VẺ ĐẸP TRANG SỨC CỦA NGƯỜI Ê ĐÊ, GIA RAI, MNÔNG

Đối với người Ê đê, Gia rai, M’Nông, trang sức không chỉ là phụ kiện tôn lên vẻ đẹp con người mà còn thể hiện sự giàu có, sang trọng và mang đậm yếu tố văn hóa, tâm linh.

Vòng đồng: Sử dụng trong nhiều nghi lễ, cho mọi lứa tuổi, giới tính. Ở nam nữ thanh niên, vòng đồng là vật đính ước, hứa hôn và kết hôn. Đối với người trung niên và người già, vòng đồng ghi dấu những lần cúng Yang và số lượng con vật mỗi lần cúng bằng các vạch khắc theo quy định trên vòng và số lượng vòng đeo.

Với người Ê đê, khi người con trai và con gái mến nhau, trước khi kết hôn sẽ tiến hành lễ hỏi (nao êmuh), nhà gái chuẩn bị lễ vật đi đến nhà trai gồm một ché rượu và một chiếc vòng đồng. Dưới sự dẫn dắt của bà mối, nếu người con trai nhận lời thì sẽ làm lễ trao vòng. Sau lễ này, hai gia đình đi lại với nhau và chuẩn bị thời gian tiến hành hôn lễ.


Vòng đồng của người Ê đê


Vòng tay của bà Trút, một người phụ nữ Gia rai sống tại xã Ea H’leo huyện Ea H’leo dùng đeo trong lễ Čuê nuê (tục nối nòi) sau đám tang của chồng (R’chăm Dol).

Trước đây, khi chồng chết, người vợ có quyền chọn chồng mới ngay trong họ nhà chồng (em hoặc cháu), lễ này diễn ra ngay sau đám tang trước sự chứng kiến của gia đình và dân làng. Người con trai được người phụ nữ chết chồng chọn sẽ ngồi đối diện và trả lời câu hỏi của người dẫn lễ (thầy cúng). Nếu chàng trai đồng ý thì sẽ đeo vòng vào tay, trường hợp từ chối vòng được trả lại cho người phụ nữ. Trong suốt quá trình làm lễ bao giờ vòng cũng được đặt trong một cái chén đồng và đặt trước mặt hai người.


Vòng đeo trong lễ Čuê nuê của người Gia rai


Bộ vòng đeo chân tay (Kông tuôr): là trang sức của phụ nữ Ê đê dùng để đeo ở cả tay và chân. Trong các dịp lễ hội họ sử dụng một bộ gồm 12 cái (sáu cái đeo ở tay và sáu cái ở chân) kết hợp với những vũ khúc dân gian tạo ra âm thanh rất vui tai, ngày thường chỉ đeo hai cái ở tay.


Bộ vòng đeo tay và chân của phụ nữ Ê đê


Vòng cổ: Được làm từ các chất liệu như: bạc, hợp kim vàng, ..., chiếc vòng cổ của các cư dân nơi đây mang nhiều ý nghĩa, không chỉ là trang sức mà còn là tài sản, của hồi môn, chứa đựng những giá trị văn hóa, tâm linh, lưu giữ những kỷ niệm về người bà, người mẹ.

Vòng cổ của ông Y Joat Niê, người Ê đê ở huyện Krông Ana là một minh chứng. Ông cho biết, chiếc vòng do mẹ ông đổi cho khách buôn người Chăm với giá một con heo. Khi bà mất vì không có con gái nên ông được thừa hưởng chiếc vòng này, đây là loại vòng rất được các thiếu nữ Ê đê ưa chuộng dùng làm trang sức.

Vòng cổ (Kông xoan) của người Ê đê


Chiếc vòng của bà Thị Vết, người Mnông Noong lại là của hồi môn mẹ để lại cho bà khi đi lấy chồng. Loại vòng này chỉ có nhà giàu mới có bởi nó được đổi ngang giá trị với một con heo nặng 60kg và đã cúng bằng ba con heo, ba con gà.


Vòng cổ của người phụ nữ Mnông


Trâm cài đầu thường làm bằng đồng, bạc và sừng, dùng cài đầu khi các cô gái cưới chồng. Đây là một trong những món đồ trang sức được các cô gái Tây Nguyên yêu thích.

Trâm cài đầu trong đám cưới của phụ nữ Mnông


Hãy đến Bảo tàng Đắk Lắk để cảm nhận vẻ đẹp trang sức của các cư dân tại chỗ và hòa mình vào bức tranh văn hóa đa dạng, độc đáo của các dân tộc anh em.



GD&TT