôn giáo và trong lòng đơn vị này không thể có chuyện “sinh sự” (tr. 204).
Đây chỉ là một cái nhìn thoáng qua về sự phong phú đặc biệt của công trình nghiên cứu tổ chức xã hội này. Tuy nhiên ta có thể rút ra ở đây những dữ kiện và những cách nhìn phong phú về các quan niệm tôn giáo của người Ê Đê, bổ sung và làm hài hoà những dữ kiện trước đây đã được Bernard Y. Jouin và Albert Maurice cung cấp. Một nhà nghiên cứu dân tộc học pháp lý sẽ phải tham khảo tác phẩm này, bởi những trường hợp cụ thể mà tác giả xem xét đã soi sáng tinh thần pháp lý sâu sắc của xã hội này vốn có một bộ luật tục có thể so sánh với các adat của những xã hội Nam Á khác. Bộ luật tục này đã được Sarbatier phát hiện và Antomarchi dịch, nhưng trong tác phẩm này ta thấy nó sống thực như thế nào. Nền văn hóa vật chất, không bị bỏ quên, được trình bày thu gọn, là đối tượng của chương thứ nhất.
Tác phẩm đi sâu nghiên cứu và giới thiệu về cơ cấu tổ chức, các quan hệ xã hội của dân tộc Êđê, đặc biệt xã hội Êđê là xã hội mẫu quyền điển hình nhất ở Tây Nguyên. Gồm 5 chương:
Chương I: Nhóm người Ê-Đê
Chương II: Bối cảnh xã hội - Tôn giáo
Chương III: Khuôn khổ đời sống xã hội
Chương IV: Gia tộc
Chương V: Kết ước hôn nhân
Người Ê Đê - Một xã hội mẫu quyền là một cuốn sách quý. Có thể coi đây là công trình nghiên cứu cơ bản nhất cho đến nay về xã hội Ê Đê, một xã hội mẫu quyền vừa điển hình vừa độc đáo (với thiết chế ngoài các thị tộc, lại có hai bào tộc, chỉ tìm thấy ở xã hội này). Súc tích mà toàn diện, chặt chẽ, cặn kẽ, rất nghiêm túc khoa học, rất kỹ càng, thận trọng, tinh tế trong cái nhìn và phân tích, đồng thời lại thật sinh động đến mức cho ta cảm giác được tiếp xúc với một cơ thể xã hội đang thật sự sống và chuyển động…
Thư viện Bảo tàng Đắk Lắk xin trân trọng giới thiệu cuốn sách đến bạn đọc!
DG&TT