GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 6: TÊN CÂY RỪNG VIỆT NAM
1. Bộ sách Cây Cỏ Việt Nam của GS.TS Phạm Hoàng Hộ, Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2003.
Cây cỏ Việt Nam là một công trình khoa học mang tầm cỡ quốc gia và chứa nhiều tâm huyết của GS.TS Phạm Hoàng Hộ. Theo ông, Việt Nam là đất nước có hệ thực vật phong phú hàng đầu thế giới với khoảng 12.000 loài khác nhau. Qua tập sách, chúng ta có thể tìm thấy hàng ngàn giống loài tiêu biểu nhất. Mỗi giống loài được trình bày theo những tiêu chí khoa học với độ chính xác cao. Ông đặc biệt chú ý đến những từ kép và viết chúng thành một từ dính liền ví dụ: hiển hoa, bào tử, thứ diệp, bào tử nang… Đây là bộ sách quý đối với tất cả những người nghiên cứu thực vật và những bạn sinh viên đang có ý định làm đề tài về hướng phân loại thực vật.
2. Cuốn sách “Tên cây rừng Việt Nam” dày 460 trang, khổ sách 21x30cm. Sách do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các nhà thực vật thuộc Viện điều tra Quy hoạch rừng biên soạn. Cuốn sách cung cấp cho bạn đọc thông tin về tên của một số loại cây họ thực vật, dạng sống, phân bố và công dụng của chúng. Ngoài ra, sách còn giới thiệu tên thương phẩm của một số loại gỗ và lâm sản khác của Việt Nam.
3. Nghiên cứu rừng tự nhiên tác giả Đỗ Đình Sâm, Nguyễn Hoàng Nghĩa, Nhà xuất bản Thống Kê ấn hành năm 2001, khổ sách 19x27cm, dày 184 trang.
Sách tập hợp 17 bài viết của 17 tác giả đề cập đến nhiều khía cạnh của rừng tự nhiên nói chung và ở một số tỉnh như Đắk Lắk, Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm lâm sinh Cầu Hai, Phú Thọ, Kon Hà Nừng, Kon Tum, Lâm Đồng nói riêng về những thành tựu trong nghiên cứu rừng tự nhiên, nâng cao năng suất chất lượng rừng sản xuất tự nhiên, cấu trúc rừng và một số vấn đề khác.
Ngoài những cuốn sách trên, Thư viện chuyên ngành Bảo tàng Đắk Lắk còn rất nhiều sách hay như văn hóa, lịch sử, văn học…Quý bạn đọc có thể truy cập tra cứu, tìm các tài liệu hiện có tại Thư viện chuyên ngành Bảo tàng thông qua địa chỉ http://tvbaotangdaklak.nlv.vn/ .
Trần Nguyệt