LUẬT TỤC M’NÔNG

M’nông là một dân tộc thiểu số, cư trú chủ yếu tại các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Dương, người M’nông (nhóm Gar) từng sớm được thế giới bên ngoài biết đến qua tác phẩm nổi tiếng Chúng tôi ăn rừng của Georges Condominas.


Những năm gần đây, những người đọc sách càng ngạc nhiên, khâm phục hơn khi biết rằng, cộng đồng này là sở hữu chủ của hàng trăm sử thi độc đáo, đã được xuất bản. Luật tục là một giá trị khác, góp phần làm nên những nét riêng về văn hóa của tộc người M’nông.



Theo các tác giả Ngô Đức Thịnh, Điểu Kâu và Trần Tấn Vịnh, luật tục M’nông chính thức được phát hiện lần đầu tiên năm 1987. Từ hơn 50 điều ban đầu, khi được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản thành sách năm 1998, công trình đã tập hợp được 215 điều, chủ yếu là sản phẩm tinh thần được sưu tầm từ nhóm M’nông ở Đắk Nông.


Căn cứ vào nội dung, các điều luật (song ngữ M’nông – Việt) trong sách được chia thành 8 chương với các nhóm tội phạm, các hình phạt và trình tự xét xử, cụ thể:


Chương I: Về các tội và việc xét xử: 20 điều


Chương II: Về quan hệ với thủ lĩnh: 21 điều


Chương III: Về quan hệ cộng đồng: 29 điều


Chương IV: Về phong tục tập quán: 30 điều


Chương V: Hôn nhân và quan hệ nam nữ: 49 điều


Chương VI: Quan hệ gia đình: 20 điều


Chương VII: Về quan hệ sở hữu: 20 điều


Chương VIII: Về việc xâm phạm thân thể người khác: 26 điều



Giống như luật tục Êđê, trong sưu tập này, số lượng các điều khoản liên quan đến cộng đồng và gia đình của luật tục M’nông chiếm tuyệt đại bộ phận; chỉ có 20 điều dành cho quan hệ sở hữu. Ra đời và tồn tại trong xã hội tiền giai cấp, luật tục M’nông phản ảnh một phần nét đặc trưng của cộng đồng này. Sự khác biệt ấy, đến nay một phần vẫn còn tồn tại như những hồi quang, nhưng khá rõ ràng trong cuộc sống thực.


Thư viện Bảo tàng Đắk Lắk xin trân trọng giới thiệu cuốn sách đến bạn đọc!

GD&TT